Sáng 26-1, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chi nhánh phía Nam tổ chức lễ tổng kết hoạt của trung tâm, tại TP.HCM.
Nguồn thu trên mạng chiếm gần 80%
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – thông tin tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc trung tâm thu được (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) khoảng 344 tỉ 121 triệu đồng.
Nguồn thu tại Việt Nam (chưa tính nguồn thu từ CMOs quốc tế) tăng 29% so với năm 2022, vượt 10% so với chỉ tiêu đề ra.
Trong đó, nguồn thu trong lĩnh vực trực tuyến (không gian mạng) chiếm 76%.
Trong năm, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả số tiền hơn 305 tỉ đồng, tăng hơn 90% so với năm 2022.
Tại hội nghị tổng kết, lãnh đạo VCPMC cho biết gặp khó khăn trong thu tiền sử dụng quyền tác âm nhạc trong lĩnh vực biểu diễn.
Nguyên nhân nhiều đơn vị trì hoãn trả tiền bản quyền hoặc né tránh nghĩa vụ thuộc về bên sử dụng. Trung tâm dẫn chứng vụ show BlackPink, Mắt biếc – Tình ca Ngô Thị Miên, BamBam The 1st World Tour Area 52 kéo dài thỏa thuận nhưng đã trả tiền trước giờ biểu diễn.
Các show của Mây Sài Gòn, Mây Lang Thang (Đà Lạt, Hà Nội), Lululola… không có thiên chí trả tiền bản quyền. VCPMC đang lập hồ sơ khởi kiện.
Nguồn thu trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cà phê, khách sạn chưa được khôi phục sau ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình cũng gặp khó khăn vì nhiều đơn vị truyền hình trả tiền chưa thực hiện nghĩa vụ, chậm trễ việc thỏa thuận trả tiền.
Còn 20 vụ tranh chấp chưa được giải quyết
Theo thống kê của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, tòa án và cơ quan chức năng giải quyết 34 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng.
Đến thời điểm hiện tại có 20 trong tổng số 40 vụ việc được giải quyết.
Bên cạnh đó, trung tâm còn thường xuyên rà soát, phát hiện những trường hợp xâm phạm quyền tác giả, đồng thời gửi cảnh báo đến các website, ứng dụng nhạc, các kênh trực tuyến… có hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Tiếp tục tăng cường nguồn thu tiền tác quyền âm nhạc khi khai tác phẩm, VCPMC đã ký kết với các nền tảng: YouTube, Facebook, Tiktok, Apple, Spotify… xây dựng kênh âm nhạc riêng cho từng nhạc sĩ, tối đa hóa nguồn thu.
Theo kế hoạch VCPMC sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị CISAC toàn cầu tại Việt Nam vào cuối năm 2025.
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hoạt động được 21 năm, hiện có gần 5.800 nhạc sĩ thành viên.
VCPMC là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam, thành viên của Hiệp hội các Nhà soạn nhạc và soạn lời quốc tế (CISAC), được quyền đại diện quản lý và bảo vệ lợi ích hơn 5 triệu tác giả quốc tế tại lãnh thổ Việt Nam.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed