Ngày 4/8, đại tá Nguyễn Tấn Vũ – Trưởng Công an TP. Bảo Lộc, cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 14 đối tượng để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến vụ lừa bán tiền giả qua mạng xã hội mới được triệt phá.
Trong đó, Công an TP. Bảo Lộc còn khởi tố 5 đối tượng cầm đầu trong vụ án trên là Phạm Minh Thành (26 tuổi, ngụ tại phường 1, TP. Bảo Lộc), Trần Hoài Tiến (32 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Hoài Tâm (24 tuổi, ngụ tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm), Nguyễn Hữu Nghĩa (34 tuổi, ngụ tại phường Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc) và Tô Hoàng Bảo Thuy (24 tuổi, ngụ tại xã Lộc Nga, TP.Bảo Lộc) để điều tra về tội “Tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
4 đối tượng tại một tụ điểm bị Công an TP. Bảo Lộc đột kích trong vụ lừa bán tiền giả qua mạng xã hội.
Cụ thể, qua công tác trinh sát, nắm tình hình cùng các thông tin tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân về việc một nhóm đối tượng có hành vi quảng cáo bán tiền giả trên mạng xã hội facebook, Công an TP. Bảo Lộc đã vào cuộc xác minh, làm rõ các thông tin liên quan.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ cùng các chứng cứ đã thu được, ngày 27/4, lực lượng Công an TP. Bảo Lộc đã đồng loạt tấn công vào 4 tụ điểm của đường dây lừa đảo này tại các căn nhà cho thuê trên đường Phan Đình Giót (Phường 1), Trần Quốc Toản (phường B’Lao), Trần Phú (phường Lộc Sơn) và thôn Tân Hóa 1 (xã Lộc Nga).
Quá trình khám xét 4 tụ điểm trên, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều tang vật liên quan như 1 xe ô tô, 1 xe máy, 15 bộ máy tính để bàn, 10 thẻ ATM và visa, 19 điện thoại di động, 8 sim điện thoại; cùng nhiều bao tải bên trong chứa nhiều giấy ghi tiền âm phủ mệnh giá 200.000đ và nhiều hộp giấy bên trong chứa các loại hạt khử mùi, xi măng đã được đóng gói dán tiền âm phủ.
Theo điều tra của cơ quan công an, nhóm đối tượng trên đã tạo các tài khoản facebook ảo rồi thuê chạy quảng cáo trên không gian mạng để đăng bài, tìm người cần mua tiền giả để thực hiện hành vi lừa đảo.
Khi có đơn hàng, nhóm đối tượng trên không giao tiền giả theo đơn hàng mà chỉ đóng gói các vật dụng như bột khử mùi, bột xi măng… Các đơn hàng trên được chuyển bằng dịch vụ chuyển phát nhanh nhưng không được kiểm tra hàng trước khi nhận.
Qua thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2024, đường dây này đã giao thành công hơn 23.000 đơn hàng trong cả nước và chiếm đoạt số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Mệnh giá tiền thật được quy đổi qua giao dịch mua và bán tiền giả của các đối tượng là: 200.000đ tiền thật = 5 triệu đồng tiền giả; 250.000đ tiền thật = 10 triệu đồng tiền giả; 300.000đ tiền thật = 15 triệu đồng tiền giả; 400.000 đ tiền thật = 16 triệu đồng tiền giả và 450.000đ tiền thật = 22 triệu đồng tiền giả. Khi đặt mua tiền giả, khách hàng không cần đặt cọc tiền, mà chỉ cần cung cấp số điện thoại và địa chỉ nhận hàng.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày