Mang tiền giả từ Sài Gòn ra Phan Thiết tiêu thụ
Theo Công an tỉnh Bình Thuận, trước đó vào trưa 6/11/2023, tại cửa hàng tạp hóa của chị H. tại khu vực ngã tư đường ĐT715 thuộc thôn Thiện Sơn, xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết bất ngờ xuất hiện một đôi nam nữ điều khiển xe môtô hiệu Honda Vario màu xanh đen, biển số 86C1 – 938.59, hỏi mua 1 gói thuốc lá 555 với giá 35.000 đồng.
Sau đó hai đối tượng này thanh toán số tiền 505.000 đồng (gồm 1 tờ 500.000 đồng và 1 tờ 5.000 đồng). Sau khi nhận gói thuốc và 470.000 đồng tiền thối lại do chị H. đưa thì đôi nam nữ rời đi. Sau đó, chị H. nghi ngờ nên kiểm tra thì phát hiện tờ 500.000 đồng trên là giả, nến đến Công an xã Thiện Nghiệp trình báo.
Nhận được tin báo, lực lượng công an đã khẩn trương tiến hành truy xét, đến khoảng 22 giờ 10 phút cùng ngày, công an đã bắt quả tang 2 đối tượng là Trần Đình Hưng ( SN 1995, trú tại khu phố 3, phường Tân Hưng Thuận, Quận 12, TP.HCM) và Cung Đức Vy ( SN 1990, trú tại, phường 11, quận 3, TP.HCM) tại một căn hộ của Chung cư Ocean Vista thuộc khu phố 5, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết. Tại đây, công an thu giữ 13 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng.
Qua điều tra, các cơ quan tố tụng xác định, vào ngày 4/11/2023, Hưng mang theo 30 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng cùng Vy đi từ TP.HCM đến TP. Phan Thiết(Bình Thuận) với mục đích dùng tiền này lưu hành. Khi đến Phan Thiết, Vy và Hưng thuê xe mô tô để di chuyển và tiêu thụ tiền giả.
Chiều tối ngày 5/11/2023 đến trưa ngày 6/11/2023, Hưng đã chở Vy đến các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố Phan Thiết để lưu hành tiền giả bằng cách mua thuốc lá 555 và sử dụng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng để đổi lấy tiền thật. Hai đối tượng sau đó đã sử dụng tiền thật đổi ra được để chi trả cho các dịch vụ ăn uống, du lịch tại TP. Phan Thiết.
Công an nêu cách phân biệt tiền giả
Đến nay, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành điều tra, xác minh, xử lý các đồ vật tài liệu liên quan đề nghị truy tố, xử lý đối với 2 đối tượng nêu trên theo quy định tại khoản 2, Điều 207 Bộ luật hình sự hiện hành.
Từ vụ việc trên, Cơ quan An ninh điều tra khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác khi giao dịch, mua bán bằng tiền mặt.
Các đối tượng lưu hành tiền giả thường sử dụng thủ đoạn dùng tiền giả mệnh giá cao thanh toán các hàng hóa mệnh giá thấp để được trả lại tiền thật; lợi dụng khoảng thời gian lúc chập choạng tối, hoặc tờ mờ sáng, nơi không đủ ánh sáng để quan sát, kiểm tra tờ tiền…
Các đối tượng này nhắm vào những người buôn bán nhỏ, người già, người bán hàng đang bận rộn, mất cảnh giác, các điểm bán tạp hóa, hàng rong nhỏ lẻ ven đường…
Có nhiều cách để phân biệt tiền thật, tiền giả, một trong những cách thủ công đơn giản nhất là dùng tay bóp chặt tờ tiền rồi thả ra. Đối với tiền thật, khi thả ra thì tờ tiền không bị nhăn, bằng phẳng trở lại như ban đầu; đối với tiền giả, khi bóp rồi thả ra thì giống như một tờ giấy bị bóp nhàu nát, không có sự đàn hồi.
Cách thứ hai, người dân có thể dùng tay kiểm tra các chi tiết in nổi trên tờ tiền như dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Quốc huy, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và số mệnh giá. Ở tiền thật thì khi vuốt lên các chi tiết này có cảm giác nhám, ráp, còn đối với tiền giả thì khi vuốt có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp…
Trường hợp phát hiện đối tượng nghi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì người dân nên báo Cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp xử lý.
Khởi tố nhiều vụ án liên quan đến lưu hành tiền giả
Theo Công an tỉnh Bình Thuận, chỉ trong 5 tháng vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã thụ lý điều tra và khởi tố 4 vụ án liên quan đến tiền giả. Điều này cho thấy loại tội phạm này đang diễn biến phức tạp, người dân cần nâng cao cảnh giác.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã thụ lý điều tra, khởi tố 4 vụ án với 11 bị can về tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả”.
Cơ quan công an đã thu giữ 276.700.000 đồng tiền giả. Gần đây nhất, vào ngày 1/3, tại thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, lực lượng công an đã bắt quả tang đối tượng Trương Ngọc Minh đang tàng trữ 71 tờ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng.
Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thường là người lao động tự do hoặc không có nghề nghiệp ổn định, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Thông qua mạng internet, các đối tượng đã đặt mua các loại tiền giả mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng rồi mang đi tiêu thụ.
Thủ đoạn phổ biến các đối tượng thường sử dụng là dùng tiền giả mệnh giá lớn mua hàng hóa giá trị nhỏ như nước giải khát, thuốc lá, vé số… để được thối lại bằng tiền thật hoặc để tiền giả xen lẫn với tiền thật khi mua hàng nhằm tránh bị phát hiện.
Tin tức An ninh Xã hội tổng hợp mới nhất trong ngày