Chiêu trò nhận tiền giúp chủ phương tiện
Như Dân Việt đã đưa tin, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã hoàn tất cáo trạng, truy tố 3 người ở Công ty Cổ phần đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình về tội “Nhận hối lộ”.
3 người bị truy tố là Lưu Minh Hải – cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình; Bùi Ngọc Diệp – cựu Phó Giám đốc Công ty; Tô Hồng Dương – đăng kiểm viên. Tòa án nhân dân tỉnh này cũng đã thụ lý vụ án, dự kiến đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 24/1/2024 tới đây.
Về nội dung vụ án, cơ quan điều tra xác định, Lưu Minh Hải đã chỉ đạo Diệp, Dương nhận tiền của các chủ phương tiện để giúp chủ phương tiện rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới (gọi tắt là Giấy chứng nhận) theo yêu cầu của chủ phương tiện.
Cụ thể, cách thức Dương nhận tiền, thực hiện theo yêu cầu của chủ xe, giúp các chủ xe, lập hồ sơ đăng kiểm và hoàn thành việc đăng kiểm được thực hiện như sau: Đối với các xe cơ giới cải tạo đơn giản như lắp thêm thùng hàng, mui gió trên nắp cabin, các bộ phận, hệ thống tổng thành khác giữ nguyên, Dương, Diệp giúp chủ phương tiện rút ngắn thời gian làm thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận cải tạo, sau đó tạo điều kiện đăng kiểm nhanh hơn.
Với các biên bản kiểm tra nghiệm thu có 2 chữ ký của Dương và Diệp, sau khi Dương ký thì đưa cho Diệp ký ngay mà không kiểm tra phương tiện; với các xe lắp thêm phanh phụ thì hồ sơ nghiệm thu yêu cầu văn bản đề nghị nghiệm thu, biên bản nghiệm thu xuất xưởng của đơn vị thi công, Dương đã liên hệ và nhờ cán bộ Công ty TNHH cơ khí ô tô An Thái ký văn bản đề nghị nghiệm thu, biên bản nghiệm thu xuất xưởng ở phần đại diện đơn vị thi công cho đủ thủ tục, Dương ký giả chữ ký của cán bộ kỹ thuật, còn một số bộ hồ sơ Dương chưa kịp nhờ ký đã được thu giữ khi khám xét.
Mỗi hồ sơ đăng kiểm, Dương thường yêu cầu chủ phương tiện nộp 1,1 triệu đồng/xe đến 1,6 triệu đồng/xe gồm phí theo quy định và tiền buộc phải đưa thêm khi đăng kiểm đều nộp về công ty (riêng năm 2020 khi công ty mới đi vào hoạt động mức thu không giống nhau).
Theo cơ quan truy tố, đối với các xe cơ giới cải tạo phức tạp như hoán cải thùng, cải tạo xe 16 chỗ thành xe Van, cải tạo xe 34 chỗ thành xe 29 chỗ thì hồ sơ nghiệm thu phải có bản vẽ thiết kế được Cục đăng kiểm Việt Nam thẩm định. Sau khi có bản vẽ, chủ phương tiện mới được thi công cải tạo tại đơn vị có chức năng thi công, cải tạo xe cơ giới.
Đối với các xe này, Diệp, Dương giúp các chủ xe mua sẵn bản vẽ, không phải làm các thủ tục lập và thẩm định hồ sơ thiết kế, hồ sơ thi công và không phải thi công cải tạo tại những đơn vị có chức năng cải tạo xe cơ giới mà tự thi công ở bất kỳ gara nào.
Để hợp lý hóa hồ sơ thiết kế và thi công cải tạo, Diệp đưa bản phô tô thiết kế cải tạo có sẵn trong các hồ sơ cho khách hàng để thi công theo ý của khách hàng rồi nhờ Bùi Văn Lưu – Phó Giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật và dịch vụ TKT làm hồ sơ thiết kế và thi công cải tạo.
Diệp gửi tin nhắn qua Zalo cho Lưu các thông số của xe như ảnh của đăng kiểm cũ, đăng ký xe, ảnh xe và nội dung cải tạo. Trên cơ sở thông tin do Diệp gửi, Lưu lập hồ sơ thiết kế cải tạo xe và thống nhất với Diệp giá là 5 triệu đồng/bộ hồ sơ, việc thanh toán được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản.
Mặc dù không trực tiếp thiết kế cho các xe và không thi công cải tạo nhưng Lưu vẫn hoàn thiện hồ sơ thiết kế và cải tạo rồi gửi cho Diệp. Ngoài ra trong hồ sơ nghiệm thu, biên bản kiểm tra nghiệm thu do Dương lập, phần đại diện cơ sở thi công đưa cho các chủ xe ký, có trường hợp chủ xe chưa ký thì Dương trực tiếp ký vào. Trên cơ sở hồ sơ nghiệm thu, Dương, Diệp làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho các xe yêu cầu thiết kế.
Tất cả các bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả
Trong 3 năm từ 2020 đến 2022, Diệp, Dương nhận tiền và cấp Giấy chứng nhận xe cơ giới cải tạo cho 286 phương tiện với tổng số hơn 391 triệu đồng. Trong đó thu theo quy định 176 triệu đồng, số tiền các chủ xe buộc phải nộp thêm là 215 triệu đồng.
Có 7 xe Dương buộc 7 chủ phải nộp thêm ngoài phí đăng kiểm tổng số 2,8 triệu đồng; 21 xe phải có thiết kế, Diệp buộc 21 chủ phương tiện nộp thêm ngoài phí đăng kiểm tổng số 126 triệu đồng, Diệp chuyển cho Lưu 12 lần để mua hồ sơ cho 21 phương tiện tổng số tiền 105 triệu đồng, đưa cho Dương 1,5 triệu và Diệp sử dụng chi tiêu cá nhân 19,5 triệu đồng.
Tổng số tiền nhận hối lộ để hoàn tất việc đăng kiểm xe cơ giới là 344 triệu, trong đó 215 triệu đồng nộp về công ty, Diệp thu 126 triệu đồng của 21 chủ xe yêu cầu thiết kế và Dương thu 2,8 triệu đồng của 7 xe.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, trong quá trình điều tra, truy tố, các bị can đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra.
Các đối tượng trong vụ án đều đã tự nguyện khắc phục hậu quả, tư nguyện khai báo, được xác định là tình tiết giảm nhẹ.
Đáng chú ý, theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, đối với hành vi trốn thuế, từ tháng 5/2020 đến hết năm 2020, Công ty đã thu tiền giám định tai nạn và kiểm tra xe 168 triệu theo quy định, nhưng Công ty mới xuất hóa đơn thuế của 42 triệu đồng, còn lại 126 triệu đồng không xuất hóa đơn thuế.
Cơ quan truy tố xác định số tiền thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty Cổ phần đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình đã trốn là hơn 37 triệu đồng.
Mặt khác, Công ty và Lưu Minh Hải chưa bị xử lý về hành vi trốn thuế nên hành vi trên không cấu thành tội “Trốn thuế”.
Tin An Ninh Hinh Su