Cái chân phương ấy có đáng gọi là cái chân phương… chết người? Nhiều fan hâm mộ Vũ Thắng Lợi hẳn công nhận điều này.
Live concert Quê hương – live show thứ tư trong nghiệp ca hát của ca sĩ nhạc đỏ sinh năm 1985 ở xứ Nghệ Vũ Thắng Lợi – vẫn còn một số ghế trống, nhưng với một nghệ sĩ nhạc cách mạng tự thân bán vé như Vũ Thắng Lợi thì đó là một thành công lớn không dễ gì làm được.
Vũ Thắng Lợi: Người chân phương khao khát đổi mới
Vũ Thắng Lợi có giọng hát đẹp, trong trẻo, ngân vang (giới chơi âm thanh nổi tiếng sành nghe rất thích sưu tầm đĩa than Vũ Thắng Lợi hát). Anh lại chọn được dòng nhạc có lẽ là phù hợp nhất với mình – nhạc đỏ, một hình ảnh có lẽ cũng phù hợp nhất với anh – người lính.
Khán giả của nhạc đỏ, từ người già đến người trẻ, hầu hết đều cảm mến sự chân phương. Vũ Thắng Lợi đã tìm đúng đối tượng khán giả cho mình.
Chẳng giỏi giao lưu duyên dáng hấp dẫn khán giả trẻ, Vũ Thắng Lợi bù vào bằng cách hát nhạc đỏ với âm hưởng của thời đại mới, mềm mại, tha thiết hơn.
Ngay dòng nhạc quê hương, cách mạng thì anh cũng chọn cho mình những bài thật trữ tình như: Rừng chiều (Vũ Thanh), Hương thầm (nhạc Vũ Hoàng, thơ Phan Thị Thanh Nhàn), Tình yêu trên dòng sông quan họ (nhạc Phan Lạc Hoa, lời Đỗ Trung Lai), Neo đậu bến quê (An Thuyên), Lòng mẹ (Y Vân)…
Vũ Thắng Lợi còn mạnh dạn hát nhạc trẻ, bài Ai cũng có ngày xưa của nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh. Tất nhiên anh hát theo cách của một giọng hát tình cảm lẫn kỹ thuật tốt, không quá “thời trang” như các ca sĩ nhạc trẻ hát bài này.
Nguyên Hà lần đầu hát nhạc đỏ
Những nỗ lực làm mới dòng nhạc quê hương, cách mạng trong live concert Quê hương không chỉ dừng lại ở cá nhân Vũ Thắng Lợi, anh còn muốn mang đến sự mới mẻ cho khán giả từ cả ê kíp của mình.
Anh mời nhạc sĩ Hồng Kiên phối mới những bài hát cũ, mang đến những hợp âm sống động. Khán giả được đắm chìm trong giọng hát đẹp của Vũ Thắng Lợi bay trên nền những thanh âm của cả một dàn nhạc lớn.
Anh lại mời Cao Trung Hiếu – một đạo diễn sân khấu ăn khách trong thị trường biểu diễn ca nhạc hiện nay – làm đạo diễn cho live concert Quê hương.
Cao Trung Hiếu mang tới một sân khấu giản dị nhưng không đơn điệu, lớp lang nhưng không diêm dúa. Những chi tiết sân khấu như một lớp màn tơ, con diều, chiếc mũ cối được Cao Trung Hiếu sử dụng rất đắt.
Tâm điểm của sân khấu là ngôi sao bằng đèn led thì hầu như luôn tỏa sáng trong suốt đêm nhạc. Đôi lúc sân khấu lại chỉ còn Vũ Thắng Lợi hát bên hình ảnh một chiếc mũ cối màu xanh huyền thoại, hay một ngôi sao vàng năm cánh rất… bộ đội, khiến những khán giả yêu mến ca sĩ này rất xúc động.
Và nhân tố bất ngờ nhất của đêm nhạc chính là nữ ca sĩ Nguyên Hà. Cô xuất hiện gần cuối chương trình, hát đơn ca Lên ngàn (Hoàng Việt) và song ca cùng Vũ Thắng Lợi bài Thành phố trẻ (Trần Tiến). Ca sĩ đến từ phương Nam tâm sự đây là lần đầu tiên cô hát nhạc đỏ.
Nguyên Hà mang lại nguồn cảm xúc mới cho khán giả khi nghe những bài hát cũ và cũng tạo cảm xúc sân khấu thăng hoa cho chủ nhân của đêm nhạc. Chẳng thế mà càng về cuối Vũ Thắng Lợi hát càng hay.
Anh chọn chia tay khán giả của mình bằng những câu hát trữ tình sâu lắng trong bài Quê hương anh bộ đội làm níu bước chân ra về của những người yêu nhạc: “Nơi ấy có cánh đồng mênh mông ngát hương, mùa lúa chín tiếng hát vang khắp đường… Em gái bên láng giềng đêm đêm kéo tơ…”.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed