Trò chuyện với báo chí trước mùa phim Tết, các nhà làm phim Việt đều mong muốn thị trường phim Tết đồng đều hơn, chia cơ hội cho nhiều bộ phim hòa vốn và có lãi.
Nhưng sau mùng 1 Tết, cục diện đã ngã ngũ và không hề như mong muốn: chỉ một phim thống lĩnh, còn lại chật vật.
Thị trường phim Tết vẫn rất khắc nghiệt, khán giả đông hơn nhưng chỉ dồn vào phim nổi bật nhất.
Chiều 14-2, Box Office Vietnam ghi nhận doanh thu phim Mai là 163 tỉ đồng, gấp hơn 116 lần so với phim Trà (1,4 tỉ đồng) và gấp hơn 4 lần so với phim Gặp lại chị bầu (37 tỉ đồng).
Khán giả thích phim Việt, nhưng không phải tất cả
Về sự khắc nghiệt của thị trường phim Tết năm nay, bà Tường Vi – nhà sản xuất phim cấp cao của CJ HK Entertainment (đơn vị phát hành phim Nhà bà Nữ và Mai của Trấn Thành) – nhận định với Tin Tức Online:
“Thực tế cho thấy khán giả tập trung mua vé cho 1-2 phim trong tổng số 4 phim Việt Tết và các phim nước ngoài khác.
Yếu tố tên tuổi của đạo diễn, diễn viên, ê kíp và kỳ vọng vào chất lượng bộ phim được khán giả ưu tiên hơn bao giờ hết khi đưa ra lựa chọn – đặc biệt là với phim Việt”.
Còn ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc phát hành CGV Việt Nam (nhà phát hành Gặp lại chị bầu), nhận định:
“Thị trường phim Tết năm nay cũng như những năm trước, khán giả vẫn ưu tiên xem phim Việt Nam. Những bộ phim hoạt hình cũng được sự quan tâm của khán giả nhí và khán giả gia đình.
Đúng là nhu cầu từ khán giả cho các phim là không như nhau, nhưng nhìn chung đây là tín hiệu tích cực cho một năm tiếp theo của điện ảnh Việt Nam”.
Sự chênh lệch quá lớn của thị trường phim Tết cũng làm phát sinh những đồn đoán.
Trên mạng xã hội, phim Mai của Trấn Thành liên tục bị réo tên “chèn ép lịch chiếu các phim khác”.
Nhưng theo nhà sản xuất Tường Vi, các nhà rạp phân chia suất chiếu dựa trên lượng đặt vé thực tế dành cho mỗi phim.
Khi lượng vé nghiêng hẳn về một phim, các nhà rạp đẩy mạnh suất chiếu cho phim đó và cắt giảm suất phim khác.
“Điều này hoàn toàn xuất phát từ sự quan sát và tính nhạy bén của các nhà rạp – những nhà kinh doanh thuần túy, chứ không một nhà sản xuất nào có thể can thiệp được” – chị nói.
Phim dời lịch không phải bị “chèn ép”
Từ góc độ phát hành, việc Sáng đèn hay Trà dời lịch chiếu vì suất chiếu và doanh thu quá ít cũng không thể coi là “bị chèn ép”.
Nếu nhìn tích cực hơn, đây là quyền của nhà sản xuất để tìm cơ hội tốt hơn cho phim.
Ông Nguyễn Hoàng Hải nói: “Tôi nghĩ mọi người có thể nhìn thấy những con số từ bên theo dõi doanh thu thứ ba (Box Office Vietnam – PV).
Việc quyết định dời ngày phát hành ngay Tết thì năm ngoái đã có trường hợp của Siêu lừa gặp siêu lầy, và sau đó bộ phim đã rất thành công.
Nên tôi nghĩ chiến lược này cũng là một chiến lược hay khi thị trường đã quá cạnh tranh”.
Năm ngoái, phim hài Siêu lừa gặp siêu lầy của đạo diễn Võ Thanh Hòa ban đầu định chiếu từ mùng 1 Tết Nguyên đán.
Đến 3 ngày trước Tết, phim bất ngờ thông báo dời lịch sang ngày 24-3.
Sau đó, Siêu lừa gặp siêu lầy ra rạp vào tháng 3 và thu 121 tỉ đồng.
Còn năm nay, phim Sáng đèn và Trà dời lịch chiếu sau khi đã chiếu ít ngày, là những trường hợp đầu tiên có động thái này.
Nhưng lý do của hai phim này cũng tương tự Siêu lừa gặp siêu lầy.
Khi thấy cơ hội doanh thu chưa tốt, nhà sản xuất rút là đúng đắn. Sáng đèn chọn lịch chiếu mới là 22-3, thời điểm “dễ thở” hơn của phòng vé.
Hài nhảm từng ngập phim Tết, nhưng giờ “không có cửa”?
Nhiều năm về trước, thị trường phim Tết ngập ngụa hài nhảm. Một số phim kinh phí thấp, được sản xuất vội vàng nhằm thu lời dễ dãi nên nội dung thảm họa, nhưng vẫn quy tụ một số diễn viên hài hàng đầu.
Nhưng hiện nay, cách làm phim đó không còn có thể thu hút khán giả.
Năm nay cũng như mọi năm, thành công hay thất bại đều giúp các nhà làm phim Việt có thêm kinh nghiệm làm phim Tết.
Bên cạnh thương hiệu lớn (như Trấn Thành là không thể phủ nhận), nội dung và sự chuyên nghiệp trong khâu sản xuất phim rất quan trọng.
Bà Tường Vi nhận định: “Từ chiến thắng của Nhà bà Nữ và hiện tại là Mai, chúng ta có thể thấy phim Tết không nhất thiết phải là phim có “không khí Tết”, có hài và vui tươi.
Tương tự, thời lượng phim hay phân loại độ tuổi cũng không giới hạn triển vọng doanh thu của bộ phim. Miễn sao câu chuyện phim được kể chỉn chu và tạo cảm xúc, chiếm được cảm tình từ khán giả.
Thị trường nào, ngành nào cũng có quy luật đào thải khắc nghiệt và phim ảnh không nằm ngoài quy luật đó, bất kể thời điểm nào”.
Theo kinh nghiệm của CJ HK Entertainment ở mùa thứ hai phát hành phim Việt Tết, điều quan trọng nhất là tập trung vào chất lượng bộ phim, từ đề tài câu chuyện, kịch bản, đạo diễn, diễn viên đến toàn bộ nhân sự dự án.
“Chúng tôi cũng hết sức chú trọng khả năng điều hành – quản lý dự án để từng khâu trong quá trình làm phim được diễn ra trong đúng thời gian và mức kinh phí cho phép.
Ngoài ra, chúng tôi luôn kỹ lưỡng và thấu đáo trong việc xây dựng chiến lược quảng bá cho từng bộ phim. Khi kết hợp giữa một sản phẩm tốt và khâu phát hành chuyên nghiệp thì thành công chỉ là vấn đề thời gian” – bà Tường Vi nói.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed