Mọi người vẫn thường cho rằng tuổi già bình yên hay không được quyết định bởi mức lương hưu bạn nhận được hàng tháng. Khi không thể làm việc, khoản tiền đó sẽ giúp bạn đảm bảo cơm ăn áo mặc và không tạo gánh nặng cho con cái.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn nhận được lương hưu khi về già. Song cũng không phải ai không có lương hưu thì tuổi già trở nên bế tắc. Trường hợp của bà Khương, 67 tuổi là một ví dụ điển hình.
“Tôi là một người phụ nữ có trình độ học vấn thấp. Dù không có đồng lương nào song ở tuổi 67, tôi vẫn có thể sống thoải mái mà không cần đến sự hỗ trợ của con cái”, cụ bà chia sẻ.
Vậy làm thế nào để bà Khương có thể sống một cuộc đời không lo lắng mà không có một đồng tiền lương hưu nào?
Theo chia sẻ của cụ bà này, đáng ra ở tuổi 67, bà có thể nhận lương hưu hàng tháng rồi ở nhà chăm cháu hoặc đi du lịch khắp nơi. Tuy nhiên, thực tế không màu hồng như vậy. Bà không có đồng lương hưu. Song không vì thế, cuộc sống của bà rơi vào khó khăn.
Cả một đời vất vả
Bà Khương kết hôn muộn ở tuổi 31. 2 năm sau, bà sinh được 2 người con trai. Quãng thời gian hạnh phúc đó kéo dài không lâu. Sau khi con trai lớn tròn 10 tuổi, chồng bà qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Ở thời điểm đó, bà được nhận 500.000 NDT tiền đền bù từ công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, số tiền này không thể bù đắp nỗi đau mà gia đình bà phải gánh chịu.
Ảnh minh hoạ
Mất đi trụ cột của gia đình, mọi gánh nặng dường như đổ lên vai người phụ nữ này. Bà phải chăm 2 đứa con cùng người mẹ chồng đã già yếu.
Nhiều người nói rằng với số tiền 500.000 NDT này chỉ cần gửi tiết kiệm là gia đình bà Khương có thể sống đến khi về già. Tuy nhiên, cuộc sống không đơn giản như vậy.
Sau khi lo chuyện cho chồng, bà lại tiếp tục chăm sóc mẹ chồng thường xuyên đau ốm. Ban đầu, bà chỉ phát hiện bệnh tiểu đường, sau đó là Alzheimer và ung thư.
Khi đó, nhiều người khuyên bà không nên bỏ số tiền 500.000 NDT ra để chữa bệnh cho mẹ. Bởi ung thư là căn bệnh hiểm nghèo. Bà nên dành số tiền đó để lo cho tương lai của 2 đứa trẻ sẽ tốt hơn.
Bất chấp sự can ngăn của mọi người, bà Khương vẫn bỏ khoản tiền đó ra để mua những loại thuốc tốt nhất nhằm chữa trị cho mẹ. Tuy nhiên, may mắn đã không xảy ra. Sau 3 tháng điều trị tích cực, cụ bà qua đời.
“Lúc đó trong tài khoản của tôi còn đúng 30.000 NDT. Trong khi con trai lớn chuẩn bị phải lên thành phố để học đại học rất cần tiền. Không còn sự lựa chọn nào khác, tôi chuyển cả gia đình lên thành phố, tìm thuê nhà và làm việc tại đây”, cụ bà 67 tuổi kể lại.
Ban ngày, bà đi dọn dẹp cho một xí nghiệp. Ban đêm, bà lại đi rửa bát thuê ở cửa hàng ăn. Bận rộn như vậy nhưng cả ngày bà cũng chỉ kiếm được 80 NDT.
Chăm chỉ làm việc, sau khoảng 5 năm bà Khương có chút vốn nên đã mở một xe hàng ăn ven đường. Kinh doanh được khoảng 2 năm, quán ăn đi vào ổn định. Lúc đó, bà cũng vừa hoàn thành hết trách nhiệm lấy vợ cho 2 người con trai.
Lên kế hoạch cho cuộc sống hưu trí
Từ đây, bà bắt đầu lên kế hoạch cho cuộc sống hưu trí của mình. “Tôi biết mình không có lương hưu và cũng không muốn con cái phải chịu áp lực. Tôi quyết định xây dựng quỹ hưu trí của riêng mình”, cụ bà kể.
Với mục tiêu đó, sau khi đã bước qua tuổi 50, bà không chọn ở nhà chăm cháu mà tiếp tục duy trì quán ăn nhỏ dẫu con cái khuyên nên nghỉ ngơi. Bà cho rằng làm việc vừa sức ở thời điểm này vừa giúp gia tăng tài chính, vừa giúp bản thân không mang những căn bệnh của người già do lười vận động.
Sau này khi những xe hàng rong không còn được bán lề đường, bà Khương quyết định thuê mặt bằng để mở quán ăn tại chỗ. Sau 3 năm đi vào hoạt động, cửa hàng kinh doanh phát đạt nên mở rộng diện tích và thuê thêm người. Vì thế số tiền cụ bà này kiếm được cũng dần tăng lên.
“Thời điểm đầu, tôi chỉ kiếm được 8.000-9.000 NDT/tháng. Nhưng giờ đây, thu nhập mỗi tháng của tôi lên đến 20.000 NDT. Sau một thời gian tích góp, thay vì gửi vào ngân hàng, tôi quyết định mua 2 căn nhà và cho thuê lại.
Mấy năm nay, tôi cũng cảm thấy sức khoẻ mình dần yếu đi nên đã chuyển giao công việc ở cửa hàng cho người em họ. May mắn có khoản thu nhập từ tiền thuê nhà nên tôi nghỉ ngơi mà không phải lo lắng gì.
Người ngoài nhìn vào đôi khi lo lắng cho tôi vì không có lương hưu, lại chẳng có chồng để dựa vào. Tuy nhiên, họ lại không biết rằng trong suốt những năm qua, tôi đã tự tạo ra nguồn thu nhập thụ động để dù không phải đi làm vẫn có tiền chi tiêu đều đặn hàng tháng”, cụ bà 67 tuổi chia sẻ.
Vậy nên, khi về già, việc có lương hưu là điều tốt. Song điều này không đồng nghĩa không có lương hưu thì cuộc sống rơi vào bế tắc. Chỉ cần chăm chỉ và có kế hoạch cụ thể, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được tình hình tài chính ở năm tháng cuối đời.
Cũng giống bà Khương, dù cuộc sống khó khăn đến đâu, chỉ cần không buông xuôi, mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Hiện tại, đã bước sang tuổi 67, không có lương hưu, cụ bà này vẫn sống thoải mái mà không áp lực chuyện tài chính.
Kenh14.vn – Trang chủ – RSS Feed
Nguồn: Sưu Tầm internet