Ngày 3/4, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan. Phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận, đối đáp giữa đại diện Viện kiểm sát (VKS) và luật sư.
Trong quá trình đối đáp bổ sung, luật sư bào chữa của bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra , giám sát ngân hàng II – Ngân hàng Nhà nước, Trưởng đoàn thanh tra SCB) cho rằng, việc bị cáo Nhàn gặp Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) không thể khẳng định nội dung cuộc gặp là đưa ra phương án đối phó với thực trạng sai phạm của SCB.
Khi gặp bị cáo Lan, bị cáo Nhàn chỉ nêu thực trạng của SCB và nói bị cáo Lan bán bớt tài sản để trả nợ. Tại các phiên tòa trước, bị cáo Lan cũng khai là được bị cáo Văn nhờ nói với bà Nhàn để nhanh chóng kết thúc quá trình thanh tra. Vì vậy, không có căn cứ kết luận bị cáo Nhàn và bị cáo Lan gặp nhau để trao đổi về việc đưa, nhận hối lộ.
Đối với các tình tiết tăng nặng mà VKS đề nghị áp dụng đối với bị cáo Nhàn, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét áp dụng nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo. Bởi vì ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước) bị cáo buộc là chủ mưu, bà Nhàn nhận chỉ đạo từ ông Hưng rồi chỉ đạo cấp dưới. Nếu bị cáo Nhàn thực hiện chỉ đạo theo ông Hưng tức là không phải ý thức chủ quan của bà Nhàn.
Tự bào chữa, bị cáo Đỗ Thị Nhàn tiết lộ về mối quan hệ với Văn, hai người quen biết nhau từ năm 2009. Thời điểm đó, Văn đang làm trong tập đoàn lớn tại Việt Nam và hỗ trợ cán bộ cơ quan bị cáo.
“Khi mối quan hệ tốt lên, việc Văn hay tặng quà cho bị cáo là lẽ bình thường của cuộc đời. Chẳng hạn như việc Văn tặng bị cáo hồ lô thì bị cáo tặng phật thủ lại cho Văn – bị cáo Nhàn nói – Một lần, Văn mang thùng xốp đến nói là tặng quà, bị cáo không biết bên trong đó là tiền. Lần tiếp theo, Văn cũng mang thùng xốp đến và nói nhờ bị cáo nhận giúp để Văn còn ra sân bay. Khi biết trong thùng xốp là tiền, bị cáo đã nhiều lần trả lại nhưng Văn nhiều lần tìm lý do thoái thác không nhận lại”.
Trình bày thêm sau phần bào chữa của luật sư, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn bày tỏ sự băn khoăn về hành vi tinh vi mà VKS truy tố. Theo bị cáo Văn, tất cả các bị cáo tại SCB đều tiếp tục quy trình thủ tục của những người đi trước chứ không có làm thêm công đoạn gì mới.
Ngoài ra, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn cũng cho hay, theo cáo trạng, những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1/1/2018 bị xử lý theo điều, khoản tương ứng (Điều 179) Bộ luật Hình sự năm 1999; những hành vi phạm tội xảy ra sau ngày 1/1/2018 bị xử lý theo các điều, khoản (Điều 353, Điều 206) Bộ luật Hình sự năm 2015.
Từ đó, bị cáo bày tỏ mong muốn HĐXX và VKS áp dụng các điều khoản có lợi cho các bị cáo một cách thiết thực nhất. Cụ thể, bị cáo mong HĐXX xem xét những hành vi phạm tội xảy ra trước năm 2018 hay sau 2018 đều bị xử lý theo điều Điều 179, Bộ luật Hình sự năm 1999 để giảm mức độ hình phạt.
Trong khi đó, luật sư của bị cáo Trương Mỹ Lan và Trần Thị Mỹ Dung cũng đặt câu hỏi về căn cứ và phương pháp xác định thiệt hại hậu quả của vụ án là phương pháp nào. Bởi vì trước đó, đại diện VKS nêu không sử dụng kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân để xác định thiệt hại của vụ án mà sử dụng các biện pháp thu thập chứng cứ khác…
Theo luật sư, trong vụ án này, việc xác định số tiền thất thoát, số tiền thiệt hại của SCB có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, điều này quyết định đến tội danh và hình phạt của các bị cáo.
Bào chữa bổ sung cho bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan), luật sư đề nghị HĐXX xem xét việc trích hơn 5.000 tỷ đồng từ giá trị của tòa nhà Times Square để lập quỹ dự phòng rủi ro. Vì theo định giá của Công ty Hoàng Quân, tòa nhà Times Square được định giá 35.000 tỷ đồng nhưng trong cáo trạng chỉ thể hiện 30.000 tỷ đồng, còn lại đã trừ vào quỹ dự phòng rủi ro.
Luật sư đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo Chu Lập Cơ mức án phù hợp vì bị cáo là người kinh doanh, có uy tín, nền tảng trong và ngoài nước; có vai trò thứ yếu, mờ nhạt và không biết tiếng Việt. Bị cáo Cơ chỉ muốn giúp đỡ vợ mình và giúp đỡ SCB.
Luật sư Hoàng Thị Thu (bào chữa cho ông Dương Tấn Trước) đề nghị HĐXX ghi nhận một số tình tiết giảm nhẹ phát sinh vì ngày 1/4, gia đình ông Trước đã nộp thêm 1 tỷ đồng.
Theo luật sư, trong quá trình kê biên, phong tỏa, ông Trước bị phong tỏa số tiền ngoại tệ lớn. Nếu quy đổi tổng tài sản bị kê biên phong tỏa (bao gồm cả ngoại tệ) thì có trị giá hơn 2.300 tỷ đồng.
Với số tiền trên, bản thân bị cáo và gia đình quyết định góp phần khắc phục thiệt hại vụ án. Đồng thời, ông Trước cũng tự nguyện giao nộp lại số tiền giao dịch với bà Lan hơn 1.632 tỷ đồng.
Tự bào chữa, ông Trước cho biết bản thân rất đau xót, ân hận khi nhận mức án đề nghị nghiêm khắc.
Ông Trước cho biết, bản thân là đối tác của bà Trương Mỹ Lan, muốn phát triển dự án của bà Lan đang bị nợ xấu. Ngoài ra, ông Trước nói mình không thống nhất với bà Lan mua dự án để rút tiền của ngân hàng.
“Bị cáo chỉ nghĩ đang giúp ngân hàng, bị cáo không tham gia thì ngân hàng cũng thiệt hại khoản tiền như vậy. Bị cáo đã chủ quan, không ý thức được”, ông Trước nói.
Ngoài ra, ông Trước cho biết từ khi làm việc với cơ quan điều tra đến nay, ông và gia đình đều mong muốn khắc phục hậu quả tốt nhất cho SCB, mong HĐXX xem xét mức án cho mình.
Tin An Ninh Hinh Su