Sáng 22/12 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói về ảnh hưởng của sức mạnh văn hóa đối với kinh tế, nông nghiệp, du lịch, cụ thể là nền phim ảnh. Ông đưa ra ví dụ về cách Hàn Quốc quảng bá sản phẩm, dịch vụ thông qua nhiều bộ phim truyền hình.
Theo ông Hoan, trường quay Bản tình ca mùa đông ở đảo Nami hay phim trường Nàng Dae Jang Geum đều trở thành các điểm du lịch nổi tiếng. Ông Hoan phân tích mỗi phim truyền hình Hàn Quốc quảng cáo trung bình khoảng 57 sản phẩm, bao gồm: Đồ nội thất, mỹ phẩm, công nghệ, một cách khéo léo.
Trong khi đó, nhà sản xuất Việt Nam thường chạy dòng cảm ơn ở cuối nhưng không ai quan tâm.
“Chúng ta có thể nhìn văn hóa ở khía cạnh bán hàng. Gần đây, tỉnh Phú Yên đã sử dụng phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh để làm thương hiệu du lịch cho tỉnh và tương đối thành công. Đây chính là sức mạnh của văn hóa.
Đã đến lúc chúng ta phải định vị lại tính giải trí. Người Hàn Quốc đã đưa ra một khái niệm mới là nông nghiệp giải trí, ghép nông nghiệp và giải trí trở thành một thuật ngữ, một sản phẩm mang lại giá trị thương mại đặc sắc”, ông Hoan cho biết.
Ông Hoan nói, nhìn rộng ra, công nghiệp văn hóa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà là giá trị sâu xa trong quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương và các sản phẩm mang đậm bản sắc. Bộ VH-TT&DL cần khai phá ra những không gian phát triển mới.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc hãng BHD chia sẻ, chúng ta vẫn chỉ quản lý văn hóa mà chưa có quản lý công nghiệp văn hóa. Để quản lý công nghiệp văn hóa cần từ chính sách đến con người.
Theo bà Bích Hạnh, hiện nay, rạp chiếu phim mang thương hiệu Việt chỉ chiếm 30% thị phần (các nước 80-90%). Doanh thu phim Việt chiếm 33% (so với các nước khu vực 70-80%). Như vậy, so với các nước trong khu vực, từ tỉ lệ rạp chiếu đến doanh thu của nước ta còn thấp. Trong khi Việt Nam có doanh thu phòng vé cao nhưng thị phần thấp.
Cũng theo bà Hạnh, hiện phim Việt có doanh thu cao nhất là 475 tỷ. Trong khi đó đầu tư có 35 tỷ. Rõ ràng, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp văn hóa có cơ hội phát triển.
Tuy nhiên, theo bà Hạnh, cần có chính sách để hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa. “Phải coi trọng sản phẩm văn hóa, đó là tài sản trí tuệ nhưng không thể đưa ra vay vốn ngân hàng, cũng không được bảo hộ bản quyền. Ăn trộm 1 cái xe máy bị đi tù nhưng đưa bộ phim lên mạng chỉ bị phạt hành chính”, bà Hạnh bày tỏ.
Bà Hạnh mong mỏi, sản phẩm văn hóa phải được coi trọng. Cùng với đó là chính sách ưu đãi về vay vốn. Tuy nhiên, một kịch bản phim không phải sản phẩm hữu hình nên không thể vay vốn.
“Để xây dựng công nghiệp phải xây dựng cơ sở vật chất cho công nghiệp đó. Xây dựng rạp chiếu phim, giảm tiền thuê đất, giảm tiền điện nước cho các doanh nghiệp văn hóa”, bà Hạnh cho biết.
Cũng theo bà Hạnh, còn có nhiều khó khăn khác như thủ tục hành chính rườm rà. “Đơn cử như để quay bộ phim ở Bờ Hồ chẳng hạn phải có 5-7 giấy phép. Nếu 1 ngày quay ở 3- 4 địa điểm thì quá phức tạp”, bà Hạnh chia sẻ.
Bà Trương Uyên Ly, Không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine cho rằng, không gian sáng tạo đang thể hiện ưu thế trong việc kết nối các nghệ sĩ, truyền thông và đem các tác phẩm của nghệ sĩ đến với công chúng. Các không gian sáng tạo Việt Nam đang thu hút công chúng.
Hiện nay, không gian sáng tạo đã và đang có những tác động tích cực như tạo việc làm mới, cải tạo cảnh quan của khu vực, giảm tình trạng ô nhiễm.
“Nhà máy bỏ hoang, bãi đất trống được biến thành địa điểm âm nhạc, quán café, tạo không gian cho giới trẻ. Không gian sáng tạo cũng giúp giảm bớt ô nhiễm rác thải. Những không gian ô nhiễm được cải tạo thành không gian tươi mới, sạch đẹp.
Tuy nhiên, các không gian sáng tạo gặp nhiều khó khăn, cản trở sự phát triển như: thuế, hạn mức thuê… Nhiều không gian sáng tạo đang hoạt động phi lợi nhuận, nhưng thuế đóng cao”, bà Uyên Ly nói.
Theo bà Uyên Ly, thách thức lớn trong phát triển không gian sáng tạo và công nghiệp văn hóa ở Việt Nam là thiếu sự liên kết, chưa đồng bộ, nhận thức về sức mạnh công nghiệp văn hóa chưa đồng đều.
Bà Ly kiến nghị, cần có chính sách giảm thuế, miễn thuế thu nhập trong vài năm đầu cho doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị Thủ tướng thành lập Ban hành động về công nghiệp văn hóa liên bộ ngành để đẩy mạnh sự kết nối trong thực hiện công nghiệp văn hóa.
Bà Uyên Ly cho rằng, với tiềm lực của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành trung tâm của công nghiệp sáng tạo của khu vực.
Văn hóa | Báo Dân trí