Xét xử phúc thẩm vụ Việt Á
Như Dân Việt đã đưa tin: Chiều 16/5, đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội nêu quan điểm về kháng cáo của 11 người trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và một số bộ, ngành, địa phương.
Theo Viện kiểm sát, các bị cáo trong vụ án này đã thực hiện chuỗi hành vi sai phạm nhằm thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn. Phan Quốc Việt chiếm đoạt sản phẩm kit test Covid-19, biến nó từ tài sản Nhà nước thành của Công ty Việt Á.
Việt Á sau đó liên tiếp vi phạm đấu thầu, tổ chức ăn chia, đưa hối lộ cho nhiều cá nhân có thẩm quyền và bán sản phẩm kit test với giá cáo, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tại tòa phúc thẩm vụ án Việt Á.
Trong vụ án, bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, bị xác định lợi dụng chức vụ để tạo điều kiện cho Công ty Việt Á. Ngoài ra, thông qua thư ký của mình, bị cáo Long nhận hối lộ 2,25 triệu USD từ Phan Quốc Việt.
Xét kháng cáo của các bị cáo, kiểm sát viên cho rằng án sơ thẩm của TAND TP.Hà Nội đã áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử phạt “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo nộp thêm tài liệu, chứng cứ, biên lai nộp tiền để xin giảm nhẹ hình phạt.
Với Phan Quốc Việt, phía công tố cho rằng anh ta là người giữ vai trò cao nhất, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn. Dù bị cáo nộp thêm 200 triệu đồng nhưng đây là “số tiền không đáng kể” so với thiệt hại của vụ án nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
Việt trước đó bị tòa sơ thẩm phạt 29 năm tù do đưa hối lộ và vi phạm đấu thầu và còn bị tòa quân sự phạt 25 năm tù do có sai phạm trong vụ án tại Học viện Quân y (án chưa hiệu lực nên chưa tổng hợp).
Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Thanh Long, kiểm sát viên cho rằng ông nhiều lần nhận hối lộ, bị cấp sơ thẩm phạt 18 năm tù. Đến nay, ông Long nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả chung của vụ án; có tình tiết mới là người thân được tặng huân huy chương kháng chiến; bản thân ông Long có nhiều cống hiến, là tác giả nhiều đề tài khoa học…
Tuy vậy, kiểm sát viên nêu quan điểm, bị cáo Nguyễn Thanh Long đã nhận hối lộ số tiền lớn để tạo điều kiện cho Công ty Việt Á, gây hậu quả đặc biệt lớn. Cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ tình tiết giảm nhẹ, cho bị cáo hưởng mức án 18 năm tù về tội nhận hối lộ là dưới khung hình phạt. Do đó, không có căn cứ để giảm nhẹ cho bị cáo.
Tương tự, kiểm sát viên cho rằng các bị cáo còn lại đã được cấp sơ thẩm tuyên thấp hơn khung hình phạt hoặc xem xét đủ các tình tiết giảm nhẹ nên không có căn cứ giảm án. Phía công tố do vậy đề nghị tòa phúc thẩm bác tất cả kháng cáo về hình phạt trong vụ án.
Bắt tạm giam Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng
Ngày 16/5, nguồn tin của Dân Việt cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP.Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) vừa ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ đối với ông Lê Trường Giang (SN 1970) – Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bắt tạm giam Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang. Ảnh: Đ.H
Trước đó, ngày 14/5, Cơ quan CSĐT Công an TP.Việt Trì đã có văn bản số 608/TB-CQĐT về việc báo cáo đảng viên vi phạm pháp luật đến UBND tỉnh Phú Thọ.
Văn bản nêu rõ, ông Lê Trường Giang – Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh Phú Thọ – có hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Qua đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.Việt Trì báo cáo tới UBND tỉnh Phú Thọ biết về hành vi vi phạm pháp luật của đảng viên để xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
“Trùm giang hồ” Quân Idol ở Quảng Trị cùng 3 đàn em thân tín bị truy tố
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 16/5, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị cho hay, đã hoàn tất cáo trạng, truy tố Nguyễn Quốc Quân (tức Quân Idol, 33 tuổi, trú thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), “trùm giang hồ” ở miền tây Quảng Trị với tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy.
Cùng bị truy tố còn có 3 đàn em của Quân là Lê Văn Sơn (34 tuổi), Phạm Công Định (26 tuổi), Lê Duy Thịnh (27 tuổi, cùng trú huyện Cam Lộ, Quảng Trị) với cùng tội danh.
” Trùm giang hồ” Quân Idol ở Quảng Trị – tức Nguyễn Quốc Quân – bên xe sang của mình. Ảnh: CA
Theo cáo trạng, Quân sử dụng mạng xã hội Zalo nhắn tin với nhiều ám hiệu rồi thu hồi tin nhắn để điều hành việc vận chuyển ma túy. Đầu giờ chiều 12/2/2023, Quân nhắn tin qua Zalo với Sơn có nội dung: “Tối hôm nay hoặc tối ngày mai thì có hàng về, có ai nhận không, tầm 10 cục”.
Qua ám hiệu, Sơn hiểu hàng là ma túy, 10 cục tương ứng 10kg ma túy. Sơn gọi điện thoại cho Định và hỏi “có 10kg đi không?”. Định hiểu nội dung là vận chuyển 10kg ma túy vào TP.HCM nên rủ thêm Thịnh cùng đi. Sau đó, Thịnh đi mua một điện thoại mới, một sim rác và một vali để đựng ma túy.
Đến tối 12/2/2023, một người gọi điện thoại hẹn Định và Thịnh “lên Đầu Mầu”, tức đoạn quốc lộ 9 qua xã Cam Thành.
Cả hai dùng ô tô lên điểm hẹn, phát hiện một khối hộp chữ nhật được quấn băng keo đen bên ngoài ở lề đường, biết là ma túy nên dừng xe lấy lên ô tô rồi đưa về nhà Thịnh cất giấu. Quân tiếp tục chỉ đạo chia số ma túy làm 2 vali.
“Trùm giang hồ” Quân Idol ở Quảng Trị lúc bị bắt. Ảnh: C.A
14h ngày 13/2/2023, Định và Thịnh hẹn nhau dùng ô tô đưa ma túy vào TP.HCM. Khi đi trên quốc lộ 1 đến địa phận huyện Hải Lăng thì bị công an giao thông ra hiệu lệnh dừng xe. Nhóm này tăng tốc bỏ chạy rồi ném ma túy ra khỏi ô tô, ghi nhớ vị trí.
Tối cùng ngày, Sơn và Định dùng ô tô vào quốc lộ 1 để tìm lại ma túy. Khoảng 21h45, tại Km789 quốc lộ 1 qua xã Hải Chánh, cả hai dừng xe ô tô nhặt một túi xách màu xanh đen ở bãi cỏ ven đường, chứa 7 cục ma túy thì bị công an bắt giữ. Định chỉ vị trí, giao nộp thêm vali còn lại chứa 3 cục ma túy.
Lực lượng chức năng kết luận Quân, Sơn, Định, Thịnh vận chuyển hơn 10kg ma túy loại Ketamine.
Trong vụ án, Quân là chủ mưu, thuê Sơn, Định và Thịnh thực hiện hành vi để lấy tiền công. Với Quân Idol, ngoài tội danh trên, “trùm giang hồ” sở hữu nhiều xe sang này còn đang bị điều tra thêm với các hành vi cho vay lãi nặng, đe dọa giết người và cưỡng đoạt tài sản.
2 chiếc xe sang, biển số đẹp “trùm giang hồ” Quân Idol ở Quảng Trị khoe trên mạng xã hội. Ảnh: C.A
Được biết, Quân Idol nổi lên như một “ông trùm” miền tây Quảng Trị với việc cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu “xã hội đen”. Dưới tay Quân có nhiều “đàn em” số má, tiền án, tiền sự… Quân mở đồng loạt nhiều tiệm cầm đồ, sân bóng nhân tạo, bida…
Quân hay khoe sự giàu sang trên mạng xã hội. Đặc biệt, Quân khoe có 2 chiếc xe sang Mercedes-Maybach và Porsche lần lượt mang biển kiểm soát “siêu đẹp” 74A – 199.99 và 74A – 222.22.
Khách sạn chưa xây xong thì “trùm giang hồ” Quân Idol ở Quảng Trị đã bị bắt. Ảnh: N.V
Quân cũng khoe về khách sạn bản thân đang xây dựng. Tuy nhiên, khách sạn chưa xây xong thì ngày 25/8/2023, “trùm giang hồ” Quân Idol cùng 2 đàn em bị Công an tỉnh Quảng Trị bắt giữ tại một quán ăn sáng ở thị trấn Khe Sanh.
Quân từng nhiều lần vào tù với tội danh trộm cắp tài sản nhưng không biết tu chí, sửa sai. Quân không có nghề nghiệp ổn định nhưng giàu lên nhanh chóng, tài sản lớn, ăn chơi xa hoa. Sự bất minh về tài sản của Quân không thể qua khỏi con mắt tinh tường của quần chúng nhân dân và lực lượng công an.
3 đối tượng trong vụ “giết người” tại Đà Nẵng ra đầu thú
Ngày 16/5, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.Đà Nẵng cho biết, đã có thêm 3 đối tượng liên quan đến cơ quan công an đầu thú về hành vi “gây rối trật tự công cộng” trong vụ “giết người” xảy ra trên địa bàn thành phố.
3 đối tượng đầu thú gồm: Phan Chỉ Thiên (24 tuổi), Trần Xuân Thịnh (20 tuổi) và Lê Minh Long (24 tuổi, cùng trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng).
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, đêm 7/5, trên đường Nguyễn Tất Thành (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) xảy ra vụ 2 nhóm đối tượng dùng hung khí “truy sát” khiến 1 người tử vong là Phan Thành Đ (19 tuổi, trú quận Thanh Khê).
Sau khi tiếp nhận tin báo, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) phối hợp với Công an quận Thanh Khê tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đồng thời tiến hành truy xét các đối tượng liên quan.
Đến rạng sáng 9/5, Phòng CSHS đã phối hợp với Công an TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai bắt giữ được 3 đối tượng liên quan khi đang lẩn trốn tại một nhà nghỉ ở phường Xuân Thành (TP.Long Khánh).
Các đối tượng bị bắt giữ gồm Lê Vũ Hoàng Tươi (29 tuổi), Trần Văn Sinh (23 tuổi, cùng trú huyện Thăng Bình, Quảng Nam) và Huỳnh Văn Minh Nhựt (29 tuổi, trú thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Hiện lực lượng chức năng đã xác định rõ danh tính và tiếp tục truy bắt các đối tượng liên quan.
Cơ quan Công an TP.Đà Nẵng cũng yêu cầu các đối tượng có liên quan đến Phòng CSHS, Công an TP.Đà Nẵng (số 47 Lý Tự Trọng, TP.Đà Nẵng) đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Cựu kế toán trường học nâng khống tiền lương, chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng
Ngày 16/5, nguồn tin của Dân Việt cho biết, VKSND tỉnh Gia Lai vừa ban cáo trạng truy tố Trần Thị Đầm (nguyên kế toán của Trường TH&THCS Chơ Glong, huyện Kông Chro) về các tội “Tham ô tài sản”, “Giả mạo trong công tác” và Vũ Xuân Sinh (nguyên Hiệu trưởng Trường TH&THCS Chơ Glong) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2022, Đầm đã lợi dụng chức vụ được giao khi làm bảng thanh toán tiền lương và các khoản phụ cấp lương, các khoản trích nộp theo lương của các biên chế có mặt tại Trường TH&THCS Chơ Glong đã nâng khống số tiền lương thực lĩnh hàng tháng của trường (tiền lương của các giáo viên nghỉ thôi việc, nghỉ hưu, chuyển công tác và tự đưa thêm 70% phụ cấp thu hút), để chiếm đoạt số tiền gần 1 tỷ đồng từ nguồn kinh phí tự chủ của nhà trường do mình có trách nhiệm quản lý.
Ngoài ra, Đầm còn có hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung 11 quyết định nâng lương, thâm niên nghề và giả chữ ký của Hiệu trưởng nhà trường để ký vào 2 bảng tổng hợp nhu cầu tiền lương, phụ cấp lương và các khoản đóng góp theo lương năm 2022 và bảng tổng hợp nhu cầu kinh phí nâng lương và các khoản phụ cấp định kỳ năm 2022 để nộp cho Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Kông Chro nhằm hợp lý nguồn tiền xin bổ sung kinh phi tự chủ.
Trong khi đó, Vũ Xuân Sinh là người chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng dự toán ngân sách được UBND huyện Kông Chro giao năm 2021, 2022.
Tuy nhiên, cáo trạng chỉ ra, Sinh đã buông lỏng quản lý, không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình, giao bút ký điện tử cho Đầm giữ nên không biết việc kế toán đã dùng thủ đoạn gian dối thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền lương bằng cách đưa tên, số tài khoản của các cá nhân không thuộc biên chế nhà trường vào bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng; scan chữ ký của Hiệu trưởng trên bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng và sử dụng bút ký điện tử của Hiệu trưởng để ký Giấy rút dự toán ngân sách Nhà nước gửi lên Trang dịch vụ công Kho bạc Nhà nước huyện Kông Chro để thực hiện chi lương và đã chiếm đoạt số tiền gần 1 tỷ đồng.
Tin An Ninh Hinh Su