Hồ sơ địa chất kỷ Cambri từ nền Dương Tử, một cao nguyên rộng lớn ở miền Nam Trung Quốc từng là đáy đại dương cổ đại, đã tiết lộ một nguyên tố hóa học đặc biệt tên molypden.
Molypden đại diện cho một dạng thảm họa “tận thế” mà con người khó tưởng tượng nổi: “Sóng thần” khí độc.
Hóa thạch một số sinh vật kỳ ảo kỷ Cambri mà nghiên cứu từ Trung Quốc cho thấy đã bị “sóng thần” khí độc tiêu diệt – Ảnh: SHUTTERSTOCK/LIVE SCIENCE
Theo Live Science, khoảng 530 triệu năm trước, khi hầu hết sự sống còn thuộc về đại dương, địa cầu trải qua vụ bùng nổ sinh học kỷ Cambri.
Sự kiện này đã cho ra đời một loạt sinh vật kỳ ảo, với mức tiến hóa nhảy vọt so với thời kỳ trước. Dù có hình thái hoàn toàn lạ lùng, nhưng chúng chính là các vị tổ tiên đặt nền móng cho hệ động thực vật phong phú của Trái Đất ngày nay.
Tuy nhiên, chỉ 20 triệu năm sau sự kiện đó, vào mốc 510 triệu năm trước, một đại tuyệt chủng bỗng dưng ập tới.
Từ rất lâu các nhà khoa học đã cố giải thích nguyên nhân gây ra sự kiện “tận thế” thảm khốc đã giết chết 45% số sinh vật vừa ra đời khắp các vùng đại dương này. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, bao gồm các tác động từ vũ trụ như siêu tân tinh.
Thế nhưng molypden trong đá cổ Trung Quốc chỉ ra một thứ lạ lùng hơn thế. Molyplen có thể kết hợp với lưu huỳnh để tạo thành các hợp chất không hòa tan, sau đó lắng đọng trong trầm tích.
Vì vậy, sự xuất hiện dồi dào của nó đồng nghĩa với việc mức hydro sunfua từng rất cao trong nước.
Hydro sunfua vốn độc hại với sinh vật cổ đại lẫn sinh vật ngày nay. Hợp chất này đã dâng cao kết hợp với một giai đoạn oxy suy giảm mạnh, tạo nên một đợt “sóng thần” độc hại quét khắp các đại dương.
Theo TS Chao Chang, nhà địa hóa học từ Đại học Tây Bắc (Tây An – Trung Quốc), hydro sunfua có thể gây tử vong cho tất cả các loài động vật biển.
Trái Đất đã thậm chí có thể nói là khá may mắn khi chỉ 45% sinh vật tuyệt chủng trong một sự kiện có thể đã trở thành “ngày tận thế” triệt để.
Nguyên nhân gây ra sóng khí độc này vẫn chưa rõ ràng. Nhưng trong bài công bố trên Geophysical Research Letters, các tác giả nghi ngờ rằng chính sự bùng nổ sinh học quá mạnh mẽ góp phần vào thảm họa.
“Dân số” đại dương tăng lên theo cấp số nhân đã dẫn đến một loạt chất hữu cơ từ xác của chúng chìm xuống đáy biển. Sự thối rữa trở thành bữa tiệc cho hàng ngàn tỉ vi khuẩn. Chúng nhai nát sunfat, chuyển đổi thành sản phẩm phụ là hydro sunfua, bơm đầy thứ này vào nước.
Cho dù sự sống bùng nổ vào thời kỳ đó, nhưng hệ sinh vật nguyên sơ này vẫn chưa hoàn thiện, chưa tạo nên một sự bổ sung cho nhau trong vòng đời như cách sinh vật Trái Đất tự cân bằng sinh thái ngày nay.
Vậy là thảm họa xảy ra, như một lần “xé nháp”. Tuy tiêu diệt nhiều sinh vật nhưng đó cũng là điều kiện để kích thích sự sinh ra lớp sinh vật mới tiến hóa cao hơn, thích nghi cao hơn và có khả năng tự cân bằng lẫn nhau cao hơn.
Kenh14.vn – Trang chủ – RSS Feed
Nguồn: Sưu Tầm internet