Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa tổ chức xin ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan về dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi). Trong đó, tại Khoản 3 Điều 141 dự thảo luật quy định: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử, thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa”.
Tuy nhiên, sau đó quy định tại dự thảo này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này sẽ hạn chế quyền tác nghiệp của phóng viên, chưa thực sự tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp, đưa tin tại phiên tòa.
“Siết chặt ghi hình, ghi âm tại tòa: Phóng viên sẽ dễ đối mặt với rủ ro, sai sót”
Là người theo dõi phiên toà xét xử nhiều năm, nhà báo Phan Tuyến (công tác cho một cơ quan báo chí tại Hà Nội) cho rằng, một trong những yêu cầu tiên quyết với các bản tin báo chí nói chung, tác nghiệp tại toà nói riêng, là phải đảm bảo sự chính xác, trung thực. Để có được điều này, phóng viên rất cần ghi âm để vừa nghe lại những thông tin mà mình chưa chắc chắn và lưu lại làm căn cứ khi cần.
“Nếu không cho ghi âm, phóng viên không có gì để kiểm tra lại thông tin của mình. Đặc biệt, trường hợp xảy ra khiếu nại, thậm chí là kiện, phóng viên không có bằng chứng gì để chứng minh thông tin mình đưa là chính xác. Thực tế, ghi âm không phải lúc nào cũng được đăng tải lên mặt báo, mà mục đích lớn nhất như đã nói, là để kiểm chứng thông tin và bảo vệ căn cứ cho thông tin mình viết.
Việc ghi âm giúp thông tin chính xác không chỉ bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo, mà còn góp phần bảo vệ quyền lợi của chính những người tham gia phiên toà, thông qua việc thông tin trung thực, chính xác”, nhà báo Phan Tuyến nhấn mạnh.
Theo nhà báo Phan Tuyến, trường hợp cần thiết, có thể nghiên cứu quy định cho phép ghi âm, ghi hình để làm tư liệu phục vụ hoạt động nghiệp vụ báo chí. Nếu đăng tải thì phải được sự đồng ý của người có lời nói được ghi âm. Như vậy sẽ hài hoà cho cả 2 bên.
Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, nhà báo Vũ Thị Liễu, Báo điện tử VTC News cho hay, việc “thắt chặt ghi âm, ghi hình” tại phiên tòa có nhiều điểm bất cập.
“Báo chí có trách nhiệm đưa tin khách quan, đúng sự thật về diễn biến phiên tòa, nhưng việc thắt chặt phóng viên ghi hình, ghi âm đã cản trở họ thực hiện công tác chuyên môn. Thậm chí đẩy họ đối mặt với rủ ro sai sót trong tác nghiệp”, nhà báo Vũ Liễu chia sẻ.
“Có thể thấy, những phiên tòa xét xử các đại án mà dư luận đặc biệt quan tâm gần đây như xét xử phúc thẩm vụ “chuyến bay giải cứu”, đại án Việt Á…, phóng viên đã được bố trí ở phòng riêng, theo dõi qua màn hình tivi. Khi tác nghiệp tại những phiên tòa này, các nhà báo, phóng viên đã tuân thủ và không hề ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của buổi xét xử”, nhà báo Vũ Liễu bày tỏ quan điểm.
Là phóng viên theo mảng tòa án nhiều năm, nhà báo Đỗ Trọng Phú (PV một cơ quan báo chí TƯ) nhấn mạnh: “Bất kì quy định gì cũng cần tuân thủ pháp luật. Trong luật Báo chí quy định quyền tác nghiệp công khai của nhà báo. Do đó không có lý do để hạn chế, cản trở nhà báo ghi âm, ghi hình tại các phiên toà công khai. Việc ghi âm, ghi hình của phóng viên tại phiên toà rất quan trọng trong việc truyền tải thông tin đến bạn đọc”.
