TAND TP.Hà Nội hôm 26/9 xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Đoàn Văn Hiền (SN 1978) án 18 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” theo khoản 1, Điều 304 Bộ luật Hình sự.
Diễn biến tại tòa thể hiện, năm 2023, bị cáo Hiền đang công tác tại Cục Cảnh sát Hình sự – Bộ Công an. Anh ta bị vợ mình làm đơn tố cáo có hành vi đe dọa cô đồng thời tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Từ tố cáo của vợ Hiền, cơ quan chức năng khám xét, phát hiện trong nhà vị sĩ quan công an này có 6 viên đạn cùng 2 “còng số 8” không rõ nguồn gốc. Bị cáo Hiền sau đó giao nộp thêm 4 viên khác.
Súng K54 và đạn bị thu giữ trong một vụ án – Ảnh mang tính minh họa.
Cả 10 viên đạn nói trên được xác định là đạn có thể dùng cho súng ngắn K54 cùng các mẫu tương tự hoặc súng tự chế. Quá trình điều tra, cả 10 viên được mang ra bắn kiểm tra và đều phát nổ nên cơ quan tố tụng xác định đây là vũ khí quân dụng.
Các đơn vị công an nơi bị cáo Hiền từng công tác gồm Công an thị trấn Cầu Diễn (trước năm 2013 thuộc huyện Từ Liêm), Công an các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Trại giam Thanh Xuân và Cục Cảnh sát Hình sự đều khẳng định không phát số đạn trên cho Hiền.
Tại tòa, bị cáo Hiền khai năm 2011, khi làm cảnh sát hình sự tại Công an thị trấn Cầu Diễn, được cấp trên phát súng cùng một số đạn. Do sợ mất, anh ta chỉ “để 1 – 2 viên” trong súng mang bên mình; số đạn còn lại mang về nhà cất giữ.
Sau đó do không dùng đến, Hiền nộp lại súng cho đơn vị nhưng quên không nộp lại số đạn được cất ở nhà. Bị cáo khẳng định mỗi khi nhận bàn giao và trả lại súng đều ký vào sổ sách.
Bị cáo Hiền kêu oan, cho rằng do số đạn được cấp đúng quy định nên anh ta chưa nộp lại sẽ chỉ bị xử lý theo quy định của ngành công an; không phải phạm tội. Hiền cũng băn khoăn tại sao cơ quan tố tụng không làm rõ nguồn gốc 10 viên đạn.
Đại diện viện kiểm sát giải đáp, chỉ có 3 cơ quan phụ trách về vũ khí gồm Cục Quân khí Bộ Quốc phòng; Cục Trang bị và Kho vận và Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an. Viện kiểm sát đã yêu cầu làm rõ nhưng cả 3 cơ quan này đều khẳng định dựa vào ký hiệu trên vỏ đạn, họ không phân phát, quản lý 10 viên đạn bị cáo Hiền tàng trữ.
Ngoài ra, phía điều tra cũng lấy lời khai của những người từng công tác với Hiền ở Công an thị trấn Cầu Diễn, trừ một người đã qua đời. Họ cũng khẳng định không biết hoặc không phát súng đạn cho Hiền.
Kiểm sát viên cho rằng, dù Hiền có thực sự được cấp súng đạn, khi nộp lại súng, anh ta phải nộp lại đạn mới đúng quy định.
“Cấp súng không cấp đạn, cấp làm đồ chơi à? Vậy khi nộp lại súng cũng phải nộp lại đạn, chúng đi kèm với nhau. Tại sao bị cáo nộp súng không nộp đạn mà đến khi bị vợ tố cáo mới nộp? Bị cáo thấy sai không?”, đại diện Viện kiểm sát hỏi.
Đoàn Văn Hiền tiếp tục khẳng định được cấp súng đạn khi công tác ở Cầu Diễn; cho rằng các văn bản trả lời không đúng. Anh ta ví dụ, lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm trả lời cơ quan tố tụng rằng từ 2008 – 2014, chỉ cấp vũ khí cho lãnh đạo, không cấp cho cán bộ, chiến sĩ.
“Vậy cán bộ cả huyện không ai có súng đạn? Không đúng”, Hiền nói và thêm rằng vị lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm ký văn bản trên là người công tác ở nơi khác chuyển đến, không nắm rõ giai đoạn trước.
Phía công tố sau đó luận tội, cho rằng bản thân Hiền là cán bộ lực lượng Công an nhân dân, phải nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc quản lý vũ khí quân dụng; trách nhiệm của công dân là khi phát hiện phải khai báo, giao nộp cho cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, bị cáo có hành vi tàng trữ trái phép 10 viên đạn; việc này xâm phạm quản lý Nhà nước về vũ khí quân dụng, có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng người khác… nên cần nhận án tù.
Tòa án chấp nhận quan điểm của Viện kiểm sát, bác lời kêu oan của Đoàn Văn Hiền và phạt anh ta 18 tháng tù. Về 10 viên đạn của cựu sĩ quan, do đã được bắn hết để kiểm tra, hiện chỉ còn vỏ nên tòa tuyên tiêu hủy số vỏ đạn này.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày