Nhanh như chớp nhí – Vie Channel, Trạng Nguyên nhí 2024 là những fanpage đăng tin về các cuộc thi giả mạo gần đây khiến chính chủ là ban tổ chức các cuộc thi chính gốc, sở hữu fanpage có tick xanh phải lên tiếng đính chính, cảnh báo lừa đảo.
Hay ban tổ chức cuộc thi Festival Piano Talent toàn quốc 2024 cũng phải lên tiếng cảnh báo có nhiều fanpage giả mạo.
Thắng giải được đi Hawaii, Disney World
Trên fanpage Nhanh như chớp nhí – Vie Channel, hai dòng đầu tiên ghi: “Bùng nổ năm 2024, nhanh như chớp đã quay trở lại”.
Sự trở lại này hấp dẫn hơn với giải thưởng: nếu lọt vào chung kết sẽ được “một chuyến du lịch cùng gia đình tại quần đảo Hawaii năm ngày sáu đêm”.
Trang này còn ghi: “Mùa 5 của chương trình do Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Vie Channel tổ chức, được dẫn dắt bởi MC Trấn Thành, MC Trường Giang, NSƯT Xuân Bắc cực kỳ duyên dáng và rất nhiều cô chú nghệ sĩ nổi tiếng khác giao lưu và đồng hành cùng các con”.
Tuy nhiên nếu tìm hiểu kỹ hoặc là khán giả của truyền hình thì sẽ nhận ra thông tin trên là sai bởi Nhanh như chớp nhí do Vie Channel sản xuất, phát sóng trên kênh HTV2 của Đài truyền hình TP.HCM (HTV), không liên quan gì VTV.
Đại diện nhà sản xuất Nhanh như chớp nhí cho Tuổi Trẻ biết trước những thông tin lừa đảo trên, nhà sản xuất liên tục phát đi thông tin cảnh báo trên fanpage chính thức của chương trình, khẳng định “không tổ chức bất kỳ hoạt động, buổi casting nào cho mùa 5 của Nhanh như chớp nhí”.
“Trong tương lai nếu tổ chức, mọi thông tin liên quan sẽ chỉ được chúng tôi thông báo chính thức trên fanpage chính thức” – đại diện này đồng thời khuyên khán giả “luôn cẩn trọng và tỉnh táo”.
Trước đó fanpage lấy tên Trạng Nguyên nhí 2024 cũng dụ phụ huynh đăng ký cho con tham dự bằng giải thưởng “một chuyến du lịch bốn ngày năm đêm cùng gia đình tại công viên giải trí lớn nhất ở Mỹ, Walt Disney World” nếu vào chung kết, cùng những giải thưởng tương tự như Nhanh như chớp nhí. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, Trạng Nguyên nhí mùa 3 kết thúc hồi tháng 9, mùa 4 vẫn chưa rục rịch.
Trang fanpage của VTV3 phải lên tiếng cảnh báo: “Các chương trình của VTV luôn được đăng tải trên các kênh thông tin chính thức hoặc các fanpage có tích xanh.
Quý khán giả cần hết sức cẩn trọng trước các lời mời chào trên mạng xã hội, đặc biệt khi các đối tượng yêu cầu đóng một khoản chi phí nhất định”.
Không chỉ các game show trên truyền hình bị giả mạo, các cuộc thi lớn mang quy mô quốc gia cũng không thoát khỏi cảnh này.
Hồi đầu tháng 12-2023, ban tổ chức Festival Piano Talent toàn quốc 2024 (Cuộc thi piano mở rộng toàn quốc) thông qua Tin Tức Online gửi cảnh báo các phụ huynh, một số trang fanpage giả mạo đưa ra những mức giải thưởng hấp dẫn lên tới hàng trăm triệu đồng để thu hút phụ huynh đăng ký cho con em tham gia nhằm chiếm đoạt, lừa tiền phụ huynh.
Cuộc thi này do Viện Phát triển giáo dục và văn hóa Việt Nam phối hợp Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tới hết ngày 24-3-2024.
Phụ huynh cần tỉnh táo
Vì sao các nhà đài lẫn đơn vị tổ chức liên tục đưa ra các cảnh báo nhưng các bậc phụ huynh vẫn dính bẫy? Mới chỉ đầu tháng 1-2024, các trang lừa đảo “gắn con số 2024” lại tiếp tục bùng nổ về số lượng, để “săn” những con mồi nhẹ dạ cả tin mới.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, trưởng ban tổ chức Festival Piano Talent toàn quốc 2024, cho biết thủ đoạn của những đối tượng giả mạo hết sức tinh vi.
“Họ sao chép hình ảnh, nội dung, video trên fanpage chính chủ của cuộc thi về fanpage giả mạo, sau đó dẫn dắt phụ huynh vào các nhóm lẻ khác trên Zalo hoặc Facebook, rồi đưa ra những mức giải thưởng hấp dẫn.
Phụ huynh nào muốn tham gia thì chuyển tiền tham gia “thử thách”. Thử thách ngày một tăng dần, khi phụ huynh chuyển tiền xong, họ cũng mất tăm”, ông nói.
Theo ông Tuấn, một phần lỗi đến từ phụ huynh khi không xác minh và tìm hiểu kỹ càng thông tin. Chẳng hạn, “cuộc thi piano trên là cuộc thi phi lợi nhuận thì giải thưởng không thể lên tới hàng trăm triệu đồng”.
Là người hoạt động trong ngành truyền thông, anh Nguyên Trần cho rằng: “Hiện tại, các trang này dùng nhiều chiêu trò đánh vào tâm lý “mê” những món quà vật chất hoặc những phần thưởng hấp dẫn của không ít phụ huynh”.
Chị Nguyễn Lan Anh (Hà Nội) – một phụ huynh “dính” bẫy – kể: “Đúng là khi thấy giải thưởng hấp dẫn quá nên tôi đã khá vội vàng đăng ký cho con tham gia cuộc thi piano kia mà không tìm hiểu kỹ”.
Tham gia thử thách lần một chỉ phải nộp mấy trăm ngàn đồng, con số nhỏ nên chị không nghi ngờ gì; song tới lần hai, số tiền tăng lên, chị Lan Anh mới giật mình và biết mình bị lừa.
Chia sẻ lại câu chuyện, chị nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh khác: “Nếu chúng ta tỉnh táo, không ai có thể lừa được”.
Ngay sau khi phát hiện, ban tổ chức Festival Piano Talent toàn quốc 2024 đã gửi đơn tố giác đến Phòng cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội), tới nay chưa có kết quả.
“Không chỉ cuộc thi piano mà nhiều cuộc thi khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tôi e đây là một vấn đề không dễ để giải quyết, để giải quyết cũng mất rất nhiều thời gian. Cách tốt nhất là phụ huynh phải biết tự bảo vệ mình”, ông Tuấn trao đổi thêm.
Trách nhiệm các nền tảng mạng ở đâu?
Theo anh Nguyên Trần, hoạt động lừa đảo này ngày càng tinh vi, “diệt”, report (báo cáo) trang này thì trang khác ngay tức khắc lại mọc lên.
Thậm chí, trên nền tảng Facebook, những đối tượng này còn công khai chạy quảng cáo tiếp cận người dùng.
Anh Nguyên Trần đặt câu hỏi: “Trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội ở đâu khi để những quảng cáo lừa đảo như thế xuất hiện ngày càng nhiều?”.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed