Xin chào chị, tháng 8 vừa qua, chị trở về Việt Nam để hát trong liveshow “Mùa thu giấu em”. Chị về đúng vào thời điểm Hà Nội đẹp nhất trong năm. Vậy cảm xúc của chị thế nào về thời điểm này, Hà Nội gợi nhớ cho chị những kỷ niệm nào?
– Đến giờ này, sau khi đã trở lại cuộc sống bận rộn cùng gia đình tại Mỹ, tôi vẫn còn cảm giác lâng lâng, vấn vương nhiều lắm. Tình cảm của khán giả, sự nồng nàn của mùa thu Hà Nội, những thăng hoa âm nhạc của toàn bộ ê kíp trong cả hai đêm quả thật là rất tuyệt vời. Và rất thật lòng là trong tôi chỉ còn những cảm xúc hạnh phúc chứ không còn đau buồn nữa.
Với tôi Hà Nội mùa thu là đẹp nhất, cái nắng của mùa thu hanh vàng một cách kỳ lạ khiến cho người ta cảm thấy bồi hồi và xao xuyến. Làm cho người ta dễ tan chảy.
Mùa đông khiến tôi nhớ kỷ niệm về quê với ông bà, được nằm trên “đệm” bằng rơm, là những buổi tối ấm cúng và trò chuyện vui vẻ bên ông bà, bố mẹ và các cô chú. Là được hít mùi rơm thơm quyện vào trong giấc ngủ…
Được biết ngày xưa, chị cũng nổi tiếng là nghịch ngợm?
– Đúng vậy. Tôi may mắn khi được chào đời trong cái nôi nghệ thuật. Gia đình tôi ngày ấy sống ở khu văn công Mai Dịch, nơi dành cho nghệ sĩ, xung quanh nhà đều là nghệ sĩ từ chèo, tuồng tới nhạc dân tộc, xiếc, múa, điện ảnh… Từ bé tôi đã được nghe trống chèo, nghe cải lương, thuộc làu làu các trích đoạn tuồng, vai diễn nam, vai diễn nữ trong vở tuồng.
Tôi cũng nổi tiếng ăn khỏe, mỗi bữa 6 bát cơm khiến chú thím tôi phải đi vay gạo cho tôi ăn. Và cũng nổi tiếng đầu trò nghịch ngợm, bắt nạt sinh viên từ các trường về học nghệ thuật. Thậm chí tôi còn được phong là tướng ông và chọn một cô bé làm tướng bà, chạy theo sau là đám trẻ con, giống như quân lính, y như trong các vở tuồng hay cải lương, trông rất oai phong lẫm liệt (cười).
Lớn hơn một chút thì nổi tiếng với cách ăn mặc kiểu con trai, áo ba lỗ, quần sooc và vác đàn tam thập lục chẳng giống ai.
Thuộc làu các trích đoạn tuồng nhưng vì sao chị lại chọn con đường âm nhạc mà không phải là diễn viên tuồng giống như bố mình?
– Tôi nghĩ đây là một cái duyên của tôi với âm nhạc. Từ bé tôi được nghe, xem các vở diễn tuồng, được sống trong môi trường nghệ thuật truyền thống, nên tôi rất thích, đam mê với nó, chả thế mà tôi đã đăng ký thi tuyển vào rất nhiều bộ môn khác nhau. Tôi học hát chèo, cải lương, đăng ký học múa, nộp đơn thi tuyển học xiếc.
Năm 12 tuổi tôi đã nộp đơn thi tuyển thử vào trường đào tạo tuồng nhưng bị đánh trượt vì chưa đủ tuổi. Đến 14 tuổi tôi được bố cho đi học đàn tam thập lục và tôi đánh nhuần nhuyễn bài Lưu thuỷ kim tiền.
Nhưng đến năm 16 tuổi, một người chị đến nhà tôi chơi, thấy tôi hát hay nên bảo bố mẹ cho tôi thi vào Nhạc viện. Khi thi vào Nhạc viện Hà Nội (sau này gọi là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) tôi đỗ thủ khoa với số điểm cao nhất. Tôi theo học Nhạc viện từ năm 1990 tới 2000 là tròn 10 năm và chỉ học thanh nhạc. 4 năm đầu trung cấp, tôi học Nhà giáo Ưu tú Mỹ Bình, 2 năm cao đẳng và 4 năm đại học thì được học NSND Lê Dung.
Có vẻ như đợt này chị đang rất nhiều show ở Việt Nam. Vậy chị có ý định ở lại Việt Nam lâu hơn?
– Có chứ, tới đây tôi sẽ ở lại Việt Nam 2 tháng. Ngoài lý do tôi nhận được nhiều lời mời biểu diễn thì tôi thấy việc di chuyển trên máy bay khiến tôi mất nhiều sức khỏe và thời gian hơn.
Hơn nữa bố mẹ tôi cũng đã nhiều tuổi mà năm nào cứ đến Tết âm lịch là bố mẹ tôi lại về Việt Nam ăn Tết. Đặc biệt sau đợt dịch Covid, tôi đã từng tự dặn lòng mình, tôi sẽ luôn ăn Tết cùng bố mẹ và năm nay cũng vậy. Bố mẹ tôi cũng sẽ về Việt Nam ăn Tết nên tôi sẽ ở lại ăn Tết cùng ông bà, sau đó sẽ đưa ông bà sang Mỹ.
Về Việt Nam lâu như vậy, chồng chị có về cùng?
– Tất nhiên rồi. Anh ấy không bao giờ rời tôi nửa bước, tôi đi đâu anh ấy cũng đi cùng. Anh nói với tôi: “Vợ ở đâu anh ở đấy”.
Vậy thì chị quá hạnh phúc rồi, chúc mừng chị đã tìm được bến đỗ, sau những tháng ngày chênh vênh trước đó?
– Tôi may mắn khi chồng cũ hay chồng hiện tại chưa bao giờ xa tôi quá hai tuần. Ngay từ ban đầu khi lấy nhau tôi đã trao đổi thẳng thắn, không được xa nhau quá lâu, dù thế nào.
Tôi nói với anh John Gallander chồng tôi là mỗi buổi sáng sẽ nghĩ ngay đến vợ hoặc chồng và câu đầu tiên nói với nhau sẽ là “Good morning”. Rồi mỗi tối, anh ấy cũng lại có câu chúc vợ ngủ ngon, chồng ngủ trước đây, vợ làm việc nhanh rồi ngủ nhé…Tất nhiên điều này với anh ấy không cần bắt buộc vì đó là thói quen của anh ấy.
Có thể với văn hóa của người Việt Nam đó sẽ là câu khách sáo, lễ tiết không cần thiết của một cặp vợ chồng. Nhưng với người nước ngoài đó lại là nét văn hóa hết sức bình thường, hàng ngày trong đời sống. Ngay cả xin lỗi, cảm ơn của họ cũng luôn sẵn trên môi, được thốt ra nếu như làm phiền một ai đó, hay có hành động bất nhã nào đó kiểu hút thuốc lá chưa đúng nơi, ngồi nhầm ghế…
Ngoài trao đổi thẳng thắn đó, giữa anh và chị còn có thêm giao ước gì nữa?
– Khi tôi gặp anh ấy, là lúc anh 55 tuổi và bây giờ anh đã 58 tuổi, trong 3 năm ở với nhau, cả hai đều gặp biến cố về sức khoẻ. Thực lòng, tôi không muốn chia sẻ thêm về biến cố này của vợ chồng tôi, vì đã chia sẻ khá nhiều trên báo chí. Chỉ biết rằng, vì những điều đó mà tôi nghĩ sức khỏe, thời gian bên nhau mới là điều quý giá. Tôi giao ước với anh, một trong hai người không được làm việc quá nhiều, chiếm thời gian hai vợ chồng ở bên nhau. Chồng tôi đã đồng ý và anh ấy là người thực hiện. Bởi thực tế, đến tuổi này, chồng tôi không cần phải lao lực, ngày đêm vất vả để kiếm tiền. Tôi cũng cảm thấy mình may mắn, khi những chia sẻ của tôi đã được anh ấy hưởng ứng. Tôi được biết, cũng có nhiều người đàn ông đến tuổi đó vẫn muốn thể hiện là một người bận rộn, thành công hơn nữa và điều đấy chắc chắn sẽ khiến thời gian bên vợ, gia đình sẽ không nhiều, tình cảm ít nhiều cũng bị phai nhạt dần.
Thời gian tới về Việt Nam, anh chị có định kết hợp đi du lịch, nghỉ dưỡng ở đâu không?
– Anh John Gallande rất yêu Việt Nam, yêu tất cả những gì thuộc về Việt Nam, từ ẩm thực, con người tới cảnh đẹp, thiên nhiên. Anh ấy từng đi xe máy khắp các cung đường ở Hà Giang.
Anh ấy thuộc bản đồ Việt Nam, có những lúc đi taxi, anh ấy là người chỉ đường đi, trong khi tài xế còn không biết đi phố nào. Ngồi trên máy bay nhìn xuống, anh ấy chỉ vanh vách đây là ở đâu, vùng biển, tỉnh, thành phố nào. Anh có một trí nhớ rất tốt về đường xá.
Gần 30 năm ca hát, chị có định tổ chức một liveshow đánh dấu sự nghiệp của mình?
– Bạn thử nghĩ xem, nói đánh dấu 30 năm sự nghiệp ca hát, có giống cảm giác như đây là show khép lại sự nghiệp, dấu chấm hết cho sự nghiệp? Chỉ nghĩ thế thôi tôi đã thấy sợ rồi. Tôi sẽ không làm, không đánh dấu sự nghiệp bằng một liveshow như vậy. Mặc dù việc tổ chức show đánh dấu như vậy đối với nhiều ca sĩ là chuyện hết sức bình thường, nhưng có lẽ quan điểm của tôi hơi khác. Đến thời điểm này tôi không ham hố phải tạo điều gì đó thật hoành tráng, thật độc đáo, ấn tượng…cũng chẳng nhất thiết phải để tên tuổi nổi tiếng thêm nữa. Tôi muốn hát ở đêm nhạc mà ở đó có những đồng nghiệp, anh em, bạn bè thân thiết. Hát không chỉ thăng hoa trên sân khấu, cảm xúc chạm đến trái tim khán giả mà ở đó mình cảm thấy vui, thấy thỏa mãn được đứng cùng những người mình yêu quý, chứ không phải tổ chức đêm nhạc để rồi chịu những áp lực, những gánh nặng như thời còn trẻ. Không phải là tôi thiếu nhiệt huyết, thiếu đam mê mà đó là khi tôi đã bước qua “cửa tử” thì tôi càng trân trọng những phút vui vui vẻ, quý giá từng giây của hiện tại.
Có lẽ mỗi thời điểm trong cuộc đời con người sẽ có những quan điểm, lo nghĩ khác nhau, với chị có vẻ như cũng không nằm ngoài quy luật này?
– Chính xác. Cuộc sống hiện tại, quan điểm của tôi, nỗi sợ hãi lớn nhất đó là thời gian. Mỗi ngày nhắm mắt trước khi đi ngủ, mở mắt thức dậy, tôi đều nghĩ đến thời gian.
Tôi lo sợ thời gian trôi mỗi giây, mỗi phút. Tôi có cảm giác bây giờ tôi phải chạy “nước rút”, theo kiểu, yêu vội, thương vội. Với bố mẹ tôi cũng vậy, tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian, tạo cơ hội để được ở bên bố mẹ nhiều nhất có thể. Với chồng tôi cũng vậy, tôi không muốn để lãng phí một giây, giờ nào. Bởi chúng tôi đến với nhau muộn màng.
Đối với con tôi cũng vậy. Con trai tôi năm nay 23 tuổi, đang học chuyên ngành âm nhạc ở một trường đại học của Mỹ. Cháu cũng đã lớn, rồi sẽ đến lúc cháu có người yêu, lập gia đình, không thể bên cạnh tôi mỗi ngày nữa. Nghĩ như vậy nên giờ mỗi cuối tuần cháu từ trường về là tôi luôn tranh thủ thời gian ở bên cháu.
Rồi ngay cả chú chó cưng tên Bobby, tôi coi nó là một thành viên trong gia đình, ngày nào tôi cũng ôm ấp, vuốt ve nó, tôi cũng chỉ sợ đến một ngày nào đó không còn được ôm nó vào lòng nữa.
Rất nhiều người nhận xét, Ngọc Anh bây giờ hát đằm hơn. Phải chăng khi đã bước qua thăng trầm của cuộc sống, nếm đủ hỉ, nộ, ái, ố đã tạo nên một Ngọc Anh đầy cảm xúc, tự sự như vậy. Và đó cũng là những điều mà ca sĩ trẻ chưa hát tới được, bởi họ chưa nhiều trải nghiệm?
