Tuổi đôi mươi không mua túi, mua váy mà đi mua… nhà
Nhắc đến đầu tư lướt sóng trong lĩnh vực bất động sản, nhiều người mặc định đây là “cuộc chơi” của thế hệ trước. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người trẻ đã sớm gia nhập “bộ môn” này như một hình thức kiếm lời nhanh chóng.
Kim Chi (26 tuổi, TP.HCM) đang làm nghề chính là huấn luyện viên thể hình. Bên cạnh đó, cô còn theo đuổi nhiều job phụ như makeup, mẫu ảnh, streamer, đồng thời đầu tư để sinh lời. Do làm nhiều công việc cùng lúc nên mức thu nhập (chưa tính lợi nhuận từ đầu tư) của Kim Chi biến động khá lớn, khoảng 12 – 20 triệu đồng/tháng.
Bắt đầu đi làm từ năm 19 tuổi, cho đến gần đây cô nàng đã tích lũy được khoản dự phòng là 600 triệu đồng. Bấy giờ, Kim Chi quyết định vay thêm 800 triệu đồng từ ngân hàng để mua căn nhà đầu tiên, với lãi suất 12%/năm. Cô chọn mua căn hộ officetel rộng 37m2, sau đó bán lại để sinh lời như một món đầu tư.
Một trường hợp khác, Như Nguyệt (24 tuổi, TP.HCM) đang làm project manager. Mới đây, cô nàng vừa bán căn nhà đầu tiên mua từ tháng 11/2023, với mức sinh lời khoảng 30 – 40% giá trị bất động sản.
Căn nhà Như Nguyệt mua ở quê, nằm trong hẻm, rộng 70m2. Sau khi mua nhà, Nguyệt có sửa chữa lại với mục đích bán lướt sóng. Thời điểm mua nhà, Như Nguyệt dùng hết số vốn 400 triệu đồng để đầu tư vào bất động sản và không cần vay thêm.
Trước đó, do lần đầu tiên tìm hiểu đầu tư lướt sóng bán bất động sản nên cô chỉ kỳ vọng căn nhà có thể đem lại lợi nhuận khoảng 11-20%. Kết quả đạt được vượt xa mức kỳ vọng nên Như Nguyệt rất vui mừng.
“Quan điểm đầu tư của mình khá an toàn. Có ít đầu tư ít, có nhiều đầu tư nhiều. Mình tuyệt đối không vay tiền vì trong thời điểm hiện tại mình chưa tự tin để sử dụng đòn bẩy tài chính. Thêm nữa, mình nhận thấy vay tiền để mua động sản có phần hơi rủi ro vì thị trường này đang chững, trong khi lãi suất ngân hàng lại tăng”, Như Nguyệt nói về nguyên tắc đầu tư của mình.
Như Nguyệt
Hiện trạng ban đầu của căn nhà mà Như Nguyệt mua để bán lướt sóng
Từ bỏ “khoái lạc váy áo” để đầu tư bất động sản
Để mua được căn nhà đầu tiên, cả hai cô gái đều phải cố gắng làm việc chăm chỉ và tích lũy tiền bạc trong thời gian dài. Đáng nói, Như Nguyệt và Kim Chi đã cắt giảm nhiều khoản chi tiêu tốn kém, nhằm thúc đẩy mục tiêu tài chính đạt được nhanh hơn.
Với Kim Chi, cô thường phân chia tổng thu nhập hàng tháng từng khoản như sau: 40% dùng để đầu tư, 20% đóng tiền nhà, 30% cho chi phí sinh hoạt và 10% dành để tiêu dùng cá nhân.
“Mình tính trước mỗi tháng sẽ dùng bao nhiêu tiền cho chi phí sinh hoạt và cố gắng không vượt quá con số đã quy định. Mình cũng hay nấu ăn tại nhà để tiết kiệm. Mình chỉ lướt sàn thương mại điện tử khi có món đồ thật sự muốn mua, còn rảnh rỗi thì không. Vì mình biết cứ vào các nền tảng này không kiểm soát thì chắc chắn sẽ sắm nhiều đồ không cần thiết”, cô gái chia sẻ.
Trước kia, Kim Chi từng là người mua sắm bốc đồng và không quan tâm quản lý tài chính. “Có lúc tài khoản chỉ có 10 triệu đồng nhưng mình có thể mua sắm hết toàn bộ số tiền đó. Hàng tháng, mình từng mua túi xách và quần áo vô tội vạ. Có khi nhận lương 7-8 triệu đồng nhưng mình sẵn sàng mua túi xách 2 triệu đồng, đồng hồ 3 triệu đồng là điều bình thường”, cô nàng kể lại.
Tuy nhiên, sau khi trải qua một vài biến cố, Kim Chi đã học cách tiết kiệm, để có khoản dành dụm phòng ngừa bất trắc và đầu tư cho tương lai.
Kim Chi đã thay đổi nhiều thói quen tài chính
Còn về phía Như Nguyệt, cô quan niệm nền tảng tài chính khỏe mạnh là sự kết hợp của 4 yếu tố: Tăng thu nhập, giảm chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư. Nếu trước đó, cô nàng không có sự chuẩn bị tài chính tốt bằng 4 yếu tố này thì khi cơ hội tốt đến, Như Nguyệt cũng chẳng thể mua được nhà.
Hàng tháng, Như Nguyệt phân bổ thu nhập (sau thuế) theo nguyên tắc 50/30/20, bao gồm 50% cho khoản cần, 30% cho khoản muốn và 20% cho khoản tiết kiệm. Khoản cần là tiền dùng cho những nhu cầu thiết yếu ví dụ như ăn uống, đi lại, nhà ở và y tế… hay đây là những khoản mà bạn không chi thì sẽ không thể nào sống nổi. Khoản muốn là tiền cần dùng cho những khoản chi mang lại niềm vui cho bạn ví dụ như đi ăn, đi chơi, đi cafe và mua sắm… Và khoản 20% cuối cùng là số tiền bạn bắt buộc phải để dành, dùng làm quỹ tiết kiệm, đầu tư hoặc cho trường hợp khẩn cấp.
Tương tự Kim Chi, Như Nguyệt cũng chọn theo đuổi lối sống tối giản, cắt giảm các khoản chi không cần thiết để hướng tới tài chính vững bền. Nếu như trước kia, Như Nguyệt không ngại vung tay mua hàng hiệu thì giờ đây cô đã hạ bớt tần suất mua sắm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cuộc sống.
“Túi Chanel, Gucci mình gửi lại cho chị và không dùng nữa, chỉ dùng mỗi 1 cái túi cói mua sàn thương mại điện tử giá 99k nhưng vẫn xài được tới giờ mấy năm luôn rồi. Quần áo bây giờ của mình rất đơn giản nhưng lịch sự và thuận tiện. Mình hạn chế mua đồ, khi nào cần lắm thì mới mua. Còn nếu không thì cứ sử dụng những gì đã có”, Như Nguyệt nói.
Không chỉ riêng trong khoản trang phục, cô nàng còn tiết kiệm ở nhiều nhu cầu khác của cuộc sống. “Hầu hết các hoạt động như tập thể dục và học tập phát triển bản thân của mình đều không tốn tiền. Mình thường tự học hoặc rủ bạn bè học tập, tập thể dục chung, vừa vui, vừa tiết kiệm”, cô nàng nói.
Như Nguyệt đang theo đuổi lối sống tối giản
Lời khuyên đầu tư từ các cô gái
Kim Chi cho biết, một trong những bước ngoặt lớn nhất trong cách quản lý tài chính là khi cô nàng đọc xong cuốn Cha Giàu Cha Nghèo. Nhờ đó, Kim Chi tiết kiệm hơn và học đầu tư. Đồng thời, cô tìm hiểu rõ về 2 khái niệm “tiêu sản” và “tài sản”, đồng thời ý thức hơn về cách mọi người có thể dùng tiền để “làm việc” cho mình và từ đó sinh ra lợi nhuận.
Kim Chi chia sẻ: “Một vài hình thức đầu tư mà bạn có thể tham khảo như: Mua căn nhà sau đó cho thuê hàng tháng để lấy tiền thuê nhà, mua chung cư để đầu tư lướt sóng, mua chứng khoán để lấy cổ tức hoặc đầu tư dài hạn, góp vốn chung một mô hình kinh doanh nào đó và đợi chúng sinh lời… Tất nhiên mô hình nào cũng sẽ có rủi ro nhất định. Quan trọng nhất là bạn cần có tư duy tài chính vững chắc, như thế mọi thứ sẽ thuận lợi và không bị mất tiền lãng phí”.
Còn về phía Như Nguyệt, cô nàng nhận định khi tìm nhà để đầu tư lướt sóng sẽ đánh giá chúng dựa trên 3 tiêu chí. Đó là địa thế (nhà/đất nằm ở khu vực nào, có dân cư hay không, có nguy cơ quy hoạch hay không), tính pháp lý (nhà đất có giấy tờ pháp lý rõ ràng không, đây là loại đất gì, nếu là đất nông nghiệp thì có khả năng lên thổ cư hay không) và tỷ suất sinh lợi của chúng.
“Rất khó để bạn tìm được 1 bất động sản giá vừa rẻ, có tỉ suất sinh lời cao, pháp lý chuẩn chỉnh và nằm ở địa thế tốt. Cho nên phần lớn mình thường sẽ mua những căn nhà giá rẻ, khả năng sinh lời cao, địa thế hợp lý tuy nhiên có một số rủi ro pháp lý nhất định”.
Sau cùng, cô nêu quan điểm đã đầu tư lướt sóng nhà đất thì nên chấp nhận rủi ro. Do đó, bạn cần tìm hiểu để có kiến thức và cân nhắc kỹ lưỡng khi tham gia bộ môn này.
“Đây một hình thức rủi ro nhưng lợi nhuận cao và nhanh. Từ đó, mình lấy vốn để phân bổ cho các hoạt động đầu tư khác. Ngoài lướt sóng, mình còn đầu tư dài hạn vào 1 số bất động sản khác”, Như Nguyệt tổng kết cách cô nàng 10x đầu tư ở thời điểm hiện tại.
Ảnh: NVCC
Kenh14.vn – Trang chủ – RSS Feed
Nguồn: Sưu Tầm internet