Hoa hậu Phương Lê bị xử phạt vì sửa lời Quốc ca
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 27/8, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TP.HCM phối hợp cùng Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03) – Công an TP.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao đã mời bà Lê Thị Hậu Phương (tức Hoa hậu Phương Lê) lên làm việc về hoạt động cung cấp thông tin trên các tài khoản mạng xã hội của người này.
Theo Sở TTTT TP.HCM, ngày 14/8/2024, bà Lê Thị Hậu Phương tổ chức livestream trên các tài khoản mạng xã hội. Trong buổi livestream, bà đã có hành vi sửa lời Quốc ca (bài Tiến quân ca).
Hoa hậu Phương Lê bị xử phạt vì hai hành vi. Ảnh: NVCC
Tại buổi làm việc, bà Lê Thị Hậu Phương trình bày, do hoàn cảnh thường xuyên bị các anti fan công kích, bà đã có hành động bộc phát tại thời điểm đang livestream. Bà không có suy nghĩ hoặc có ý định từ trước đối với hành vi này.
Nhận thấy việc này là không phù hợp, bà đã gỡ bỏ video và có bài viết xin lỗi vào ngày 16/8/2024. Qua buổi làm việc, các cơ quan chức năng đã xem xét các yếu tố về mục đích, động cơ, nội dung, nhận thức về sai phạm và thái độ của bà Lê Thị Hậu Phương.
Từ đó, thống nhất quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị Hậu Phương về hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Ngoài việc xử phạt hành vi trên Sở TTTT còn xử phạt bà Lê Thị Hậu Phương về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Sở TTTT đã đề nghị bà Lê Thị Hậu Phương nếu tái phạm, hoặc tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính thì sở sẽ phối hợp với Công an thành phố và các cơ quan chức năng, xem xét xử lý tình tiết tăng nặng theo quy định.
Trước đó, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại phần livestream của Hoa hậu Phương Lê chế lời bài hát Quốc ca Việt Nam (Tiến quân ca). Nhiều bình luận bày tỏ sự bức xúc, mong cơ quan chức năng vào cuộc xác minh.
Phương Lê sinh năm 1979, quê ở Trà Vinh. Cô nổi tiếng từ khi đoạt giải Á hậu doanh nhân người Việt thế giới 2016. Năm 2017, Phương Lê giành chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Thế giới.
Ông đánh cháu họ tử vong
Ngày 27/8, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, cho biết đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Hoàng Xuân Nghị (SN 1980, trú khu phố 9, thị trấn Gio Linh) về tội “Cố ý gây thương tích”, quy định tại khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung “làm chết người”.
Bị can Hoàng Xuân Nghị trong vụ án “Ông đánh cháu tử vong ở Quảng Trị”. Ảnh: N.V
Trước đó, khoảng 21h ngày 13/8, Hoàng Xuân Nghị cùng Nguyễn Minh Hải (SN 1980, trú thôn Lại An, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh) và Hoàng Xuân Hậu (SN 1981, trú tại khu phố 8, thị trấn Gio Linh) ngồi ăn nhậu tại nhà của Hoàng Xuân Nghị.
Trong quá trình ăn nhậu, giữa Nghị và Hậu xảy ra mâu thuẫn. Bức xúc vì Hậu có lời nói không tôn trọng mình (về vai vế họ hàng Hậu gọi Nghị bằng ông) nên Nghị dùng tay đấm vào mũi và mắt trái làm Hậu bị ngã đập đầu vào cột bê tông hiên nhà rồi ngã về trước xuống bậc tam cấp ra giữa sân.
Hiện trường vụ án “ông đánh cháu tử vong ở Quảng Trị”. Ảnh: N.V
Sau khi bị đánh, Hậu bị chảy máu rồi tự về nhà thì thấy đau bụng nên đến Trung tâm Y tế huyện Gio Linh khám. Tại đây, Hậu được chẩn đoán chấn thương thận trái, đụng dập mũi, vùng quanh ổ mắt trái và được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.
Đến 21h45 ngày 14/8, Hậu được nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế trong trạng thái bị đa chấn thương, hôn mê. Đến ngày 17/8, Hoàng Xuân Hậu tử vong.
Hiện vụ án “ông đánh cháu tử vong” nêu trên đang được Cơ quan CSĐT Công an huyện Gio Linh tiếp tục điều tra, làm rõ.
Lời khai của nhóm thanh niên chặn đường, đánh khách hát karaoke tử vong
Ngày 27/8, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ án mạng nhóm thanh niên chặn đường, đánh khách hát karaoke tử vong, xảy ra trên địa bàn thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu).
3 đối tượng bị công an triệu tập gồm: L.M.C (SN 2001), L.N.C (SN 2002) và H.A.N (SN 2007, cùng ngụ thị xã Phú Mỹ).
Hiện trường vụ án mạng nhóm thanh niên chặn đường, đánh khách hát karaoke tử vong. Ảnh: A.X
Qua điều tra, khoảng 1h45 ngày 26/8, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận tin báo về việc có vụ đánh nhau dẫn đến chết người.
Ngay sau khi nhận tin báo, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhanh chóng có mặt để điều tra, làm rõ.
Bước đầu, công an xác định, khoảng 14h44 ngày 25/8, anh T.M.H (SN 2000, ngụ tỉnh Đồng Nai) cùng N.H (SN 1993, ngụ tỉnh Đồng Nai) và T.T.K (SN 2002, ngụ thị xã Phú Mỹ) đi vào hát tại quán karaoke T&B trên đường Dương Văn Mạnh, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ.
Đến 0h38 ngày 26/8, cả ba đi về thì anh T.M.H và anh T.T.K bất ngờ bị 2 đối tượng đi xe máy chặn đánh. Anh K bỏ chạy, riêng anh H bị đánh và tử vong tại hiện trường.
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh đã tích cực rà soát và làm việc với 3 đối tượng gồm M.C, N.C và N.
Tại cơ quan công an, cả 3 khai nhận do ghen tuông, nghĩ bạn gái mình tiếp khách hát karaoke nên đã bàn nhau chặn đường, dùng hung khí đánh những người khách hát karaoke, gây ra vụ án mạng trên.
Bắt đội dân phòng thu tiền “bảo kê” tại cảng cá
Sáng 27/8, nguồn tin Dân Việt cho biết, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Thuận vừa thực hiện lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Đào Văn Thăng (SN 1968), Đỗ Vàng (SN 1987) cùng ở phường Đông Hải, Đỗ Văn Dự (SN 1992), Đào Văn Ly (SN 1992) cùng ở phường Mỹ Đông, thuộc TP.Phan Rang – Tháp Chàm) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Trước đó, vào ngày 23/8, lực lượng trinh sát của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Ninh Thuận bắt quả tang Đỗ Văn Dự đang đi thu tiền trái quy định pháp luật ở cảng cá Đông Hải. Khám xét nơi ở của Dự, công an thu giữ nhiều cuốn sổ ghi chép việc thu tiền tại cảng cá Đông Hải.
Đối tượng Dự khai nhận hiện đang là thành viên của Đội dân phòng phường Đông Hải. Từ giữa năm 2021 đến nay, Đào Văn Thăng, Đội trưởng Đội dân phòng phường Đông Hải và con trai là Đào Văn Ly đã giao cho Dự và Đỗ Vàng đi thu tiền bốc vác cá của các ghe tàu, chủ vựa, chủ xe và những người buôn bán cá trong cảng cá Đông Hải.
Giá thu tiền dao động từ 20.000 – 300.000 đồng/người/ngày, hoặc từ 3 – 7 triệu đồng/xe/năm. Nếu các chủ ghe tàu, chủ vựa, chủ xe không đóng tiền thì các nghi phạm đến chửi bới, đe dọa không cho buôn bán tại khu vực cảng cá Đông Hải.
Số tiền thu được, các nghi phạm giao cho Đào Văn Thăng giữ và chia tiền hằng ngày cho cả nhóm.
Hiện, Cơ quan CSĐT Công an Ninh Thuận tiếp tục điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu điều tra bổ sung vụ cựu Cục phó Văn phòng Quốc hội lừa đảo
Ngày 27/8, TAND TP.Hà Nội xét xử đối với Đỗ Minh Tâm (SN 1977), cựu Cục phó Cục Quản trị 1, Văn phòng Quốc hội và Nguyễn Thế Phùng (SN 1987), lao động tự do, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, do vụ án vắng mặt nhiều người liên quan nên phải hoãn xét xử. Đồng thời, tòa án cũng trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung một số tình tiết.
Theo hồ sơ, ông Pheutsapha Phoummask (tên Việt Nam là Pha) giữ chức Chủ tịch Công ty Asia Investment, trụ sở tại Viêng Chăn (Công ty AIDC). Năm 2019, ông Pha muốn xây dựng một tòa nhà hữu nghị Việt – Lào ở Hà Nội.
Qua các mối quan hệ, bị can Đỗ Minh Tâm gặp ông Pha, cho hay quen biết lãnh đạo Hà Nội nên có thể giúp ông được cấp đất, xây nhà. Bị can sau đó đưa doanh nhân người Lào đến khu vực gần tòa nhà Keangnam, chỉ vào 2 khu đất, mỗi khu rộng khoảng 1ha.
Khi đó, bị can Tâm nói sẽ giúp ông Pha mua được 2 mảnh đất này để xây tòa nhà hữu nghị kiêm văn phòng cho thuê, làm “biểu tượng hữu nghị Việt – Lào”. Nhằm khiến nạn nhân tin tưởng, Cục phó còn đưa nạn nhân vào Văn phòng Quốc hội, nơi bị can này làm việc.
Bị can Tâm yêu cầu nếu ông Pha muốn được cấp đất, cần chi 6% tổng đầu tư dự án, đưa trước 1,8 triệu USD. Việc đưa tiền sẽ qua bị can Nguyễn Thế Phùng vì Tâm làm việc cho cơ quan nhà nước, không thể đứng ra nhận.
Tin tưởng, doanh nhân người Lào tìm gặp người quen, vay 1,8 triệu USD (hơn 41 tỷ đồng) rồi yêu cầu nhân viên của mình đưa tiền cho Phùng trong 6 lần, mỗi lần 300.000 USD. Mỗi khi đưa tiền, phía ông Pha đều thông báo cho Tâm.
Sau đó, do không thấy cơ quan chức năng Hà Nội làm việc, cấp giấy phép xây dựng tại các khu đất gần Keangnam, ông Pha đòi tiền và chỉ được trả 130.000 USD. Năm 2022, doanh nhân người Lào tố cáo vụ việc ra công an và đến nay đã được các bị can hoàn trả đủ 1,8 triệu USD.
Ngoài vụ án trên, Đỗ Minh Tâm còn lừa đảo “chạy án” cho 2 người bị bắt. Cụ thể, năm 2021, một phụ nữ có người thân bị Công an quận Đống Đa, TP.Hà Nội bắt vì cướp tài sản nên gọi điện thoại, nhờ Tâm giúp họ được tại ngoại.
Bị cáo Tâm yêu cầu chị gặp bị can Nguyễn Thế Phùng để được hướng dẫn. Gặp nhau, Phùng nói có thể giúp 2 người quen của nạn nhân được tại ngoại trong 3 ngày. Tuy nhiên, khi chị chuyển 2,7 tỷ đồng, các bị can không “xin” được cho ai tại ngoại.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày