“Tư duy thiết kế” là gì và anh Đức có thể định nghĩa cụm từ theo cách dễ hiểu nhất?
Ngày nay, “tư duy thiết kế” hay “tư duy sáng tạo” đều là những cụm từ phổ biến nhưng không phải ai cũng có thể hiểu một cách rõ ràng. Giải thích một cách cụ thể, chúng ta có thể hiểu rằng: Tư duy thiết kế và tư duy sáng tạo đều là một, đều là Creative Thinking. Đó là quá trình kết hợp tư duy logic và các phương pháp sáng tạo để đưa ra những giải pháp phù hợp dành cho khách hàng. Các bước nằm trong quy trình của tư duy thiết kế có thể kể đến như nghiên cứu tệp khách hàng, tìm ra những thế mạnh của bản thân, thử nghiệm các giải pháp, rà soát các phản hồi, v.v. Nếu nắm vững các bước trong lộ trình của tư duy thiết kế, Designer và Marketer sẽ làm việc hiệu quả hơn.
Có không ít ý kiến cho rằng “không có tư duy thiết kế thì không thể học được thiết kế”, đây là quan niệm rất dễ gây nhầm lẫn. Các bạn cần biết rằng “tư duy thiết kế” không phải là kỹ năng bẩm sinh hay năng khiếu tự nhiên mà có, tôi phải nhấn mạnh rằng nó là một phương pháp, một quy trình mà ai cũng đều có thể tự học được. Trong các sản phẩm thiết kế đều có sự hiện diện của tư duy thiết kế và tư duy sáng tạo. Bởi vì những sản phẩm này trước khi đi đến thành phẩm cuối cùng đều đã phải trải qua các bước nghiên cứu về thị trường, đối tượng khách hàng sử dụng cũng như đặc tính của thương hiệu.
Sinh viên học chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện thu nạp, rèn luyện tư duy thiết kế như thế nào?
Chúng ta có nhiều cách để nâng cấp tư duy sáng tạo. Thứ nhất, các bạn có thể tự học và tự nghiên cứu, vì những phương pháp này đã có sẵn trong sách vở và Internet. Thứ hai, các bạn có thể được học thông qua các khóa học đào tạo. Thật ra không có đơn vị đào tạo nào tách rời tư duy thiết kế và kỹ năng thiết kế cả.
Lấy ví dụ về bài tập thiết kế poster phim trong project cuối kỳ III tại Arena. Khi làm bài đó, chúng ta có cần tư duy thiết kế không? Tất nhiên là có! Bạn sẽ phải nghiên cứu tất cả mọi thứ về màu sắc, chữ nghĩa, độ tuổi của người xem. Đó chính là tư duy thiết kế. Tại Arena, các học viên đã phải vận dụng tư duy thiết kế dù là trong các bài tập nhỏ nhất. Vậy làm sao để chúng ta có thể phát huy tư duy sáng tạo một cách hiệu quả? Đó là phải làm thật nhiều, trải nghiệm thật nhiều thì mới cụ thể hóa các kiến thức chuyên môn, cũng như thực tế hóa các phần nghiên cứu để xem tính ứng dụng có tốt hay không, qua đó dần cải thiện tư duy sáng tạo.
Theo anh Đức, tư duy thiết kế và công cụ có mối quan hệ mật thiết như thế nào? Tư duy thiết kế và công cụ (hàm ý việc sinh viên nắm vững các kỹ năng sử dụng phần mềm đồ hoạ) cái nào nên có trước?
Tư duy thiết kế và công cụ thiết kế luôn song hành cùng nhau. Dù bạn là Designer hay chỉ là một người thể hiện ý tưởng thì các bạn vẫn phải có kỹ năng về tư duy sáng tạo. Sự nhuần nhuyễn trong việc kết hợp tư duy thiết kế và công cụ thiết kế sẽ đòi hỏi chiều sâu của bạn trong khả năng quan sát và nghiên cứu vấn đề, đối tượng. Nắm vững công cụ sẽ giúp bạn chắc chắn hơn trong việc hiện thực hoá được các sáng tạo của mình. Trải nghiệm qua thời gian, chịu khó học hỏi và rút kinh nghiệm từ các bài tập nhỏ cho đến đồ án, dự án lớn sẽ giúp bạn trưởng thành và vận dụng tư duy sáng tạo tốt hơn.
Năng lực sáng tạo của sinh viên được thể hiện qua điều gì? Khi nào (trong quy trình phát triển sản phẩm thiết kế truyền thông) thì cần phát huy khả năng sáng tạo?
Có thể nói, kết quả của tư duy sáng tạo sẽ được thể hiện rõ nhất qua sản phẩm cuối cùng mà bạn làm ra. Tại Arena Multimedia, đó chính là đồ án cuối kỳ. Như chúng ta đã nói rất nhiều lần, tư duy thiết kế là mảng vô cùng quan trọng trong quá trình làm sáng tạo. Đó là khâu đầu tiên đặt nền móng, định hình phong cách cho sản phẩm, giúp chúng ta không đi chệch với đề bài ban đầu, cũng như tiết kiệm thời gian trong quá trình thiết kế. Chính vì thế, bạn cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tuân thủ theo các phương pháp của tư duy thiết kế trước khi chính thức bắt tay vào khâu sáng tạo.
Vậy nâng cấp 3 yếu tố này như thế nào?
Công cụ là phần mà các bạn chắc chắn sẽ phải học. Hãy làm thật nhiều, tiếp xúc và thử nghiệm thật nhiều, các bạn sẽ quen tay và thành thạo. Đối với lý thuyết, bạn cần kết hợp các bài học trên lớp và bài tập về nhà, quan sát các phương pháp khác nhau để đưa ra các đánh giá, giải pháp. Qua quá trình làm việc lâu dài, cọ xát và học hỏi từ nhiều điều khác nhau, từ đó rút kinh nghiệm để vận dụng lý thuyết tốt hơn trong quá trình thiết kế. Cuối cùng về tư duy thiết kế và cũng là phần khó nhất. Tư duy thiết kế đến từ những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống. Do đó để nâng cấp yếu tố này, trải nghiệm cuộc sống của bạn phải cao, kiến thức cuộc sống phải tốt và tri thức cuộc sống phải nhiều. Những chất liệu từ cuộc sống sẽ được chuyển hóa thành tư duy sáng tạo của riêng bạn. Hãy đi, khám phá và trải nghiệm để có được nguồn tư duy thiết kế phong phú! Tôi rất thích quan điểm về tư duy sáng tạo của Steve Jobs: Creativity is just connecting things (the dots). Ông cắt nghĩa: “Sáng tạo chỉ là việc kết nối mọi thứ với nhau. Khi bạn hỏi những người giàu tính sáng tạo về cách làm điều gì đó, họ cảm thấy hơi ngượng ngùng bởi vì thực ra họ không làm gì cả. Mọi thứ đều được làm sáng tỏ theo thời gian. Họ có thể kết nối kinh nghiệm mà bản thân đã trải qua và tổng hợp chúng (synthesize) lại thành những thứ mới. Và lý do khiến họ có thể làm điều đó là bởi vì họ có nhiều kinh nghiệm hơn hoặc nghĩ nhiều hơn về kinh nghiệm của mình so với người khác”. Như vậy chúng ta có thể thấy càng trải nghiệm nhiều, càng để ý nhiều thì chúng ta sẽ càng tích luỹ được nhiều chất liệu để phục vụ cho công việc sáng tạo.
Arena Multimedia đã phân bổ các môn học về tư duy thiết kế, sáng tạo trong chương trình đào tạo như thế nào?
Tư duy thiết kế là một phương pháp, một lộ trình chứ không phải là một bộ môn cụ thể. Tại Arena Multimedia, tư duy thiết kế được gắn liền và lồng ghép trong các bài tập trong từng bộ môn và đặc biệt là bài tập đồ án cuối kỳ. Ví dụ khi giảng viên khuyến khích các bạn làm đồ án với đề tài Áo Lục Bình, các bạn sẽ phải nghiên cứu và phân tích rất nhiều về Áo Lục Bình. Trong quá trình tìm hiểu, phân tích về chiếc Áo Lục Bình là các bạn đã có tư duy thiết kế về lĩnh vực đó rồi. Đặc biệt, các bạn không chỉ học tư duy sáng tạo từ đồ án của mình mà còn học được từ đồ án của các nhóm khác nữa. Vì trong một lớp có nhiều nhóm bảo vệ thì mỗi nhóm sẽ triển khai một đề tài khác nhau. Khi nghe phần thuyết trình của một nhóm khác cũng đồng nghĩa với việc các bạn đã nắm được kiến thức và tư duy thiết kế của nhóm đó. Sự cộng hưởng lẫn nhau giữa các bạn và những người khác sẽ đẩy khả năng tư duy thiết kế của các bạn lên rất cao. Đó chính là giá trị vô hình mà Arena Multimedia đem đến cho các bạn trong quá trình học tập.
Ngoài những giờ học trên lớp, Arena Multimedia đã có những hoạt động nào khác để giúp học viên rèn luyện về tư duy thiết kế?
Arena Multimedia có rất nhiều hoạt động để bổ trợ phát triển kỹ năng về tư duy thiết kế cho các bạn học viên, như những buổi dã ngoại, du hè, Halloween, Noel… Đối với chúng tôi, tính cộng đồng, không khí và nguồn cảm hứng học tập dành cho học viên rất quan trọng. Vậy làm sao để chúng ta duy trì được điều đó? Đó chính là thông qua các hoạt động được tổ chức xuyên suốt trong năm. Qua những hoạt động như vậy, các bạn được tương tác với nhau, mở rộng tầm nhìn và kiến thức của bản thân về cuộc sống. Bên cạnh đó, Arena còn tổ chức các workshop, talkshow chuyên môn nâng cao, bổ sung kiến thức về lịch sử mỹ thuật, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thuyết phục khách hàng và kỹ năng phát triển tư duy ở từng kỳ học dành cho cộng đồng học viên. Ngoài ra, Arena còn hỗ trợ việc làm và tổ chức các hoạt động giao lưu với các đơn vị tuyển dụng. Qua đó, các bạn sẽ hiểu được thị trường tuyển dụng hiện tại đang yêu cầu như thế nào, kỹ năng và thái độ chiếm bao nhiêu phần trăm trong quá trình phỏng vấn và làm việc. Trước khi đi làm, nhiều bạn sẽ nghĩ rằng kỹ năng là điều quan trọng nhất, nhưng điều đó không hoàn toàn đúng, bởi vì thái độ và sự hiểu biết về văn hóa doanh nghiệp sẽ quyết định bạn có thể gắn bó lâu dài với công ty đó hay không. Với những hoạt động liên kết như vậy, các học viên Arena sẽ được trải nghiệm, tìm hiểu nhiều hơn về môi trường, công việc, cũng như tìm kiếm các cơ hội thực tập hoặc làm việc trong tương lai.
Có một số ý kiến cho rằng học tư duy thiết kế cần nhiều thời gian, và đánh đồng với việc thời gian học ở trường càng dài thì càng học được nhiều tư duy thiết kế. Quan điểm của anh thế nào? Liệu thời gian học dài có tỷ lệ thuận với khả năng rèn luyện tư duy thiết kế không?
Thực tế thì chúng ta cứ thực hành nhiều, học nhiều, tương tác nhiều và va chạm nhiều thì chắc chắn tư duy thiết kế của các bạn sẽ gia tăng đáng kể. Nhiều ý kiến đánh đồng cho rằng thời gian học ở trường 4-5 năm sẽ trang bị cho chúng ta một nền tảng tư duy thật tốt. Nhưng không phải như thế, vì tư duy thiết kế được sinh ra từ những trải nghiệm cá nhân. Càng lớn, càng biết quý trọng và trau dồi bản thân, chúng ta sẽ càng phát triển về mặt tri thức lẫn tư duy thiết kế. Còn về vấn đề liệu thời gian học dài có tỷ lệ thuận với khả năng rèn luyện tư duy thiết kế không thì nó chỉ xảy ra nếu như bạn được học tập trong một môi trường tốt. Học dài lúc nào cũng sẽ hơn học ngắn, nhưng việc phát triển tư duy thiết kế cũng sẽ phụ thuộc vào bản thân bạn đang tận dụng thời gian như thế nào. Bạn chọn khóa học 5 năm thì môi trường đó sẽ phải rất khốc liệt và thách thức giới hạn của bản thân bạn, bởi vì nếu chọn học dài nhưng học quá nhàn sẽ khiến bạn mất đi thói quen và thách thức để phát triển năng lực. Một môi trường học tập phù hợp là nơi không chỉ cung cấp kiến thức mà còn phải cho các bạn thời gian để nâng cấp bản thân, nghiên cứu và trải nghiệm cuộc sống. Đó cũng phải là nơi đưa ra được những bài tập hóc búa đủ để khiến bạn phải vắt óc, ép bản thân phải luôn động não để giải quyết một cách tốt nhất. Hết học kỳ này sang học kỳ khác, bạn sẽ phải được “challenge” với độ khó ngày càng tăng lên. Chỉ khi như vậy mới có thể giúp bạn rèn luyện tư duy thiết kế một cách hiệu quả. Nói tóm lại, dù học dài hay học ngắn thì cách bạn sử dụng thời gian học như thế nào mới là yếu tố quyết định. Học dài nhưng liên tục thực hành, ứng dụng thì mới tỷ lệ thuận với sự phát triển tư duy thiết kế.
Với tư tưởng “học nhanh – ra làm ngay”, đa phần bạn trẻ sẽ chọn những trung tâm đào tạo thuần công cụ hơn là dành nhiều thời gian hơn để học tập bài bản. Anh có suy nghĩ gì về hiện trạng này?
Ngày nay có một số đơn vị đào tạo chủ yếu dạy về công cụ, có nghĩa là người ta chỉ cần học về kỹ năng sử dụng phần mềm đó trong thời gian rất ngắn. Nhưng cách học này chỉ phù hợp với những người đã có nền tảng cơ bản và họ cần học thêm về kỹ năng để hỗ trợ cho công việc của mình. Ví dụ như bạn rất thích nấu ăn nhưng riêng món bò sốt vang bạn không biết làm thì bạn học thêm kỹ năng để nấu món đó. Tuy nhiên, các bạn đã phải biết nấu ăn, biết nêm nếm và hiểu về mọi thứ liên quan trước đó rồi. Nếu không có nền tảng và chỉ học đúng kỹ năng thì bạn sẽ rất khó để bạn có thể làm ra một món ăn ngon. Hãy nhớ rằng “dục tốc bất đạt” và trong học nghề và làm nghề, không có gì là nhanh cả, tất cả chúng ta đều cần thời gian để xây dựng nền tảng.
Còn khi học tập dài hạn và bài bản, các bạn sẽ có cơ hội phát triển toàn diện ở cả ba lĩnh vực: Tư duy thiết kế, phương pháp sáng tạo và công cụ thiết kế. Các bạn cũng sẽ được sống trong một môi trường phù hợp và gia tăng sự kết nối với một tập thể cùng đam mê và chí hướng.
Một số các bạn trẻ hiện nay vừa muốn học bài bản nhưng đồng thời họ cũng muốn học nhanh để có thể đi làm ngay. Là Giám đốc Đào tạo của Arena Multimedia, anh sẽ dành những lời khuyên nào để các bạn trẻ này có thể tìm thấy hướng đi đúng đắn nhất?
Tôi cảm thấy rất hỗn loạn trong việc định hình nghề nghiệp của một số các bạn trẻ. Các bạn ấy nghĩ rằng vừa đi học vừa đi làm là biểu tượng cho sự năng động và thành công sớm của giới trẻ. Nhiều bạn còn lao vào start-up, không những đi làm thuê mà còn mở luôn cả studio riêng. Cái này nó hay lắm! Mỗi thời kỳ có mỗi tư duy và cách nghĩ khác nhau. Tuy nhiên, đứng trên phương diện nghề, tôi thấy làm nghề gì cũng phải ý thức về phát triển bản thân. Điều đó là số một, đừng để sự hào nhoáng nghề nghiệp ru ngủ mình quá sớm.
Tôi lấy ví dụ, bạn Nam làm thiết kế chính cho một chuỗi siêu thị nổi tiếng cách đây 10 năm với mức lương khá cao ở thời điểm bấy giờ. Tuy nhiên, công việc của bạn ngày qua ngày đều giống hệt nhau. Hôm nay có chương trình sale về táo thì thay táo vào template, hôm sau sale cam thì thay cam vào template rồi in ra. Công việc nhàn hạ, lương cao đem lại cho chúng ta cảm giác thành công sớm nhưng thật ra nó chỉ đang ru ngủ chính bản thân bạn. Bởi vì bạn không được nâng cấp về chuyên môn công việc qua thời gian, bạn chỉ đơn giản là làm quen tay chứ không hề động não. Đó là điều vô cùng nguy hiểm. Sau một thời gian, Nam bị thay thế bởi các bạn trẻ khác. Tôi muốn nhắn nhủ các bạn rằng chúng ta nên dành thời gian để phát triển bản thân và chủ động nghiên cứu. Những việc này sẽ giúp bạn biết được mình đang ở cấp độ chuyên môn nào trên con đường phát triển sự nghiệp.
Bên cạnh đó, với những người mới ra trường, chúng ta cũng đừng nên quá vội vàng. Hãy chọn một công ty tốt để có nhiều trải nghiệm tốt. Không ít bạn trẻ hỏi tôi rằng: “Em mới học 6 tháng, em muốn ra làm nghề có được không?”. Bạn biết không, học nghề không đơn giản và làm nghề càng chẳng phải chuyện đùa. Chúng ta học cấp 1 hết 5 năm, cấp 2 hết 4 năm và cấp 3 hết 3 năm, vậy mà học nghề để đi làm cả đời lại chỉ mất 6 tháng? Đấy là điều hết sức vô lý!
Tại Arena Multimedia, một khóa học kéo dài hơn 2 năm, nhưng thật ra thời gian đó chỉ đủ để chúng tôi trang bị cho các bạn một nền tảng tốt, giúp bạn ý thức được khả năng phát triển của bản thân trong những năm sắp tới. Từ đó, các bạn có thể quyết định học tập chuyên sâu và nâng cao hơn.
Sau khi Arena Multimedia vào Việt Nam năm đầu những năm 2000 và đặt nền móng cho ngành đào tạo Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện (Multimedia Design) của Việt Nam, đến nay đang nở rộ các hình thức đào tạo những ngành nghề liên quan. Anh có thể khái quát những nhóm hình thức đào tạo chuyên ngành này?
Năm nay chúng ta kỷ niệm 20 năm Arena Multimedia có mặt tại Việt Nam. Giai đoạn này, nghề Thiết kế – Sáng tạo được rất nhiều đơn vị chú ý đến và khai thác. Năm 2015, Thiết kế Đa phương tiện (kỹ thuật số) mới bắt đầu có mã ngành Đại học. Còn trước đó chúng ta phần lớn chỉ có mã ngành theo kiểu truyền thống như là Thiết kế đồ họa, Tạo dáng công nghệ, Thiết kế kiến trúc… Sau đó thì đến giai đoạn nở rộ về các khoá học thiết kế mỹ thuật số, thiết kế đa phương tiện, truyền thông đa phương tiện, công nghệ đa phương tiện… Ở các trường, đôi khi nội dung còn mới và bị trùng lặp chồng chéo nên cũng tạo nên sự khó khăn cho người học. Nhận thấy sự thiếu định hướng nghề nên đến năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chính thức đưa ra bộ sách Mỹ thuật với nội dung khái quát các ngành nghề thiết kế trong đó bao gồm chuyên ngành “Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện” vào chương trình giảng dạy khối THPT… Do nhu cầu tuyển dụng cao, cộng với vai trò của nghề thiết kế ứng dụng càng ngày càng quan trọng và được đánh giá đúng hơn nên gần đây chuyên ngành này đang là chuyên ngành hot được các trường đại học khai thác tuyển sinh.
Khi ngành trở nên phổ biến hơn, chúng ta lại càng khó xác định khái niệm và nội dung học. Đầu tiên, bạn cần biết ngành học của mình được ứng dụng trong những lĩnh vực nào. Ví dụ như ngành Truyền thông Đa phương tiện (Multimedia Communication) là một lĩnh vực về truyền thông Marketing thì chủ yếu các bạn sẽ làm về nội dung và đưa ra những nghiên cứu phương án truyền thông hiệu quả, thiết kế có được học nhưng chỉ là phần phụ. Và ngành Truyền thông Đa phương tiện lại càng không liên quan đến Design (Thiết kế). Đó là một lĩnh vực hoàn toàn khác. Bên cạnh đó, còn một ngành khác thiên về nghệ thuật mà chúng ta cũng cần phải lưu tâm, đó là Art hoặc Digital Art (giống với Mỹ thuật Yết Kiêu hay Mỹ thuật Đông Dương trước đây). Đây là ngành mà khi học, bạn được chuyên tâm đào tạo thuần về nghệ thuật, cảm thụ nghệ thuật. Các tác phẩm mà bạn tạo nên phần lớn sẽ dựa trên niềm cảm hứng cá nhân, không được ứng dụng nhiều trong cuộc sống và cũng không làm theo một yêu cầu cụ thể. Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ, ngành Nghệ thuật giờ đây được số hóa, các trường hiện nay sẽ đào tạo thiên về Nghệ thuật Kỹ thuật số thay vì chú trọng Nghệ thuật truyền thống như trước kia.
Với nghề Design, các bạn cần biết rằng Design là thiết kế, nghe đến Design là phải ứng dụng tư duy thiết kế, tư duy sáng tạo. Tức là bạn phải đưa ra được những giải pháp dựa trên những phương pháp sáng tạo cụ thể để giải quyết vấn đề. Tại Arena Multimedia, chuyên ngành này được đào tạo để ứng dụng trong 3 lĩnh vực chính: Giải trí, Truyền thông và Giáo dục với nhiều hình thái sản phẩm khác nhau. Ví dụ với Giải trí, các bạn có thể sáng tạo nội dung trên TikTok, YouTube, truyền hình, làm Game hay Hoạt hình 3D,… Khi đó, người làm thiết kế sẽ sáng tạo ra nhân vật, concept, màu sắc, môi trường, đồ vật được kể trong câu chuyện của sản phẩm đó. Tựu chung, ngành Thiết kế sở hữu một vũ trụ nghề nghiệp rộng lớn nhưng chúng ta phải ứng dụng được tư duy sáng tạo và tư duy logic cộng với mỹ thuật, công nghệ thì mới có thể làm ra những sản phẩm tốt và ấn tượng. Trên đây là những khái niệm cơ bản để các bạn lưu ý khi chọn chuyên ngành mình hướng đến. Tuy nhiên như tôi có để cập phía trên, do cũng là ngành nghề mới được đưa vào hệ đại học chính quy ở Việt Nam, nên các khái niệm trên cũng chưa hẳn đúng ở Việt Nam vào giai đoạn này. Bạn nên dành thời gian tìm hiểu kỹ về chương trình, nội dung học thay vì chỉ nhìn tên mã ngành đào tạo.
Arena Multimedia có bề dày lịch sử và có thâm niên về đào tạo nghề Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện ở Việt Nam… Với ưu điểm là chương trình được xây dựng hợp lý, tính ứng dụng cao và linh hoạt trong việc thay đổi nâng cấp, với thời lượng học hơn 2 năm liên tục sẽ giúp cho các bạn có được nền tảng kiến thức và kỹ năng đa dạng ở các lĩnh vực như Thiết kế đồ họa, Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số (Web, App), Làm phim Kỹ thuật số, Thiết kế Game và Hoạt hình 3D.
Trải qua 5 kỳ học với 5 đồ án, các bạn hoàn toàn có đủ kiến thức, kỹ năng và tư duy để bắt đầu dấn thân vào nghề Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện (Multimedia Design) hoạt động chính trong 3 lĩnh vực: 1. Sản xuất các nội dung Giải trí (làm phim, MV, Game, Hoạt hình 3D,…); 2. Thiết kế các sản phẩm Truyền thông quảng cáo cho doanh nghiệp và các tổ chức (phục vụ cho in ấn và trên môi trường số) như TVC, Brochure, Ads, Social Media và 3. Thiết kế các sản phẩm tương tác phục vụ ngành Giáo dục (như Hoạt hình, Motion Graphic, Infographic, Giáo trình, Sách,…). Chính vì thế, dù học ở trường nào hay ngành nghề nào đi nữa, trước tiên hết mà bạn cần tìm hiểu đó là chương trình đào tạo và đầu ra, cơ hội việc làm của ngành có đúng với mong muốn của bạn hay không.
Sau Covid-19 thì hình thức học online và tự học khá phát triển. Vậy thời điểm hiện nay việc tự học có khả thi không? Những lợi thế và bất lợi của hình thức tự học là gì?
Sau đại dịch Covid, Arena Multimedia đã chuyển toàn bộ sang học offline vì hình thức học này có những giá trị mà học online không thể nào thay thế được. Đặc biệt là trong thời đại AI phát triển, tôi đề cao tính con người có sự tương tác và có cảm xúc. Cảm xúc chỉ có thể sinh ra khi chúng ta gặp gỡ và trò chuyện cùng nhau chứ cảm xúc không thể tự xuất hiện qua màn hình vi tính. Chúng ta giận dỗi nhau qua màn hình vi tính là vô nghĩa nhưng chúng ta ngồi cạnh nhau trao đổi, cảm mến nhau hay cãi nhau nó mang lại những chất xúc tác, cảm xúc nhiều hơn. Đặc biệt đối với nghề Design, cảm xúc càng lớn thì việc học hỏi từ lẫn nhau sẽ càng tốt hơn.
Còn về những lợi ích của việc học online chúng ta sẽ không cần phải bàn nữa. Hình thức này giúp các bạn trẻ tự lập và chủ động trong việc tìm kiếm kiến thức để học tập tốt hơn. Ngoài ra, chúng ta cũng không cần phải di chuyển, học ở đâu và lúc nào cũng được. Nhưng việc đó còn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người. Vì khi đó, không ai kiểm soát các bạn cả. Trong khi đó việc học ở trường sẽ hỗ trợ các bạn học tập hiệu quả và tiết kiệm thời gian hơn.
Anh có thể khái quát những cách thức, tiêu chí lựa chọn hình thức và nơi học tập chuyên ngành Multimedia Design cho các bạn trẻ THPT? Với những sinh viên và người đi làm thì sao?
Về hình thức đào tạo, chúng ta sẽ chia thành hai hình thức đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Như tôi có chia sẻ ở trên, với các khóa ngắn hạn, các bạn có thể học Photoshop riêng, học nhiếp ảnh riêng hay học Illustrator riêng… Tức là bạn thiếu kỹ năng nào thì bạn sẽ học riêng về kỹ năng đó để bổ trợ cho công việc hiện tại. Chương trình học ngắn hạn sẽ phù hợp với các đối tượng đã có nền tảng và định hướng sẵn.
Còn về đào tạo dài hạn, đây là chương trình học có sự liên quan mật thiết giữa các môn học với nhau. Tôi lấy ví dụ, trong kỳ học Thiết kế đồ họa sẽ có những môn lý thuyết như Nguyên lý thiết kế, Nguyên lý thị giác… chứ không chỉ thực hành 100%. Học song song lý thuyết và công cụ sẽ giúp bạn đi từ dễ đến nâng cao một cách bền vững, từ từ chinh phục nghề từ cơ bản đến nâng cao một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, khi tham gia vào những khóa học dài hạn, bạn không còn phải loay hoay không biết bắt đầu từ đâu vì lộ trình đã được vạch sẵn theo từng bước một, phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của một người mới. Hơn nữa chọn học khoá dài hạn giúp bạn gắn kết được với tập thể tốt hơn, mở rộng mối quan hệ tốt hơn và tất nhiên có nhiều cơ hội thực tập và lựa chọn cơ hội nghề nghiệp hơn.
Về việc chọn nơi học tập, tôi cho rằng người học biết trước được lộ trình đào tạo theo từng học kỳ là rất quan trọng đối với tất cả các hình thức đào tạo. Người học luôn quan tâm đến khối lượng kiến thức và khả năng tiến bộ của mình trong tổng lộ trình học. Sau đó là những tham chiếu sản phẩm của sinh viên qua các năm. Vì đối với những lĩnh vực đào tạo thiên về thực hành (khác với Quản trị Kinh doanh) thì sản phẩm thực tế của sinh viên là minh chứng rõ ràng nhất cho định hướng cũng như chất lượng đào tạo.
Nếu coi học phí và thời gian là đầu vào và kỹ năng, bằng cấp cũng như khả năng phát triển nghề nghiệp là đầu ra, thì anh đánh giá hiệu quả đầu tư vào một khóa học hơn 2 năm tại Arena Multimedia như thế nào?
Học phí trung bình hơn 3 triệu đồng/tháng; các em ra trường có một nền tảng nghề nghiệp vững chắc với 5 đồ án của 5 học kỳ làm hành trang trong Portfolio; chỉ học những môn liên quan đến chuyên môn, chuyên ngành; đó là những yếu tố rất hiệu quả và mang lại lợi ích lớn lao với người học nên đã giúp Arena Multimedia đưa Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện phổ cập đến đại chúng, đến với mọi lứa tuổi như học sinh THPT học thẳng lên, sinh viên các trường ĐH chuyển ngành và những người đi làm muốn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp hoặc bổ trợ cho chuyên môn đã học trước đó. Hơn nữa, trong quá trình, học viên của Arena không chỉ được vui vẻ, hạnh phúc với đam mê mà còn được tạo nhiều cơ hội để thi đua, thể hiện tài năng và cọ xát thực tế.
Điều anh tự hào về học viên Arena Multimedia qua hàng thập kỷ gắn bó vừa qua là gì? Anh hãy nhắn nhủ một vài điều với các thế hệ học viên tiếp theo nhé?
Trong hơn 10 năm làm việc tại Arena, điều luôn khiến tôi tự hào chính là việc đã tạo ra cơ hội việc làm và cơ hội học tập cho mọi đối tượng. Mọi người đều nghĩ Arena nên chọn những hạt giống để đào tạo nhưng bản thân tôi thấy mọi người đều có cơ hội bình đẳng để học tập một cái nghề như nhau.
Ở Arena, có những bạn đi làm với mức lương rất cao, có những bạn khác cùng ngành cùng nghề nhưng sở hữu mức lương bình thường. Có người tham vọng nhưng cũng có người không. Tuy nhiên, các bạn vẫn được xem là những người thành công vì dù có sự khác biệt nào đi chăng nữa, dù lương thấp hay lương cao, các bạn đều cảm thấy hạnh phúc với công việc hiện tại. Tôi từng hỏi về cảm giác của một số cựu học viên sau khi tốt nghiệp tại Arena thì đều nhận câu trả lời rằng: Khóa học đã giúp họ tiến xa hơn trong nghề cũng như trở thành những kỹ năng hỗ trợ đắc lực dù họ có đang hoạt động ở một ngành nghề không phải thiết kế. Khi đó, tôi mới nhận ra, các thế hệ học viên của chúng tôi đều có thể tạo ra những giá trị nhất định để ứng dụng vào cuộc sống của họ. Và đối với Arena, niềm hạnh phúc trong công việc của học viên, việc các bạn được làm điều mình yêu thích và được nhìn thấy các bạn trân trọng những giá trị mà chúng tôi đem đến mới là điều quan trọng hơn hết thảy mọi con số phù phiếm khác.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ đầy bổ ích! Hi vọng rằng sau cuộc trò chuyện này, các bạn trẻ đã có cái nhìn chính xác về “tư duy thiết kế”, biết thêm về cách học tập và rèn luyện phương pháp này, cũng như hiểu hơn về ngành Sáng tạo.
Kenh14.vn – Trang chủ – RSS Feed
Nguồn: Sưu Tầm internet