– Tôi không nghĩ vậy. Tôi thấy các bạn trẻ bây giờ hát rất hay, rất đáng yêu. Với tôi hay nhiều ca sĩ khác, nếu đã có cảm xúc thì dù là ngày xưa hay bây giờ sẽ vẫn có cảm xúc, không cần phải bước qua thăng trầm của cuộc đời mới có được điều đó, đặc biệt với âm nhạc.
Hiện tại, khi không đi biểu diễn tôi vẫn rèn luyện kỹ thuật thanh nhạc. Tôi vẫn dạy học thanh nhạc online, nên tôi vẫn giữ được phong độ, thậm chí còn phát triển hơn nữa.
Còn về mặt cảm xúc, cũng có nhiều lúc tôi cũng tự vấn với mình, phải chăng tôi đã dành tất cả tâm hồn, nhiệt huyết từ ngày đầu bước chân lên sân khấu đến thời điểm hiện tại cho âm nhạc, cho ca hát. Không nghĩ gì khác ngoài âm nhạc, không bận lòng đến tiền nhiều hay ít cho bản thân. Ngay từ đầu cũng đã từ chối trong lĩnh vực kinh doanh, vì vậy điều này cũng không ảnh hưởng đến việc được hay mất nên cảm xúc sẽ mãi giữ được.
Nói thì nói vậy, nhưng dù có giỏi về kỹ thuật thanh nhạc đến đâu, “phù thủy” cảm xúc đến thế nào cũng vẫn là bằng lý trí, nếu ca sĩ không trải qua thăng trầm của cuộc sống, chưa từng bước qua hỉ, nộ, ái, ố trong cuộc đời, cảm xúc sẽ khó để chạm tới trái tim khán giả?
– Điều này chỉ đúng một phần. Nếu như hát đúng với những câu chuyện của chính mình đã trải qua, thì đó là điều không cần phải bàn, cảm xúc chạm tới trái tim khán giả là điều đương nhiên. Tuy nhiên đôi khi ca sĩ chưa từng bước qua nỗi đau, thì phải học cách thấu hiểu nỗi đau, nỗi buồn của tác giả, của nhân vật trong bài hát, thì sẽ có được cảm xúc để hát, để chạm tới trái tim khán giả. Còn nếu chờ đợi nỗi đau của mình đến, cảm nhận rồi mới hát thì tôi e chờ đợi sẽ hơi lâu.
Trước kia, tôi hát những bài hát với câu chuyện đau buồn, tôi vẫn truyền tải được cảm xúc đến với khán giả, ngày đó tôi đâu đã trải qua nỗi đau, mất mát nào lớn đâu. Còn giờ đây khi đã trải qua nỗi đau thì tôi lại không muốn hát, nhắc về sự đau đớn đó nữa. Đặc biệt khi mùa covid vừa qua. Bây giờ khi tôi hát về nỗi đau nhưng là nỗi đau với tinh thần tha thứ và bỏ qua.
Nếu phân tích theo tâm lý học thì có thể hiểu, khi chưa trải qua nỗi đau thì mình lại muốn cảm nhận nỗi đau của người khác xem như thế nào. Nhưng khi mình đau đớn tận cùng rồi mình sẽ không muốn chạm lại, trải qua một lần nữa nỗi đau đớn đó.
Bạn cứ nhìn lại các bài hát mà xem, nỗi đau trong các bài hát được người nhạc sĩ viết lên, nhưng cái đau đó họ vẫn muốn, đau để tha thứ và bỏ qua. Nếu như không tha thứ, không khao khát điều tốt đẹp sau mỗi đổ vỡ thì sẽ không thể có được bài hát hay như vậy.
Vì hướng tới những điều tốt đẹp, nhân văn trong cuộc sống mà người nhạc sĩ đã đặt vào trong bài hát thì nhiệm vụ của ca sĩ là thấu hiểu, cảm nhận để truyền tải cảm xúc đó đến với khán giả.
Đừng để hận thù, đổ vỡ giết chết cảm xúc của mình mà hãy lấy đổ vỡ, mất mát đấy làm liều “doping” để mình chỉ có thể hát hay hơn mà thôi. Nó giống như một chất xúc tác để ca sĩ có thêm cảm xúc, nuôi dưỡng tâm hồn của mình, để mình tiếp tục được yêu, mở ra những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
Thường thì nhắc đến Ngọc Anh sẽ nhắc đến nhạc sĩ Phú Quang và ngược lại, với cuộc trò chuyện này cũng không ngoại lệ. Nhạc sĩ Phú Quang vẫn nổi tiếng là người khó tính, khắt khe với ca sĩ khi hát bài hát của ông. Bản thân nhạc sĩ cũng từng chia sẻ, ông luôn yêu cầu ca sĩ phải hát đúng nốt nhạc, đúng lời trong ca khúc của ông. Một lần ca sĩ Thanh Lam từng thổ lộ, vì hát sai một từ trong bài hát của ông mà bị “giận” mấy tháng không mời hát trong chương trình của ông? Vậy với chị thì sao?
– Cá nhân tôi luôn có quan điểm mà không chỉ riêng nhạc của nhạc sĩ Phú Quang, mà ở bất kỳ nhạc sĩ nào, khi tôi hát tôi luôn tôn trọng tuyệt đối các tác phẩm của họ.
Tôi hát đúng nốt, đúng lời. Có những nhạc sĩ dù đã mất nhưng khi hát nhạc của họ, tôi vẫn gọi cho gia đình, con của họ để xin những văn bản gốc để hát cho đúng. Tôi không thích tam sao thất bản, người này hát sai, người kia hát sai theo.
Còn với nhạc sĩ Phú Quang, ngay từ đầu tôi đã tự đưa ra quy tắc đó cho mình nên khi làm việc cùng chú tôi không thấy chú khó tính và càng không lấy đó làm khó khăn hay vướng mắc. Thậm chí tôi còn cảm thấy đó là điều tốt cho mình. Khi gặp được người khó tính như vậy, sẽ càng làm mình phải nghiêm túc và nâng trình độ chuyên nghiệp hơn.
Nhưng chắc hẳn thời gian đầu khi mới làm việc chung với nhạc sĩ Phú Quang, cũng sẽ có sự vênh nhau ít nhiều giữa chị và nhạc sĩ?
– Một lần duy nhất, giữa tôi và chú Quang có sự vênh nhau này. Khi tôi hát đến câu kết của bài hát, tôi có luyến láy dài hơn một chút, bởi theo cảm xúc tôi hát thiên về Blue Jazz. Nếu như bây giờ, cách luyến này là phổ biến với các bạn trẻ và được cho là luyến như vậy mới không bị nói là hát đơn điệu, nhưng cách đây 10 năm, chú chưa quen và không muốn Tây hóa, nên chú đã không thích cách luyến láy như vậy, ngay lập tức chú nhắc nhở và điều chỉnh cách hát của tôi.
Nhiều người cho rằng, hát nhạc Phú Quang để truyền tải được cảm xúc, sự day dứt có NSND Lê Dung và sau NSND Lê Dung thì chỉ có Ngọc Anh 3A. Chị thấy nhận xét này thế nào?
– Tôi nghĩ có lẽ đó cũng là cái duyên, cái may mắn của tôi khi được học NSND Lê Dung, người rất hiểu âm nhạc chú Phú Quang.
Cô Dung cũng là người tinh tế và có mắt quan sát, đặc biệt là khi yêu, cô yêu hết mình, không tính toán, mưu cầu mục đích nào. Khi yêu là cô chỉ biết có yêu, dành hết tâm trí, sức lực, tâm hồn, cả trái tim cho tình yêu đó.
Và tôi cũng đã học được ít nhiều điều đó ở cô Lê Dung, sự quan sát, một trái tim đủ lớn để hiểu về nỗi đau, sự mất mát, cam chịu mà không chỉ có ở những người phụ nữ mà còn có cả ở những người đàn ông. Trong âm nhạc của chú Phú Quang, vừa có cho đi, có tha thứ, nhận lại, có đau đớn đến tận cùng, có sự khắc khoải, day dứt, nhưng cũng vô cùng hân hoan, đón nhận những đau buồn đó, bởi chỉ để được yêu mà thôi. Và đặc biệt, khi hát tôi cũng dồn hết tâm can, tâm trí và cảm xúc vào từng nốt nhạc, từng câu chữ nên có lẽ vì thế mà đã chạm tới trái tim khán giả, đã phần nào lột tả được tinh thần âm nhạc của chú chăng?
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet