Trái đất chuyển mình: Một lịch sử chưa kể về nhân loại là một trong những cuốn sách lịch sử đồ sộ bao trùm lịch sử trái đất, nhân loại và môi trường, khí hậu trong 4,5 tỷ năm, được viết bởi giáo sư lịch sử toàn cầu tại Đại học Oxford – Peter Frankopan.
Tại Việt Nam, Omega Plus phát hành cuốn sách này, do nhóm dịch giả Nguyễn Linh Chi, Đặng Thị Thái Hà, Hoàng Thảo, Phạm Danh Việt chuyển ngữ.
Tác phẩm thuộc top best-seller (bán chạy nhất), đến nay được bán bản quyền cho 24 quốc gia. Cuốn sách được các tờ báo danh giá như Financial Times, The Times, The Telegraph, The Hindu, The Week... đánh giá là “sách hay nhất mùa hè năm 2023”.
Trong Trái đất chuyển mình: Một lịch sử chưa kể về nhân loại, GS Peter Frankopan chỉ ra rằng môi trường tự nhiên là một yếu tố quan trọng, nếu không muốn nói là yếu tố quyết định, trong lịch sử loài người và của cả lịch sử toàn cầu.
Cuốn sách chứa nhiều tư liệu tranh ảnh phong phú, gồm: 15 bản đồ, 38 tranh ảnh in màu có giá trị, như hình ảnh về công trình định cư quy mô lớn từ 2.500 năm trước – cho thấy con người có khả năng xây dựng thành phố lớn như thế nào…
Với 24 chương tương ứng với 24 giai đoạn, cấu trúc của cuốn sách được chia thành 3 phần chính.
Thứ nhất: Lịch sử loài người và môi trường tự nhiên
Khi kể về lịch sử loài người, Frankopan đã làm nổi bật các yếu tố địa chất, trên vũ trụ và ngầm dưới lòng đất to lớn, đã tạo ra nơi thích hợp để con người tồn tại.
Con người chỉ tồn tại trong một phần nhỏ thời gian của trái đất và sự tồn tại này sẽ không thể xảy ra trước khi những biến đổi lớn xảy ra, bao gồm 5 sự kiện tuyệt chủng hàng loạt và sự thất bại của tất cả loài vượn khác.
Trong phần lớn lịch sử của loài người, bắt đầu từ khoảng 300.000 năm trước, con người chỉ có thể tồn tại trên những phần nhỏ của hành tinh, cũng khó lòng cư trú lâu dài trước áp lực môi trường.
Frankopan chỉ ra sự hưng thịnh của loài người trong 10.000 năm qua chỉ có thể thực hiện được nhờ khí hậu trái đất ổn định ở mức nhiệt độ tạo ra các kiểu thời tiết tương đối ổn định và cho phép trồng trọt ngũ cốc.
Điều này cho phép con người xây dựng các thành phố, buôn bán, xây dựng luật pháp – và đóng thuế, đặt nền móng cho việc ghi lại những suy nghĩ và lịch sử thành văn.
Một đặc điểm nổi bật của cuốn sách là nêu ra ngay từ đầu loài người đã nhận thức rằng cơ may sống sót có mối liên hệ với cách chúng ta đối xử với môi trường tự nhiên.
Thứ hai: Sự trỗi dậy và sụp đổ của các đế chế
Frankopan xuất sắc trong việc sử dụng các trích dẫn và ví dụ súc tích, trải dài từ Nam Mỹ đến Nam Á, Đông Nam Á và Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn là cách ông cho thấy điều kiện khí hậu đã giúp đỡ hoặc cản trở nỗ lực của con người như thế nào.
Ví dụ, ông trích dẫn 300 năm đầu tiên mở rộng của Đế chế La Mã là thời kỳ “mức độ hoạt động núi lửa thấp bất thường, ít hiện tượng thời tiết cực đoan và các kiểu khí hậu có thể dự đoán được”.
