Nội dung trên được nêu tại cáo trạng truy tố 24 bị can trong đường dây buôn lậu 6.150kg vàng 9999 từ Campuchia về Việt Nam. Đường dây này do Nguyễn Thị Minh Phụng (SN 1981, quê Bình Định), Nguyễn Thị Kim Phượng (SN 1985, ở Tây Ninh) cầm đầu.
Vàng được các bị can mua từ Phnom Pênh chở đến cửa khẩu Chàng Riệc (Tây Ninh), để vào ngăn bí mật của xe ba gác, chất đá lạnh lên trên “ngụy trang” rồi phóng qua biên giới.
Các bị can sau đó chia nhỏ, bán vàng lậu cho các chủ cửa hàng tại phía Nam. Một trong các chủ cửa hàng là Đặng Thị Thanh Hằng (hiện đã xuất cảnh nên công an tạm đình chỉ điều tra).
Viện kiểm sát xác định, Hằng có cửa hàng vàng ở cả TP.HCM và Hà Nội. Người phụ nữ từng mua 294kg vàng của Nguyễn Thị Minh Phụng với tổng trị giá gần 400 tỷ đồng. Cô ta bán lại 50kg, có giá trị hơn 72 tỷ đồng, còn lại để em ruột là bị can Đặng Nam Trung cùng anh Trịnh Việt Châu (con rể cũ) mang ra Hà Nội.
Về cách thức vận chuyển vàng lên máy bay, cáo trạng xác định Đặng Nam Trung là người: “Thường xuyên đi lại giữa Hà Nội và TP.HCM giao tiền, nhận vàng theo phân công của Hằng”.
Trung thường qua cửa VIP kiểm soát an ninh sân bay Tây Sơn Nhất và: “Có quen biết với nhiều nhân viên an ninh sân bay”. Mỗi khi mang vàng ra Hà Nội, Trung đều “nhờ” làm thủ tục lên máy bay trước.
Trường hợp Trung bận việc, anh ta giao Trịnh Việt Châu hoặc “gửi tiếp viên Vietnam Airlines”. Những lần gửi này, Trung đều: “Nhờ trước nhân viên an ninh trực để các cá nhân này mang vàng qua cửa an ninh”.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra rà soát kết quả soi chiếu tại Tân Sơn Nhất, chỉ xác định được ngày 28/9/2022, Trung có mang 15kg vàng nguyên khối ra Hà Nội.
Cán bộ an ninh sân bay Tân Sơn Nhất từng phát hiện “vật phẩm kim loại hình khối” nhưng không báo cáo, xử lý. Theo điều tra, đây không phải vật phẩm nguy hiểm bị cấm mang lên máy bay nên không có căn cứ xử lý các cá nhân liên quan.
Theo cáo trạng, các bị can trong vụ án này nhận thấy giá vàng ở Việt Nam cao hơn Campuchia nên từ đầu năm 2022 đã lập ra 2 đường dây, buôn lậu tổng cộng 6.150kg qua biên giới. Vàng lậu được tiêu thụ tại Tây Ninh, TP.HCM và thậm chí còn “lên máy bay” ra Hà Nội.
Đường dây thứ nhất do Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu. Bị can Phụng từng làm việc tại các cửa hàng vàng nên quen biết nhiều người trong lĩnh vực này nên đã tổ chức, phân công những người khác thực hiện buôn lậu.
Phụng sẽ tìm hiểu nhu cầu của khách mua trong nước rồi liên hệ sang Campuchia đặt mua, thuê người chở về nước với giá vận chuyển là 170USD/thỏi vàng. Nhóm này bị cáo buộc lợi dụng chính sách “không kiểm soát thường xuyên phương tiện đi lại vì mục đích sinh hoạt của cư dân biên giới” để chuyển hàng.
Người trực tiếp chuyển vàng là bị can Nguyễn Thị Ngọc Giàu (SN 1980, ở Tây Ninh).
Cô ta cho người của mình nhận vàng tại Phnom Pênh, chở đến cửa khẩu Chàng Riệc (Tây Ninh), để vào ngăn bí mật của xe ba gác, chất đá lạnh lên trên “ngụy trang” rồi phóng qua biên giới. Vàng được tập kết tại xưởng đá lạnh của Giàu tại huyện Tân Biên (Tây Ninh) trước khi chia nhỏ, giao người của bị can Phụng.
Cơ quan điều tra xác định, từ 3/8/2022 đến khi bị phát hiện ngày 28/9/2022, đường dây này buôn lậu trót lọt 4.830kg vàng thỏi tổng trị giá hơn 6.644 tỷ đồng. Qua đây, 17 bị can trong đường dây hưởng lợi hơn 17,6 tỷ đồng.
Đường dây thứ 2 do Nguyễn Thị Kim Phượng (em ruột bị can Ngọc Giàu) cầm đầu. Theo cáo trạng. Phượng sống ở biên giới, quen người bán vàng bên Campuchia nên đặt mua với giá 54.000USD/1kg vàng 9999 rồi mang lậu về Việt Nam, bán với giá cao hơn 300USD/1kg.
Việc vận chuyển vàng cũng bằng xe ba gác, chất đá lạnh lên trên như đường dây thứ nhất thực hiện. Viện kiểm sát cáo buộc từ 16/7/2022 – 28/9/2022, đường dây của Phượng buôn lậu thành công 1.320kg vàng, trị giá hơn 1.817 tỷ đồng.
Tin An Ninh Hinh Su