Ngày 29/7, TAND TP.HCM tiếp tục mở lại phiên tòa xét xử 254 bị cáo là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và nhiều cán bộ khác trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm tại TP.HCM và các địa phương khác.
Cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm tóc bạc trắng hầu tòa
Sáng 18/7, hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà, Trần Kỳ Hình cùng 252 bị cáo trong đại án đăng kiểm được lực lượng chức năng áp giải đến phiên tòa.
Khác với hình ảnh thời điểm bị bắt hồi tháng 1 năm ngoái, ông Đặng Việt Hà đến tòa với hình ảnh tóc đã bạc trắng đầu. Khi vào phòng xét xử, trước ống kính phóng viên, ông Hà ngồi thẳng ngay ngắn, nhìn thẳng.
Một bị cáo khác trong vụ án là Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới – VAR). Bị bắt cùng thời điểm với ông Hà, Trần Anh Quân cũng xuất hiện tại tòa với mái tóc bạc trắng. Trước ống kính phóng viên, ông Quân đặt tay trước đùi, mắt nhắm, môi bặm lại.
Tại vụ án này, do số lượng bị cáo rất đông (254 bị cáo) nên HĐXX sẽ xét xử theo từng nhóm. Theo đó, các nhóm bị cáo gồm: Nhóm lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR); nhóm bị cáo 3 trung tâm đăng kiểm gồm 62-03D, 71-02D, 83-02D do bị cáo Trần Lập Nghĩa làm chủ và nhóm bị cáo tại hai trung tâm đăng kiểm 50-03V và 50-05V. Sau 5 ngày xét xử từ 18/7, HĐXX đã xét hỏi được 61/254 bị cáo.
Tiền nhận hối lộ không thể coi là tiền khắc phục hậu quả
Tại phần xét hỏi, bị cáo Đặng Việt Hà bước lên bục trả lời từng là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ 8/2021 cho đến khi vụ án bị phát hiện, thay thế cho bị cáo Trần Kỳ Hình. Ông Hà đồng tình cáo trạng của VKS truy tố.
Tuy nhiên, ông Hà phân trần việc phải chịu trách nhiệm nhận chung về số tiền hơn 40 tỷ đồng tại Cục Đăng kiểm Việt Nam là không đúng. Bị cáo Hà không thừa nhận việc chỉ đạo các bị cáo về các hành vi nhận hối lộ, cũng không đưa ra mức hưởng lợi cụ thể trong vụ án này. Ông Hà chỉ thừa nhận việc nhận hối lộ số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Trước câu hỏi của HĐXX về việc lấy ở đâu ra số tiền trên, ông Hà nói số tiền này do Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới – VAR) hối lộ mà có.
“Ngoài số tiền 5 tỷ đồng, bị cáo đã khắc phục thêm 8,55 tỷ đồng”, Cựu Cục trưởng Hà cho biết.
Tuy nhiên, HĐXX xác định số tiền 5 tỷ đồng (bao gồm cả 100.000 USD mà ông Hà đưa cho Chung để chạy tội) là tiền phạm tội mà có. Bị cáo Hà dùng tiền đó để chạy tội và nộp lại, nên tiền đó sẽ phải sung công quỹ, do đó không thể coi là tiền khắc phục hậu quả.
Cả 2 cựu cục trưởng đều thừa nhận có nhận hối lộ
Tại phần xét hỏi của HĐXX, ông Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà đều thừa nhận có nhận có nhận hối lộ. Bị cáo Hình thừa nhận việc bị VKS truy tố tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là chính xác.
“Trong thời gian làm Cục trưởng, bị cáo đã nhận số tiền hơn 7,1 tỷ là đúng không?”, HĐXX hỏi. Ông Hình trả lời bị cáo nhận hối lộ là đúng, nhưng bị cáo chỉ nhận số tiền như đã khai với cơ quan điều tra là 2,85 tỷ đồng và 12.000 USD. Ông Hình cho biết, mình không nhận trách nhiệm về phần trách nhiệm chung của Cục Đăng kiểm mà chỉ nhận trách nhiệm về hành vi nhận hối lộ riêng. Ông cho biết đã vận động gia đình khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận là 2,85 tỷ đồng và 12.000 USD.
Tương tự người tiền nhiệm của mình, cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà thừa nhận đã hưởng lợi 8,55 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo này cũng không đồng ý việc bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm về toàn bộ tiền nhận hối lộ là hơn 40 tỷ đồng. Về số tiền khắc phục, gia đình bị cáo Hà đã nộp 3 lần, tổng cộng 5,85 tỷ đồng.
Cựu quyền Trưởng phòng VAR Trần Anh Quân không đồng ý phải chịu trách nhiệm chung hơn 60 tỷ đồng tiền nhận hối lộ xảy ra tại Phòng VAR. Gia đình bị cáo Quân đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ hơn 11,7 tỷ đồng.
Mâu thuẫn giữa lời khai của cựu Cục trưởng và Quyền Trưởng phòng VAR
Cáo trạng thể hiện, sau khi cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình về hưu, ông Đặng Việt Hà là người kế nhiệm đã đưa ra chủ trương đảm bảo cho Hà mức cao nhất.
Trình bày tại tòa, bị cáo Hà nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu và nhận trách nhiệm với số tiền hưởng lợi hơn 8,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, về trách nhiệm chung số tiền nhận hối lộ hơn 40 tỷ đồng, ông không thừa nhận với lý do mình không chỉ đạo cấp dưới nhận hối lộ.
Về mức nhận hối lộ 400.000 đồng/hồ sơ thẩm định của Phòng VAR, bị cáo Hà trình bày, từ khi giữ chức Cục trưởng, bị cáo có làm việc với Phòng VAR có trưởng phòng và các cấp phó. Bị cáo chỉ nói bản thân Cục trưởng là người đứng đầu, nên chịu trách nhiệm toàn bộ các hoạt động của Cục (nhất là vấn đề phòng, chống tham nhũng). Ông này không đòi hỏi cũng không đưa ra một mức nào về quyền lợi.
Trái ngược với lời khai trên, bị cáo Trần Anh Quân (cựu quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới) – VAR) cho rằng, việc nhận tiền không có quy định mà theo “lối mòn” từ trước. Còn sau đó, khi họp với ông Đặng Việt Hà, bị cáo này mới bàn và đưa ra mức như trong cáo trạng đã nêu.
Bị cáo Quân nói không tiếp xúc với doanh nghiệp cũng như những người đưa tiền của doanh nghiệp. Bị cáo chỉ nhận tiền từ các đăng kiểm viên là người thực hiện thẩm định và cũng không hứa hẹn gì, việc đưa tiền là tự nguyện.
Trước chi tiết ông Đặng Việt Hà chỉ đạo phải đảm bảo lợi ích của bị cáo Hà là cao nhất, ông Quân khai cuộc họp với ông Hà có 2 Phó phòng VAR biết, còn cuộc họp tại phòng thì anh em ngồi nói chuyện với nhau chứ không có sổ sách ghi chép gì.
Mức tiền 400.000 đồng/hồ sơ để đưa cho bị cáo Hà là trên tinh thần cuộc họp mà bị cáo Hà chỉ đạo, sau đó phòng VAR đã họp và anh em phòng VAR tự xác định vì đó là mức độ cao nhất.
“Trùm” đăng kiểm miền Tây chỉ đạo giả chữ ký đăng kiểm viên
Tại phần xét hỏi, bị cáo Trần Lập Nghĩa (Giám đốc, là chủ 5 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng… 62-03D, 71-02D, 83-02D, 66-02D, 84-02D) khai giám đốc của 5 trung tâm đăng kiểm bị truy tố về các tội nhận hối lộ, giả mạo trong công tác và xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.
Theo cáo trạng, quá trình hoạt động, vì hưởng lợi, ông Nghĩa đã chỉ đạo nhân viên thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật. Ông này chỉ đạo đăng kiểm viên và nhân viên tại các trung tâm đăng kiểm nhận tiền hối lộ của chủ phương tiện, cò môi giới để bỏ lỗi cho phương tiện trong quá trình kiểm định.
Do các trung tâm đăng kiểm đều thiếu đăng kiểm viên, đăng kiểm viên bậc cao nên ông Nghĩa chỉ đạo lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên tại các trung tâm ký giả chữ ký của đăng kiểm viên, mặc đồ đóng giả đăng kiểm viên để trực tiếp kiểm định phương tiện và đối phó với sự kiểm tra của Cục Đăng kiểm và cơ quan chức năng khác.
Ngoài ra, ông Nghĩa còn phải chịu trách nhiệm chính đối với hành vi sử dụng phần mềm xâm nhập thay đổi, làm giả kết quả vòng quay động cơ, thời gian gia tốc… để điều chỉnh kết quả của 678 phương tiện đăng kiểm tại Trung tâm 71-02D.
Tại tòa, ông Nghĩa thừa nhận hành vi như cáo trạng nêu. Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng số tiền hưởng lợi trong hành vi giả mạo trong công tác là không đúng vì số lượng phương tiện không nhiều như vậy. Nhưng khi HĐXX hỏi có gì phản bác lại cáo buộc trên, ông này không trả lời được.
Các bị cáo khác thuộc nhóm trung tâm của ông Trần Lập Nghĩa thừa nhận hành vi như cáo trạng.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày