Vụ án xảy ra tại Công ty Tây Hồ được TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử vào tháng 8/2023. Trong vụ án này có 5 bị cáo, bà Chu Thị Ngọc Ngà, nguyên Trưởng Ban Kiểm soát Công ty Tây Hồ, bị tuyên phạt 13 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Trong vụ này này, ngoài bà Ngà còn có 4 bị cáo khác, đó là bị cáo Đặng Quang Tuấn, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Tây Hồ bị tuyên 9 năm tù; bị cáo Tân Tú Hải, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tây Hồ bị tuyên 9 năm tù; bị cáo Phan Việt Anh, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Tây Hồ bị tuyên 5 năm tù; bị cáo Nguyễn Tấn Hoàng, nguyên Trưởng phòng Kinh doanh bị tuyên 4 năm tù. Tất cả cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bà Ngà đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án. Nữ bị cáo này cho rằng mình không phạm tội, các bị cáo trong vụ án cũng không phạm tội. Trong đơn kháng cáo bà Ngà nêu, vụ án được điều tra, truy tố và xét xử trái thẩm quyền. Ngoài ra bị cáo này còn cho rằng, Tổng công ty xây dựng Hà Nội, Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ (nơi bị cáo công tác) không phải là doanh nghiệp nhà nước vì vậy không phải bị hại trong vụ án như quyết định tại bản án.
Bà Ngà đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét xử phúc thẩm toàn bộ vụ án, cho hỏi đáp, tranh tụng công khai, minh bạch làm rõ mọi tình tiết của vụ án, làm rõ các căn cứ pháp luật được các bị cáo, luật sư, kiểm sát viên và HĐXX viện dẫn.
Liên quan đến vụ án này, trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, cụ bà Đặng Thị Ngọc Bảo (92 tuổi, nguyên Phó giám đốc Kho bạc nhà nước TP.Hà Nộ), trú phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội –là mẹ của bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà đã có nhiều đơn kêu oan cho con gái tới các cơ quan như Bộ Công an, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, TAND tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan báo chí.
Cụ Bảo cho biết, từ khi con gái bị khởi tố, bắt tạm giam, thấy có dấu hiệu oan sai, ngày cụ quên ăn, đêm thường xuyên thức trắng suy nghĩ, nghiên cứu các sách luật, nhờ luật sư tư vấn, rồi lọ mọ tìm tới các cơ quan tố tụng kêu oan cho con. Cụ cho biết thêm, cho tới nay con gái của cụ vẫn không nhận tội.
Trong đơn kêu oan cho con gái, cụ Bảo đã rằng: Con gái bà là Chu Thị Ngọc Ngà vừa là cổ đông, vừa là người lao động tại Công ty Tây Hồ. Con gái bà bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, nhưng tội danh này pháp luật quy định chỉ áp dụng cho những người được Nhà nước giao vốn – tức phải là “Người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp” mà Công ty Tây Hồ là doanh nghiệp ngoài nhà nước.
“Công ty Tây Hồ là doanh nghiệp cổ phần ngoài nhà nước, từ 2006 đã cổ phần hóa, nhà nước đã rút gần hết vốn chỉ còn dưới 50% vốn điều lệ vậy nên Phòng đăng ký kinh doanh Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội đều ghi nhận Công ty Tây Hồ là “Doanh nghiệp ngoài nhà nước”. Tại nơi con tôi làm việc không có người đại diện vốn nhà nước, con tôi thì làm ban kiểm soát cũng chẳng có quyền gì đối với tài sản của doanh nghiệp, cũng chẳng có tài sản nào thuộc sở hữu tại Công ty Tây Hồ như vậy thì sao con tôi cùng 4 người trong công ty lại phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” để bị khởi tố và truy tố”, cụ Đặng Thị Ngọc Bảo nêu trong đơn.
Cũng trước thời gian diễn ra phiên tòa sơ thẩm, luật sư Phan Quốc Thắng (Đoàn luật sư TP Hà Nội – người bào chữa cho bà Chu Thị Ngọc Ngà) đã có đơn tố cáo nhiều nội dung trong vụ án này. Liên quan đến đơn của của luật sư Thắng, ngày 11/7/2023, Ban Nội chính Trung ương có công văn gửi Viện KSND Tối cao. Công văn cho biết: Sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ vào quy định của pháp luật, Ban Nội chính Trung ương gửi đơn tới Viện KSND Tối cao để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; thông báo kết quả giải quyết cho Ban Nội chính Trung ương.
Cũng liên quan đến đơn tố cáo của luật sư Thắng, Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao sau khi xem xét đã chuyển đơn tới Viện KSND tỉnh Bắc Ninh để chỉ đạo kiểm sát và giải quyết theo thẩm quyền. Quá trình giải quyết, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì chuyển đến Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Theo tài liệu của cơ quan tố tụng, năm 2017, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội có 98,83% vốn Nhà nước và nắm giữ 50/09% vốn điều lệ tại Công ty Tây Hồ.
Cơ quan truy tố cáo buộc, Đặng Quang Tuấn và Tân Tú Hải với vai trò là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc đại diện vốn của Tổng công ty Xây dựng tại Hà Nội tại Công ty Tây Hồ đã bàn bạc, thống nhất với Phan Việt Anh, Chu Thị Ngọc Ngà, Nguyễn Tấn Hoàng thực hiện hành vi bán 118 lô đất ở khu đô thị mới huyện Quế Võ (Bắc Ninh) không đúng trình tự quy định, không theo kết quả thẩm định giá gây thất thoát hơn 91 tỷ đồng là tài sản của Nhà nước.
Tin An Ninh Hinh Su