Ngày 3/12, Trung tâm Văn hóa Hà Nội (Sở VH-TT Hà Nội) tổ chức cuộc thi trình diễn di sản văn hóa phi vật thể với chủ đề Người giữ màu dân tộc năm 2023. Cuộc thi có sự tham dự của 16 câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật cơ sở, đội văn nghệ quần chúng đến từ các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội.
Cuộc thi được tổ chức với mong muốn tiếp tục khơi dậy niềm tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc và Thủ đô, tôn vinh các tổ chức, cá nhân đã và đang cống hiến trong công tác bảo tồn, kế thừa phát huy bản sắc văn hóa Việt trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Đồng thời, đây cũng là dịp để động viên, khích lệ phong trào quần chúng, đặc biệt là để thế hệ trẻ tự nguyện tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc và các loại hình nghệ thuật truyền thống của Thủ đô.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Lý Thị Thúy Hạnh, – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hà Nội, Phó Trưởng ban thường trực cuộc thi – cho biết, thực hiện công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003, Trung tâm Văn hóa Hà Nội tổ chức cuộc thi trình diễn di sản văn hóa phi vật thể nhằm góp phần quảng bá, giới thiệu những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
“Sau 3 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 44 video đến từ 35 đơn vị, cá nhân, câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật cơ sở, đội văn nghệ đến từ các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Cuộc thi tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng và đặc biệt là những người đang say mê gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”, bà Hạnh chia sẻ.
Qua vòng sơ khảo, 16 đội được lựa chọn tham gia trình diễn nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc và nghệ thuật truyền thống của Thủ đô như: Hát chầu văn, hát chèo, tuồng, ca trù, hát xẩm, hát dô, chèo tàu, trống quân, múa bài bông, múa rối cạn…
PGS, TS Trần Thị An – Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Hà Nội, Trưởng ban giám khảo – cho rằng, cuộc thi diễn ra sôi nổi với nhiều tiết mục trình diễn đặc sắc, đa dạng về thể loại và phong cách.
Đặc biệt nhiều nghệ nhân cao tuổi, diễn viên quần chúng, các em thiếu nhi, nghệ nhân khiếm thính cũng tham gia trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Điều đó cho thấy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm giữ gìn và phát huy, đó là “dòng chảy” không ngừng nghỉ để lưu giữ nghệ thuật truyền thống.
Tại buổi lễ tổng kết, Ban Tổ chức đã trao 1 giải A, 5 giải B, 10 giải C, 10 giải khuyến khích và 10 giải khuyến khích chuyên đề.
Trong đó, giải A thuộc về Câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống Thanh Xuân – Hát Xẩm, với tác phẩm Tự hào Thăng Long Hà Nội.
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao các giải phụ như giải Cống hiến nghệ nhân cao tuổi, giải Chương trình đầu tư công phu, giải Ca trù triển vọng, giải Phong trào…
Văn hóa | Báo Dân trí