Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam của tác giả Nguyễn Hạnh, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành, được nhận xét là tựa sách giàu giá trị, phù hợp cho dịp Tết cổ truyền.
Cuốn sách đào sâu vào các phong tục, tập tục thể hiện văn hóa tín ngưỡng của người Việt, giải thích cội nguồn, ý nghĩa và cách thực hiện những phong tục này, góp phần gìn giữ truyền thống không bị mai một.
Các phong tục dịp Tết được tác giả dành phần lớn cuốn sách để nghiên cứu và phân tích, giúp độc giả hiểu được cặn kẽ vai trò to lớn của dịp lễ cổ truyền đối với nếp sống dân tộc, biết trân trọng và gìn giữ một phần hồn cốt của quê hương.
Từ “Tết” có từ bao giờ?
Tra trong dã sử (sách ghi chép của dân gian), trong sách Lĩnh Nam Chích Quái của tác giả Trần Thế Pháp, cuối đời nhà Trần – cuối thế kỷ XIV, sách ghi chuyện xưa ở xứ Lĩnh Nam, đã có sử dụng từ “Tết”.
Truyện bánh chưng trong sách nói đến bầu không khí cuối năm với cụm từ “tuế thì tiết hậu” (mùa cuối năm) và từ Tết Liêu.
(Tết Liêu): “Đúng kỳ, Vua lệnh các con lại trưng bày phẩm vật; các con đem dâng không thiếu thứ gì, duy chỉ có chàng Liêu đem dâng bánh chưng, bánh giầy.
Chàng Liêu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vua thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không sao hơn được.
Vua khen ngợi giây lát, rồi cho chàng Liêu được giải nhất. Năm hết, vua dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của chàng Liêu để gọi là Tết Liêu”.
Tra trong chính sử: Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Ngô Sĩ Liên, 1697), chương Kỉ Sĩ Vương: “Tết Trung Nguyên vì gặp ngay lễ Vu lan bồn (cầu siêu cho) Linh Nhân hoàng thái hậu. Chiêm Thành sang cống”.
Tra cứu các từ điển: Tết là lễ hội mừng năm mới, phẩm vật thường dâng cúng vào đầu năm mới hoặc ngày mồng năm tháng năm hoặc đem của lễ mà dâng hoặc cho nhau trong ba ngày xuân.
Từ “Nguyên đán” có từ bao giờ?
“Đán” có nghĩa là ngày. Trước khi có từ “Nguyên đán”, người xưa đã dùng từ “Chính đán”.
Tra trong chính sử: Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Lê Văn Hưu, 1272 và Ngô Sĩ Liên, 1697), chương Kỷ Nhà Lý, Nhân Tông hoàng đế:
“Trọng người quận Nhật Nam, khi trước đến Lạc Dương, gặp hội lớn Tết Nguyên đán, Tấn Minh Đế hỏi: “Ở quận Nhật Nam hướng về phía Bắc để trông mặt trời phải không?”. Trọng đáp rằng: “Nay trong các quận, có quận gọi là Vân Trung (trong mây), là Ki thì vẫn có thể”.
Tra cứu các từ điển: Đán là ngày, sớm, Tết ngày đầu năm.
Qua tra cứu ban đầu, từ “Chính (chánh) đán” được dùng để chỉ ngày Tết. Cho đến thập niên 50 từ “Nguyên đán” mới thay thế từ “Chính (chánh) đán” trong từ điển và trong đời sống.
Như vậy cụm từ “Tết Nguyên đán” được sử dụng vào khoảng đầu thế kỷ XX, trước đó là “Chính đán tiết”.
Tục đón Tết của người Việt khởi nguồn từ đâu?
Qua Truyện bánh chưng (Chưng bính truyện) nơi sách Lĩnh Nam Chích Quái, tục đón Tết Nguyên đán bắt đầu từ việc kính nhớ tổ tiên thời họ Hồng Bàng (Hồng Bàng thị).
Dưới góc nhìn khác, Tết là kỳ nghỉ dài ngày, sau khi thu hoạch mùa màng, của những người sống trong nền văn minh lúa nước.
Việc kính nhớ tổ tiên và kỳ nghỉ dài ngày khởi đi từ chữ hiếu, chữ ân đến chữ lễ, chữ lạc để thành phong tục ngày Tết.
Khởi nguồn tục đón Tết của người Việt rất phù hợp với điều Thiên Chúa dạy trong Cựu Ước: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ để được sống lâu trên đất mà Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” và dạy phải có “một thời kỳ cho đất nghỉ”.
Trích Truyện bánh chưng từ Lĩnh Nam Chích Quái của tác giả Trần Thế Pháp, cuối đời nhà Trần – cuối thế kỷ XIV:
“Sau khi vua Hùng đã phá xong giặc Ân, đất nước thái bình, nên muốn lo việc truyền ngôi cho con, hội hai mươi hai vị quan lang công tử lại mà bảo:
– Ta muốn truyền ngôi cho người có thể làm vừa lòng ta, biết đem trân cam mỹ vị đến dâng cúng Tiên vương vào cuối năm để tròn đạo hiếu thì sẽ được truyền ngôi cho.
Các công tử lo đi tìm các vị trân kỳ, hoặc săn bắn, chài lưới, hoặc mua ở chợ, vụ được nhiều của ngon vật lạ không biết bao nhiều mà kể.
Duy có công tử thứ mười tám là chàng Liêu, bà mẹ hàn vi đã lâm bệnh mà quá cố rồi, tả hữu lại ít người nên khó bề toan tính, ngày đêm thao thức ăn ngủ không yên.
Đêm nằm mộng thấy thần nhân bảo rằng: Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được; nếu lấy gạo nếp hoặc gói làm hình tròn để tượng trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được.
Chàng Liêu kinh sợ tỉnh dậy, mừng rằng: “Thần minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm”.
Chàng Liêu lựa hột nếp nào trắng tinh, hoàn toàn không sứt mẻ đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu cho chín, gọi là bánh chưng.
Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho thực nhuyễn, nặn làm hình tròn để tượng trưng hình trời, gọi là bánh giầy.
Đúng kỳ, Vua lệnh các con lại trưng bày phẩm vật; các con đem dâng không thiếu thứ gì, duy chỉ có chàng Liêu đem dâng bánh chưng, bánh giầy.
Chàng Liêu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vua thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không sao hơn được. Vua khen ngợi giây lát, rồi cho chàng Liêu được giải nhất.
Năm hết, vua dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của chàng Liêu để gọi là Tết Liêu.
Văn hóa | Báo Dân trí