Cụ thể, Luật Báo chí 2016, tại khoản 2 Điều 25, 1 trong các quyền nhà báo có là: – Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật;
Sự giám sát của báo chí giúp cho cán bộ tòa án nâng cao bản lĩnh
Trao đổi với PV Dân Việt, nhà báo Nguyễn Bá, Tổng biên tập Báo VietNamNet chia sẻ, theo điều 141 Dự án Luật Toà án nhân dân, có 3 thành phần bị tác động trực tiếp. Thứ nhất là những người tham gia tố tụng như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; Thứ hai là các phóng viên báo chí, truyền hình; Thứ ba là những người liên quan như bị cáo, đương sự, người làm chứng, người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ…
“Tạo điều kiện để báo chí tham dự và đưa tin tại các phiên toà một cách công khai, khách quan chính là để thực hiện quyền giám sát của báo chí đối với các hoạt động công”, nhà báo Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập báo điện tử VietNamNet.
“Mỗi nhóm thành phần tham gia phiên toà đều có quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định. Đảm bảo quyền của người này nhưng không được làm hạn chế quyền của người khác – đó là điều mà tất cả mọi người đều mong muốn. Vì vậy, đảm bảo sự tôn nghiêm của phiên toà, duy trì sự tập trung của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư là điều cần thiết. Tuy nhiên, nếu cho rằng việc ghi âm, ghi hình của phóng viên trong thời gian diễn ra phiên toà ảnh hưởng đến sự nghiêm minh, làm mất sự tập trung của các thẩm phán, kiểm sát viên thì tôi cho là chưa đúng và chưa đầy đủ”, nhà báo Nguyễn Bá nhấn mạnh.
Theo nhà báo Nguyễn Bá, việc ghi âm, ghi hình của phóng viên phiên toà liên quan đến 2 vấn đề rất quan trọng. Thứ nhất đó là quyền tác nghiệp của báo chí; Thứ hai đó là việc thực hiện chức năng giám sát của báo chí.
“Ngoài ra, pháp luật hiện tại đều có quy định việc xét xử công khai, mọi người đều được quyền tham dự phiên toà, và toà án là đơn vị chịu trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện điều này. Trên thực tế, có nhiều phiên toà diễn ra hàng chục ngày, hoặc hàng tháng, diễn tiến phiên toà cũng rất đa dạng, do vậy nếu không cho phép báo chí ghi âm, ghi hình thì sẽ rất khó đảm bảo được tính chính xác, tính chịu trách nhiệm nếu không có sự giám sát của báo chí”, nhà báo Nguyễn Bá nhấn mạnh.
Tổng Biên tập Báo VietNamNet cũng phân tích, sự giám sát của báo chí cũng sẽ đòi hỏi các thẩm phán tôi luyện về trình độ, bản lĩnh; các kiểm sát viên, luật sư cũng sẽ phải trau dồi nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng tranh tụng.
Bởi nếu đưa ra những lập luận thiếu căn cứ hay sự hạn chế về trình độ khi được báo chí nêu lên sẽ giúp cho công chúng đánh giá đúng giá trị, năng lực, trình độ của đội ngũ thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư – từ đó thúc đẩy các lực lượng này trao đổi nghiệp vụ, thể hiện bản lĩnh trong việc tham gia các phiên toà.
“Cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, tính kỷ luật, tính chuyên nghiệp của các nhà báo, phóng viên ở các phiên toà chưa được đảm bảo, nhưng nếu vì lý do đó để hạn chế quyền ghi âm, ghi hình của báo chí tại phiên toà thì không nên. Nên chăng, cần bố trí khu vực riêng để báo chí tham dự tác nghiệp, cần phổ biến một cách đầy đủ về quyền nhân thân, quyền riêng tư của các đối tượng có liên quan trong các vụ án, và yêu cầu báo chí phải thực hiện nghiêm, và xử lý nghiêm khắc nếu báo chí vi phạm”, nhà báo Nguyễn Bá đề xuất.
Ông cũng cho biết thêm, Việt Nam đang hướng đến một xã hội pháp quyền, trong đó vai trò giám sát của người dân, của báo chí là hết sức quan trọng. Tạo điều kiện để báo chí tham dự và đưa tin tại các phiên toà một cách công khai, khách quan chính là để thực hiện quyền giám sát của báo chí đối với các hoạt động công.
(Còn nữa)
Tin An Ninh Hinh Su