Theo quyết định số 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11/2023, có 42 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Trong số này có Trịnh Kim Chi, Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1994, nữ diễn viên tài năng và cũng là bà bầu tâm huyết của sân khấu kịch.
PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Trịnh Kim Chi về niềm vui này, cũng như những tâm huyết chị dành cho sân khấu kịch.
Cảm xúc của chị thế nào khi có tên trong danh sách các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân công bố vào tháng 11/2023 vừa qua?
– Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và vinh dự. Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân như một động lực để tôi tiếp tục làm việc, cống hiến và phục vụ cho nền nghệ thuật nước nhà. Bên cạnh niềm vui, tôi cũng tự nhủ mình cần có trách nhiệm hơn trong các vai diễn và hoạt động nghệ thuật mà tôi đang theo đuổi.
Cảm xúc của lần trao tặng này cũng có phần đặc biệt khi kết quả được công bố sau một thời gian chờ đợi khá dài, do sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ai là người đã chắp cánh cho chị tới với nghệ thuật sân khấu?
– Tôi sinh ra trong một gia đình mà mẹ tôi có ít nhiều liên quan tới nghệ thuật. Bà là người đảm nhận vai trò hóa trang tại Đài Truyền hình Việt Nam (khi chúng tôi còn ở Hà Nội), sau đó lại theo các đoàn phim của hãng phim Nguyễn Đình Chiểu (lúc cả gia đình chuyển vào TP.HCM). Từ năm 7, 8 tuổi, tôi đã được theo chân mẹ tới các đoàn phim, gặp gỡ những nghệ sĩ, chứng kiến quá trình họ làm việc. Tình yêu nghệ thuật có lẽ cứ lớn dần trong tôi như thế.
Vào cuối năm học lớp 12, trường phổ thông tôi theo học tổ chức một đêm văn nghệ chia tay. Trước đó, chúng tôi qua trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh (khi đó là trường Nghệ thuật Sân khấu 2) để mượn trang phục về biểu diễn. Nhìn thấy một số lớp đang luyện thi, tôi mới tò mò hỏi cô giáo: “Cô ơi, có phải nhà trường đang tuyển sinh không? Liệu em có đăng ký được không?”. Cô bảo tôi về làm hồ sơ ngay đi, mai hạn cuối rồi. Tôi tức tốc về chuẩn bị, sau đó thi đỗ vào trường. Đó có lẽ cũng là một định mệnh, là cái duyên để tôi gắn bó với sân khấu cho tới hiện tại.
Trong thời gian đứng trên sân khấu, những vở diễn nào khiến chị cảm thấy tâm đắc nhất?
– Ra trường, tôi tham gia Đoàn Kịch nói TP.HCM, sau đó gắn bó lâu dài với sân khấu kịch của chị Hồng Vân. Tôi theo với chị Hồng Vân từ khi sân khấu Phú Nhuận vừa thành lập, có không ít vai diễn để lại trong tôi nhiều thương nhớ. Năm 1995, một năm sau khi nhận danh hiệu Á hậu 2 tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, tôi có cơ hội bước chân lên sân khấu Liên hoan Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc với vai Giang trong vở Bước qua lời nguyền. Lần đầu tiên tới với hội diễn, tôi đã nhận huy chương Vàng. Những cảm xúc đầu tiên khiến tôi vỡ òa, không thể miêu tả hết những cảm xúc trong mình. 7 năm sau đó, vai đào Xuân ở trong vở “Làm đĩ” lại giúp tôi nhận huy chương Vàng Hội diễn sân khấu nghệ thuật, sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Tôi yêu nhân vật đó lắm, nhập tâm vào từng diễn biến tâm lý của nhân vật. Vở kịch cũng được công chúng yêu quý và đón nhận.
Sau khi tôi mở sân khấu riêng của mình, lại một vai nữa làm tôi khóc. Đó là vai cô Đoàn Thị Nghiệp, Mẹ Việt Nam anh hùng trong vở Rặng trâm bầu. Vai diễn này từng mang lại cho tôi thành công trong lĩnh vực phim truyền hình từ năm 2004. 14 năm sau, tôi mới có cơ hội bắt tay vào dựng thành kịch nói. Gần đây nhất, vai Má Bảy trong vở Khát vọng ngày mai, công diễn tháng 12/2023 cũng khiến tôi rất tâm đắc và cảm động.
Từ năm 2015, chị thành lập sân khấu Trịnh Kim Chi và duy trì cho tới hiện tại. Việc trở thành một bà bầu chắc hẳn vất vả hơn rất nhiều so với việc làm nghệ sĩ đơn thuần như trước đó?
– Đúng vậy, khi làm diễn viên thì tôi thảnh thơi lắm. Tôi chỉ đến tập những vai thuộc về mình, làm những công việc liên quan đến mình thôi. Khi trở thành người quản lý sân khấu, mọi thứ hoàn toàn khác biệt. Việc gì cũng tới tay, ai cần gì cũng gọi mình. Ban đầu, tôi stress kinh khủng, có lúc cáu gắt, nóng nảy với mọi người. Một thời gian sau, tôi nhận ra mình càng căng thẳng, tình hình càng rối ren, khó kiểm soát.
Về sau, tôi học được cách bình tĩnh, ôn hòa để tinh thần mình thoải mái. Làm nghệ thuật mà không thư thái, nhẹ nhàng thì không thể làm được. Mình phải lắng lại để giải quyết từng công việc một.
– Hơn 30 năm qua, sân khấu kịch có không ít thăng trầm. Đã khi nào chị muốn dừng lại và chuyển hoàn toàn sang lĩnh vực khác?
– Thật ra không phải riêng tôi đâu, rất nhiều anh em nghệ sĩ gặp khó khăn khi theo đuổi lĩnh vực sân khấu. Không ít người vất vả hơn tôi nhiều, có giai đoạn chẳng thể có việc làm, thế nhưng họ vẫn kiên trì và đeo bám. Động lực giữ họ lại chính là đam mê, là tình yêu với nghề. Với tôi, có lẽ cũng là như vậy.
Những năm dịch 2020 – 2021, sân khấu chững lại và hầu như không hoạt động. Thời điểm ấy, các anh chị em nghệ sĩ, ông bầu, bà bầu của những sân khấu kịch tại TP.HCM đều lo lắng, bất an. Thế nhưng, năm vừa qua, sân khấu đã bắt đầu vực dậy và có phần xôm tụ hơn trước đó. Những tín hiệu này khiến chúng tôi thấy hào hứng, khả quan và thêm động lực.
Thực sự, anh em nghệ sĩ đều rất yêu sân khấu. Chúng tôi luôn xác định chỉ cần không lỗ, miễn được hoạt động nghệ thuật và giữ lửa làm nghề. Tiền lương của sân khấu không đáng bao nhiêu, nhưng động lực lớn nhất của bà bầu là anh em diễn viên cũng máu lửa như mình, cũng hừng hực quyết tâm và khao khát được cống hiến.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet