Khởi tố vụ cháy khiến 14 người tử vong ở Trung Kính, Hà Nội
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 25/5, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, theo Điều 313 Bộ luật Hình sự để điều tra, làm rõ hành vi của các bên liên quan đến vụ cháy nhà trọ ở số 1, hẻm 31, ngách 98, đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, khiến 14 người tử vong.
Vụ cháy ngôi nhà ở phố Trung Kính làm 14 người tử vong. Ảnh: X.H
Theo đó, cơ quan công an sẽ xác minh 2 nội dung, xem xét trách nhiệm của chủ nhà cho thuê trọ tại phường Trung Kính, Hà Nội và trách nhiệm của nhóm quản lý nhà nước để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội tiếp tục điều tra mở rộng để làm rõ toàn bộ nội dung vụ án.
Trước đó, 0h46 ngày 24/5 tại nhà trọ ở địa chỉ trên xảy ra cháy. Vụ hỏa hoạn khiến 14 người tử vong. Trong số này, có 2 nạn nhân trong gia đình chủ nhà, 12 nạn nhân còn lại là người thuê trọ. Hiện, toàn bộ nạn nhân đã được bàn giao cho gia đình để an táng.
Chính quyền địa phương đã thực hiện hỗ trợ cho gia đình những nạn nhân tử vong 75 triệu đồng. Những người bị thương được hỗ trợ 43 triệu đồng.
Trước đó, ngôi nhà xảy ra cháy đã từng bị chính quyền địa phương kiểm tra nhiều lần, lần gần nhất là tháng 3. Chính quyền đã từng khuyến cáo khu nhà chưa đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Theo Bộ Công an, ngôi nhà xảy ra cháy là nhà ở gia đình và cho thuê để ở, cách mặt phố Trung Kính khoảng 200m. Quy mô nhà gồm một nhà 2 tầng, một tum bố trí sân phơi thoáng; một dãy nhà 3 tầng, mỗi tầng 4 phòng, hành lang hở phía trước.
Nhà được xây dựng với diện tích khoảng 150m2, trên tổng diện tích khu đất là 205m2. Phần diện tích còn lại được bố trí để xe máy, xe đạp, xe đạp điện. Gia đình chủ nhà có 7 người và 17 người khác đăng ký thuê ở. Thành viên gia đình đã tham gia lớp tuyên truyền, tập huấn về PCCC và CHCN do khu dân cư, tổ dân phố tổ chức.
Tòa phúc thẩm giảm án cho “siêu lừa” Hà Thành, buộc ngân hàng trả lại người liên quan 70 tỷ đồng
Ngày 25/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án phúc thẩm với Nguyễn Thị Hà Thành trong vụ án câu kết 17 cán bộ ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt 433 tỷ đồng.
Bị cáo Hà Thành bị cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, được cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo do ăn năn, thành khẩn, được chị gái nộp thêm 50 triệu đồng khắc phục hậu quả, là mẹ đơn thân nuôi 3 con nhỏ, một con mắc bệnh hiểm nghèo.
HĐXX cũng ghi nhận bị cáo tích cực đề nghị xử lý 26% cổ phần của mình tại Công ty MHD để có thêm tiền nộp khắc phục hậu quả. Do vậy, cấp phúc thẩm giảm cho Hà Thành xuống còn 20 năm tù.
Ngoài ra, tòa cũng chấp nhận kháng cáo của tất cả các bị cáo còn lại, giảm mỗi người 9 tháng đến 3 năm tù.
Với đồng phạm của Hà Thành là bị cáo Nguyễn Thanh Tùng, bị cấp sơ thẩm phạt 18 năm tù và không kháng cáo nhưng được cấp phúc thẩm ghi nhận tự nguyện dùng toàn bộ cổ phần tại MHD để khắc phụ hậu quả nên giảm cho 2 năm, xuống còn 16 năm tù.
Lừa đảo 433 tỷ đồng, Nguyễn Thị Hà Thành được giảm án xuống 20 năm tù.
Về dân sự, tòa chấp nhận kháng cáo của bà Trang, vợ đại gia Đặng Nghĩa Toàn trong vụ án, tuyên các sổ tiết kiệm đứng tên chị Trang tại các ngân hàng NCB và PVCombank là đúng quy định; chị Trang không liên quan đến Hà Thành và các cán bộ ngân hàng có sai phạm.
Do vậy, cấp phúc thẩm tuyên buộc NCB và PVCombank chấm dứt hành vi phong tỏa và trả lại 4 sổ tiết kiệm cho chị Trang, tổng trị giá 70 tỷ đồng.
Quá trình xét xử, xuất hiện doanh nghiệp đến thương lượng với các bị cáo Hà Thành, Thanh Tùng để mua lại cổ phần Công ty MHD của họ, giúp có tiền khắc phục hậu quả vụ án. Dù được HĐXX tạo điều kiện cho tiếp xúc, trao đổi nhưng các bên không chuyển nhượng được cho nhau.
Theo án sơ thẩm, từ năm 2016, Thành cùng Nguyễn Thanh Tùng sử dụng Công ty Jeongho để lập khống hồ sơ năng lực phục vụ vay tiền. Thành sau đó cầm sổ tiết kiệm của người cho vay làm tài sản đảm bảo và giả chữ ký để làm thủ tục vay tiền ngân hàng.
Thành còn vay tiền của một số người khác bằng hình thức cùng gửi tiết kiệm đồng sở hữu vào ngân hàng rồi thỏa thuận với nhân viên ngân hàng về việc phát hành thêm hợp đồng tiền gửi, bên cạnh sổ tiết kiệm. Với hợp đồng tiền gửi, Thành đưa cho người đồng sử hữu, còn mình dùng sổ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo để đáo hạn ngân hàng.
Từ tháng 6/2018 đến 11/2018, Thành mất khả năng thanh toán các khoản nợ nên cùng một số người nhiều lần dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của ba ngân hàng và các cá nhân.
Tổng cộng, Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm lừa đảo hơn 433 tỷ đồng, gồm của ngân hàng Quốc Dân (NCB) 47,5 tỷ đồng; của PVCombank 49,4 tỷ đồng; của ngân hàng Việt Á hơn 273 tỷ đồng và 4 cá nhân khác 63 tỷ đồng.
Tạm giữ đối tượng đâm xe vào tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn làm 1 cảnh sát giao thông nhập viện
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 25/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương cho biết, đã quyết định tạm giữ hình sự đối với Đinh Ngọc Hai, sinh năm 1990, trú tại thôn Đình, xã Thái Tân, huyện Nam Sách về hành vi lái xe đâm thẳng vào lực lượng kiểm tra nồng độ cồn, làm 1 cảnh sát giao thông bị ngã ra đường.
Trước đó, vào hồi 20 giờ 20 phút ngày 24/5, Tổ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, chất ma túy của Công an huyện Nam Sách làm nhiệm vụ tại đường Trần Phú, thuộc địa phận khu Mạc Thị Bưởi (thị trấn Nam Sách) đã ra tín hiệu dừng xe mô tô BKS 34B2-106.44 do Đinh Ngọc Hai lái để kiểm tra.
Đinh Ngọc Hai đã không chấp hành hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn, mà tiếp tục lái xe đâm thẳng vào Tổ công tác đang làm nhiệm vụ. Cú đâm xe đã làm Thượng úy Trần Văn Đoàn, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông – trật tự bị ngã ra đường.
Tổ công tác đã kịp thời khống chế đối tượng Hai, lập biên bản đưa về Công an huyện làm việc. Qua kiểm tra nồng độ cồn đối với Đinh Ngọc Hai cho kết quả là 0,605mg/l khí thở. Vụ việc đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Sách tiếp tục củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý theo quy định.
Còn Thượng úy Trần Văn Đoàn cũng đã được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Hiện tình trạng sức khỏe của Thượng uý Đoàn đã ổn định.
Phá đường dây làm giả con dấu, tài liệu thu lời bất chính hơn 100 tỷ đồng
Ngày 25/5, thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Nam cho biết đã kết thúc điều tra giai đoạn 1 vụ án sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức có quy mô đặc biệt lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Nam và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Cơ quan công an xác định, trong 6 tháng (từ tháng 6/2023 đến tháng 12/2023), nhóm đối tượng do Nguyễn Thành Thái (sinh năm 1991), trú ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và Trần Xuân Hiển (sinh năm 1991), trú ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cầm đầu đã tổ chức sản xuất, làm giả trên 50.000 giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức gồm: Giấy phép lái xe các loại, giấy tờ khám sức khỏe, chứng chỉ nghề, bằng cấp các loại… và thông qua các bưu điện trên địa bàn thành phố Hà Nội chuyển đi 62 tỉnh thành trên toàn quốc cho các khách hàng đặt mua, với tổng số tiền thu lời bất chính khoảng hơn 100 tỷ đồng.
Xét thấy tính chất đặc biệt nghiêm trọng, mức độ, quy mô sản xuất và mua bán của nhóm đối tượng này rất lớn, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự điều tra làm rõ.
Trước đó, Nguyễn Thành Thái và Trần Xuân Hiển là đối tượng cầm đầu đã cùng nhau bàn bạc, thống nhất mua máy móc, thiết bị phục vụ việc làm giả con dấu, tài liệu và lôi kéo các đối tượng khác đăng thông tin quảng cáo trên mạng xã hội (facebook, telegram, zalo…) để tìm kiếm khách hàng hoặc nhắn tin vào số điện thoại để tiếp thị.
Khi nhận được đơn đặt hàng thì gửi thông tin khách hàng cho đồng bọn sản xuất theo đơn đặt hàng.
Sau khi sản xuất, đóng gói xong, các đối tượng thông qua dịch vụ bưu biện để chuyển phát cho khách hàng.
Quá trình điều tra, Công an tỉnh Hà Nam đã làm rõ vai trò và toàn bộ hành vi phạm tội của các đối tượng trong vụ án.
Theo đó đối tượng Thái và Hiển đã phân công nhiệm vụ cụ thể thành 3 nhóm: Nhóm chỉ đạo, điều hành, quảng cáo câu khách trên mạng xã hội; nhóm trực tiếp sản xuất; nhóm vận chuyển, tiêu thụ cấu kết với cán bộ bưu điện để gửi đến các địa chỉ khách hàng trên toàn quốc.
Khám xét khẩn cấp 3 địa điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội (nơi các đối tượng thuê để sản xuất), Cơ quan công an đã thu giữ nhiều loại máy móc, thiết bị gồm: máy tính, máy in, máy ép plastic, máy scan, máy CNC, phôi bằng, dụng cụ để phục vụ cho việc sản xuất, in ấn giấy tờ, con dấu giả.
Căn cứ kết quả điều tra, Công an tỉnh Hà Nam đã ra Quyết định khởi tố 14 bị can về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 341 Bộ luật Hình sự.
Đến ngày 23/5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã kết thúc điều tra giai đoạn 1, đề nghị truy tố 13 bị can theo quy định của pháp luật và tiếp tục điều mở rộng vụ án.
Đối với hơn 50.000 trường hợp đặt mua hàng của các đối tượng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nam đã trao đổi, phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra của 62 tỉnh, thành trên toàn quốc điều tra theo thẩm quyền.
Qua vụ án trên, Công an tỉnh Hà Nam khuyến cáo người dân tuyệt đối không đặt mua, sử dụng các loại giấy tờ giả vì đây là hành vi vi phạm, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
2 ngày lừa đảo gần 5 tỷ đồng, người phụ nữ ở Quảng Trị bị khởi tố
Ngày 25/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 35/QĐ-VP CQCSĐT và quyết định khởi tố bị can số 82/QĐ-VP CQCSĐT về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự đối với Hoàng Thị Thu Hiền (tên thường gọi là Hoàng Ly Sa, SN 1991, trú tại khu phố 2, phường 1, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phê chuẩn.
Khởi tố đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Quảng Trị – Hoàng Thị Thu Hiền. Ảnh: CA
Kết quả điều tra ban đầu xác định, vì để có tiền trả nợ tiền gốc và tiền lời cho những người góp tiền cho mình trước đó, trong 2 ngày 25 và 26/7/2023, Hoàng Thị Thu Hiền đã đưa ra thông tin gian dối (góp tiền mua bán, giao dịch đất thu về tiền lời cao) để các bị hại tin tưởng chuyển cho Hiền tổng số tiền 4.930.000.000 đồng.
Sau khi nhận tiền từ các bị hại chuyển đến, Hiền đã dùng số tiền này để trả các khoản đang nợ của các bị hại trước đó và sử dụng vào mục đích cá nhân (trả tiền vay tại tổ chức tín dụng, trả nợ) chứ không có hoạt động kinh doanh nào như thông tin Hiền đưa ra. Đến khi không còn khả năng trả tiền thì Hiền bỏ đi khỏi địa phương.
Do Hoàng Thị Thu Hiền đang nuôi con nhỏ (6 tháng tuổi) nên cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn “cấm đi khỏi nơi cư trú”.
Cơ quan CSĐT (PC01) Công an tỉnh Quảng Trị đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tin An Ninh Hinh Su