Đề nghị truy tố 51 bị can vụ Trịnh Văn Quyết, FLC
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 24/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ban hành Kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự Thao túng thị trường chứng khoán, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, đề nghị truy tố 51 bị can.
Đây là diễn biến sau hai tháng C01 điều tra bổ sung vụ án Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Trịnh Văn Quyết (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC) cùng các đồng phạm.
Vụ án trên xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS, Công ty CP Xây dựng Faros, các công ty liên quan thuộc hệ sinh thái của Công ty CP Tập đoàn FLC, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Vụ Giám sát công ty đại chúng (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, do Trịnh Văn Quyết (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC) cùng đồng phạm và các cá nhân thuộc cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực chứng khoán thực hiện.
Ông Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC.
C01 đã đề nghị truy tố 3 bị can thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam về tội Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, theo khoản 2, Điều 209 Bộ luật Hình sự.
4 cán bộ khác thuộc Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Kết luận điều tra xác định, giai đoạn từ 26/5/2017 đến 10/1/2022, ông Quyết chỉ đạo hai em gái cùng một số người dùng nhiều tài khoản chứng khoán liên tục thực hiện giao dịch để thao túng thị trường.
Đầu phiên giao dịch hàng ngày, nhóm của ông Quyết sẽ được cấp hạn mức khống để đặt lệnh các mã AMD, HAI, GAB, ART, FLC. Các bị can sau đó liên tục mua bán khống với số lượng lớn được diễn ra để tạo cung cầu giả trong 562 phiên giao dịch.
Riêng với mã FLC có biến động mạnh về giá trong phiên giao dịch ngày 10/1/2022 khi tăng trần lên 24.100 đồng/cổ phiếu sau đó giảm nhanh về mức sàn là 21.150 đồng (giảm 12,9% trong một phiên).
Cơ quan điều tra cáo buộc, trong phiên này, ông Quyết đã chỉ đạo em gái bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC với tổng giá trị khớp lệnh 1.600 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cáo buộc ông Quyết cùng đồng phạm đã thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART thu lợi bất chính 723 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Quyết còn chỉ đạo đồng phạm tăng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng với mục đích chiếm đoạt của các nhà đầu tư.
Faros sau đó đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM để bán, sau đó chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
51 bị can bị đề nghị truy tố, có: 21 bị can bị khởi tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán; 31 bị can bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 4 bị can thuộc Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 3 bị can thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam bị khởi tố về tội Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Trong đó, có 8 bị can bị khởi tố 2 tội danh Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Trần Quí Thanh và 2 con gái bị cáo buộc lợi dụng cho vay tiền để chiếm đất trị giá hàng nghìn tỷ đồng
Như Dân Việt đã thông tin: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, giữ nguyên đề nghị truy tố ông Trần Quí Thanh (SN 1953) và 2 con gái là Trần Uyên Phương (SN 1981), Trần Ngọc Bích (SN 1984) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Bản kết luận điều tra lần đầu ra tháng 11/2023 nhưng sau đó Viện kiểm sát trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.
Ông Trần Quí Thanh bị cáo buộc lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt nhiều đất đai.
Tại kết luận lần này, cảnh sát cho rằng số tiền bị chiếm đoạt trong vụ án là hơn 1.000 tỷ đồng, thay vì hơn 700 tỷ đồng như kết luận lần đầu.
Cụ thể, bà Đặng Thị Kim Oanh là chủ tịch các công ty Kim Oanh Đồng Nai và Công ty Thuận Lợi. Bà Oanh có mua 2 dự án là Minh Thành Đồng Nai và Nhơn Thành Đồng Nai.
Năm 2019, do khó khăn nên bà Oanh gặp ông Trần Quý Thanh vay 500 tỷ đồng nhưng được yêu cầu phải làm hợp đồng chuyển nhượng lại 2 dự án trên; khi nào có trả tiền sẽ được hoàn lại.
Nhóm bà Oanh sau đó làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích theo chỉ đạo của ông Trần Quí Thanh.
Năm 2020, bà Oanh xin lấy lại các dự án nhưng phía ông Thanh không đồng ý nên nữ đại gia làm đơn tố cáo.
Cơ quan điều tra cho rằng ông Thanh đã lợi dụng việc cho vay để chiếm đoạt 2 dự án trên, gây thiệt hại cho bà Đặng Thị Kim Oanh số tiền gần 900 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Thanh còn chiếm đoạt 35 thửa đất của 3 cá nhân khác, gồm 29 thửa đất của anh Nguyễn Văn Chung; 4 thửa của ông Lâm Sơn và 2 thửa của anh Nguyễn Huy Đông.
Theo kết luận, ông Thanh không nhận tội nhưng cơ quan điều tra đủ căn cứ xác định vị này có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ngược lại, ông chủ của Tân Hiệp Phát được ghi nhận có nhiều đóng góp cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động…
Giám đốc một cơ quan ở Đắk Lắk bị kẻ xấu xịt sơn trước cổng nhà
Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 24/2, ông Trần Quốc Lộc – Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Đắk Lắk cho biết, nhà ông vừa bị kẻ xấu xịt sơn trước cổng nhà.
Nhà của ông Trần Quốc Lộc – Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Đắk Lắk bị kẻ xấu xịt sơn trước cổng nhà. Ảnh: NG
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Quốc Lộc cho biết, gia đình ông không có mâu thuẫn hay xích mích với ai.
“Cả hai vợ chồng tôi đều là công chức Nhà nước, hàng xóm phần đa cũng là công chức, chúng tôi cũng không xích mích với ai. Sự việc xảy ra khiến tôi hết sức bất ngờ và không hiểu có ai ghen ghét gì hay không”, ông Lộc chia sẻ.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đến kiểm tra hiện trường, điều tra vụ việc.
5 cựu lãnh đạo SCB bị truy nã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Vạn Thịnh Phát ra sao?
Như Dân Việt đã thông tin: TAND TP.HCM đã ban hành quyết định đưa vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn ra xét xử từ ngày 5/3 và dự kiến kéo dài đến ngày 29/4/2024, đồng thời kêu gọi 5 bị cáo đang trốn truy nã ra đầu thú.
Cụ thể, 5 bị cáo đang bị truy nã, gồm: Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó Giám đốc SCB – chi nhánh Bến Thành), Trầm Thích Tồn (thành viên HĐQT SCB), Chiêm Minh Dũng (cựu Phó Tổng giám đốc SCB), Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), và Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB). Các bị cáo này bị truy nã về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và tội “Tham ô tài sản”.
Bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nắm quyền lực cũng như cổ phần tuyệt đối ở SCB giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 10/2022. Ảnh: D.V
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần), qua đó trở thành cổ đông có “quyền lực” để chỉ đạo, điều hành, thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động của ngân hàng này, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Trương Mỹ Lan cùng nhiều đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi, gồm: “tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bà Lan; thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty “ma”, thuê nhiều cá nhân; cấu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm; thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm.
Đồng thời tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, “cắt đứt” dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.
Từ đó, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, trong đó nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tố chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.
Cáo trạng đã xác định rõ 5 bị cáo đang bỏ trốn, nắm giữ vai trò chủ chốt tại SCB, tham gia tích cực giúp cho bà Trương Mỹ Lan thực hiện việc rút tiền khỏi ngân hàng.
Trong đó, Đinh Văn Thành – cựu Chủ tịch HĐQT SCB, từ ngày 28/6/2012 đền ngày 19/10/2017 đã ký hợp thức hồ sơ 174 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 42.770 tỷ đồng. Từ ngày 9/2/2018 đến ngày 6/12/2020, đã ký hợp thức hồ sơ 305 khoản vay, giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 189.103 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền hơn 99.677 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương – cựu Chủ tịch HĐQT SCB, từ ngày 25/7/2012 đến ngày 30/7/2013, đã ký hợp thức 79 khoản vay, gây thiệt hại cho ngân hàng này số tiền hơn 6.989 tỷ đồng.
Tương tự, bị cáo Chiêm Minh Dũng – cựu Phó Tổng giám đốc SCB, đã giúp sức cho bà Lan rút tiền của SCB, gây hậu quả đặc biệt lớn. Từ ngày 20/11/2012 đến ngày 4/4/2019, Chiêm Minh Dũng đã ký hợp thức 362 khoản vay, gây thiệt hại hơn 140.713 tỷ đồng.
Đối với bị cáo Trầm Thích Tồn – cựu Thành viên HĐQT SCB, đã giúp sức cho bà Lan rút tiền của ngân hàng, gây hậu quả đặc biệt lớn. Từ ngày 25/7/2012 đến ngày 24/5/2013, Trầm Thích Tồn đã ký hợp thức 80 khoản vay, gây thiệt hại số tiền hơn 7.176 tỷ đồng.
Riêng bị cáo Nguyễn Lâm Anh Vũ với vai trò là Phó Giám đốc SCB – chi nhánh Bến Thành, từ ngày 13/8/2014 đến ngày 31/8/2015, đã ký hợp thức hồ sơ 112 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 3.762 tỷ đồng. Từ đó, giúp sức cho bà Lan rút tiền của ngân hàng, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.
Cũng theo cáo trạng, trong 80 bị cáo còn lại có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị VKSND tối cao truy tố về các tội “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Tìm thấy thi thể nữ giáo viên nghi nhảy cầu Hiền Lương ở Quảng Trị
Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 24/2, thông tin từ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đã tìm thấy thi thể người phụ nữ nghi nhảy cầu Hiền Lương.
Nữ giáo viên nghi nhảy cầu Hiền Lương tự tử. Ảnh: H.H
Trước đó, vào khoảng 14h28 ngày 23/2, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Quảng Trị nhận được tin báo về việc nghi ngờ có người đuối nước tại cầu Hiền Lương đoạn thuộc địa phận xã Hiền Thành (huyện Vĩnh Linh) và xã Trung Hải (huyện Gio Linh).
Thời điểm này, trên cầu người dân phát hiện một đôi dép và chiếc xe máy vô chủ để lại. Kiểm tra cốp xe có thẻ giáo viên mang tên Phạm Thị Lệ H, giáo viên một trường mầm non.
Ngay sau đó, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Quảng Trị đã triển khai phương tiện, nhân lực đến hiện trường.
Đến 9h15 sáng 24/2, thi thể nạn nhân được tìm thấy tại vị trí cách cầu Hiền Lương 2km về phía thượng nguồn. Nạn nhân được xác định là Phạm Thị Lệ H (trú tai thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị). Hiện thi thể nạn nhân đã được đưa lên bờ và bàn giao cho gia đình.
Chính quyền địa phương cho biết, cô H có 2 người con, trong đó con út khoảng 8 đến 9 tuổi. Lâu nay, người dân địa phương không thấy chồng của cô này. Khoảng 1 năm trở lại đây, cô H bị trầm cảm, bệnh tình ngày càng nặng. Mẹ của cô Hằng phải thường xuyên đến ngôi nhà cấp 4 để trông coi con gái. Tuy nhiên, sự việc đau lòng vẫn xảy ra.
Tin An Ninh Hinh Su