Đây cũng là thời kỳ ổn định ở lưu vực Mississippi và ở Trung Mỹ ở Thung lũng Teotihuacan. Nhưng khi thời tiết trở nên lạnh hơn và mùa màng thất bát vào khoảng năm 500 TCN, các đế chế ổn định nhanh chóng gặp rắc rối.
Tác giả không cố gắng coi sự trỗi dậy và sụp đổ của các đế chế là hoàn toàn do điều kiện khí hậu, thay vào đó ông giải thích việc mất mùa nhiều lần, lũ lụt hoặc hạn hán kéo dài đã tạo thêm căng thẳng cho các hệ thống vốn đã bất bình đẳng và phân cấp như thế nào.
Thứ ba: Một bài học mà nhân loại đã lãng quên
Cuốn sách thể hiện một cách rõ ràng tầm quan trọng của các kiểu khí hậu, môi trường và thời tiết trong việc ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử loài người.
Chính tác phẩm đã thành công đưa con người trở lại vị trí của tổ tiên hàng nghìn năm trước, những người biết rằng sự sống còn bấp bênh phụ thuộc vào việc quản lý mối quan hệ với môi trường. Đó là một bài học mà con người dường như đã lãng quên.
Đôi khi chỉ cần một thảm họa thiên nhiên lớn, như thiên thạch va chạm hay đại hồng thủy – những sự kiện có thể đã bị quên lãng trong tâm trí con người, nhưng từng diễn ra suốt thời gian tồn tại của hành tinh – đều có thể biến mọi thứ thành tro bụi.
Thế giới luôn biến chuyển, tiếp nối và thay đổi. Từ vụ nổ Big Bang đến nay, hoạt động của mặt trời, núi lửa phun trào, lũ lụt và hạn hán đã định hình nên lịch sử tự nhiên và lịch sử loài người.
Những cách thức tương tác giữa con người và trái đất đã mang lại những lợi ích to lớn – nhưng thường phải trả giá. Khi con người đối mặt với một tương lai bấp bênh, việc học những bài học từ quá khứ chưa bao giờ quan trọng hơn.
“Trái đất chuyển mình: Một lịch sử chưa kể về nhân loại góp phần khỏa lấp một khoảng trống lớn trong não trạng của nhân loại khi chúng ta tư duy về quá khứ”, Tiến sĩ Vũ Đức Liêm nhận xét.
“Điều gây ấn tượng đối với một người đọc Việt Nam như tôi, là trình độ khoa học tiên tiến được áp dụng vào đây để đưa ra những dẫn liệu cụ thể, có khi khá chi tiết, về nhiệt độ khí quyển và đại dương, thời tiết nóng lạnh, lượng mưa, hạn hán, hoạt động núi lửa, băng hà, cây cỏ, nhân khẩu,… của các khu vực trong mỗi thời kỳ.
Qua đó soi vào lịch sử và thận trọng rút ra kết luận, chứ không phải những nhận xét, giả định, luận thuyết chung chung mà chúng ta vẫn gặp trong việc mô tả lịch sử theo lối mòn quen thuộc”, dịch giả Nguyễn Việt Long chia sẻ.
Peter Frankopan, 52 tuổi, là một nhà sử học, nhà văn người Anh. Ông là giáo sư lịch sử toàn cầu tại Đại học Worcester, Oxford và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Byzantine của Oxford.
Frankopan là một trong những sử gia hàng đầu hiện nay và là chuyên gia thành viên của Hiệp hội Lịch sử Hoàng gia Anh, Hiệp hội Nhân học Hoàng gia Anh.
Hai cuốn sách trước đó của ông – Những con đường tơ lụa: Lịch sử mới của thế giới và Con đường tơ lụa mới: Hiện tại và tương lai của thế giới – đều được độc giả đón nhận và được trao những giải thưởng danh giá.
Văn hóa | Báo Dân trí