Bắt nguyên quyền Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 24/5, Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, thực hiện lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét đối với 9 bị can, cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong số này gồm ông Lê Quang Thung, nguyên Tổng Giám đốc, nguyên quyền Chủ tịch HĐQT Tập đoàn; ông Huỳnh Trung Trực, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn; ông Phạm Văn Thành, nguyên Trưởng ban Kế hoạch đầu tư Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; bà Nguyễn Thị Gái, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai; ông Nguyễn Công Tài, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Cao su Bà Rịa; ông Nguyễn Trọng Cảnh, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Bà Rịa; bà Lê Y Linh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Việt Tín; ông Đặng Phước Dừa, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thương mại Việt Tín; ông Nguyễn Thành Châu, nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Cao su Đồng Nai.
Sau khi VKSND Tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan đến các sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, P.12, Q.4, TP.HCM.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Bắt Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An
Ngày 24/5, nguồn tin cho biết, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã thực hiện quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Doãn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò. Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, Nghệ An bị bắt để điều tra, làm rõ hành vi sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Chiều ngày 24/5, cơ quan chức năng cũng tiến hành khám xét nơi làm việc của ông Doãn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, Nghệ An.
Trước đó, ông Doãn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, Nghệ An đã ủy quyền điều hành công việc tại UBND thị xã Cửa Lò cho ông Nguyễn Quang Tiêu – Phó Chủ tịch UBND thị xã. Lý do ủy quyền là do yêu cầu nhiệm vụ công tác, thời gian ủy quyền từ ngày 16/5 cho đến khi có thông báo hết ủy quyền.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai, bồi thường, thu hồi đất, tái định cư trên địa bàn thị xã Cửa Lò.
Thông tin mới vụ cháy nhà trọ ở Hà Nội, 14 người chết
Ngày 24/5, liên quan đến vụ cháy nhà ở phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội làm 14 người tử vong, lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho biết lực lượng chức năng đã bàn giao 11 thi thể cho người nhà nạn nhân. Ngoài ra, còn 3 trường hợp chưa thể nhận dạng, lực lượng chức năng phải xét nghiệm ADN, để hoàn tất các thủ tục, bàn giao thi thể cho gia đình các nạn nhân.
Vụ cháy nhà ở phố Trung Kính khiến 14 người tử vong. Ảnh: X.H.
Vị này cũng cho biết, quận đã chỉ đạo các phòng, ban, UBND phường Trung Hòa ổn định tình hình, thăm hỏi, hỗ trợ gia đình có người bị nạn.
Qua thống kê các nguồn tiền hỗ trợ (ngân sách TP, ngân sách quận, nguồn vận động các tổ chức, cá nhân), mỗi gia đình có người tử vong được hỗ trợ 75 triệu đồng, mỗi người bị thương được hỗ trợ 43 triệu đồng.
Trước đó, hồi 0h46 ngày 24/5, Tổng đài 114 – Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP.Hà Nội nhận được tin báo cháy nhà dân; tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Đến 0h52 cùng ngày, các đơn vị đã tiếp cận hiện trường, triển khai chữa cháy, ngăn cháy lan cùng các mũi trinh sát tìm kiếm, cứu người bị nạn. Thời điểm này đám cháy đã phát triển mạnh thiêu rụi nhiều xe máy, xe đạp điện, xe đạp tại khu vực sân, khói và khí độc bao trùm toàn bộ khu vực cháy.
Các lực lượng đã tổ chức phá khóa cổng chính, phá ô cửa sổ tiếp cận vào bên trong ngôi nhà và cứu được 7 người mắc kẹt, trong đó có 3 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện.
Đến 1h26 cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Qua tìm kiếm, lực lượng chức năng phát hiện 14 người tử vong.
Khởi tố nhóm đối tượng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội của hàng chục ngàn người
Ngày 24/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Đà Nẵng cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự “xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” do đối tượng L.N.H.N (28 tuổi, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cầm đầu.
Trước đó, Phòng An ninh mạng Công an TP.Đà Nẵng phát hiện một nhóm đối tượng có hành vi phát tán các tập tin có chứa mã độc nhằm chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội Facebook của người khác.
Tiến hành phối hợp với Cục An toàn thông tin và truyền thông (Bộ T&TT) công an xác định các tập tin trên có chứa các tập tin mã độc.
Sau thời gian điều tra, cảnh sát đã tiến hành kiểm tra một căn nhà tại Khu đô thị FPT.
Tại đây, công an phát hiện N. và 8 người khác đang thực hiện hành vi xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.
Qua đấu tranh, xác định N. thuê căn nhà trên, sau đó mua sắm hàng chục thiết bị máy tính cấu hình cao và tuyển thêm 8 người cùng làm việc.
Sau đó, N. chỉ đạo các đối tượng trong nhóm sử dụng các tài khoản mạng xã hội LinkedIn (đã thu thập sẵn) để đăng bài viết quảng cáo sản phẩm, tuyển dụng, kêu gọi đầu tư. Khi có người dùng Linkedin khác bình luận vào bài viết thì các đối tượng sẽ nhắn tin theo kịch bản có sẵn, gửi tập tin có chứa các đường dẫn tự động tải mã độc nhằm dẫn dụ người này bấm vào để xem nội dung. Nếu người dùng mở tập tin thì mã độc sẽ tự động thu thập dữ liệu trong thiết bị điện tử của người dùng như địa chỉ IP, cookie, tài khoản, mật khẩu…
Các đối tượng sử dụng các dữ liệu trên để chiếm quyền sử dụng tài khoản Business Manager trên Facebook của nạn nhân rồi sử dụng vào các hoạt động vi phạm pháp luật nhằm thu lợi bất chính.
Bằng thủ đoạn này, từ tháng 5/2023 đến khi bị cảnh sát phát hiện, nhóm này đã phát tán các tập tin đến hàng chục ngàn người dùng mạng xã hội Linkedin và chiếm quyền sử dụng tài khoản Business Manager trên Facebook có giá trị cao của cá nhân, doanh nghiệp trong nước và các quốc gia trên thế giới.
Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Xuất hiện doanh nghiệp tới tòa, xin mua cổ phần MHD của “siêu lừa” Hà Thành
Ngày 24/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên phúc thẩm vụ Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm lừa đảo hơn 433 tỷ đồng, gồm của ngân hàng Quốc Dân (NCB) 47,5 tỷ đồng; của PVCombank 49,4 tỷ đồng; của ngân hàng Việt Á hơn 273 tỷ đồng và 4 cá nhân khác 63 tỷ đồng.
Bị cáo Hà Thành đang thỏa thuận với doanh nghiệp nhằm bán lại cổ phần MHD.
Theo án sơ thẩm, từ năm 2016, Thành cùng Nguyễn Thanh Tùng sử dụng Công ty Jeongho để lập khống hồ sơ năng lực phục vụ vay tiền. Thành sau đó cầm sổ tiết kiệm của người cho vay làm tài sản đảm bảo và giả chữ ký để làm thủ tục vay tiền ngân hàng.
Thành còn vay tiền của một số người khác bằng hình thức cùng gửi tiết kiệm đồng sở hữu vào ngân hàng rồi thỏa thuận với nhân viên ngân hàng về việc phát hành thêm hợp đồng tiền gửi, bên cạnh sổ tiết kiệm. Với hợp đồng tiền gửi, Thành đưa cho người đồng sử hữu, còn mình dùng sổ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo để đáo hạn ngân hàng.
Từ tháng 6/2018 đến 11/2018, Thành mất khả năng thanh toán các khoản nợ nên cùng một số người nhiều lần dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của ba ngân hàng và các cá nhân.
Hiện tại, Thành không thể khắc phục được toàn bộ 433 tỷ đồng nhưng cô ta còn tài sản là cổ phần tại Công ty MHD. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm 3/4/2024, một doanh nghiệp có mong muốn mua lại số cổ phần này, giúp Hà Thành có tiền trả cho các bị hại. Do vậy, tòa án tạm dừng, để các bên thương lượng.
Mở tòa hôm nay (24/5), số cổ phần của Hà Thành tại MHD tiếp tục được “hỏi mua” nhưng có quá nhiều bên liên quan.
Đầu tiên, tòa đồng ý cho ông Nguyễn Ngọc Phương tham gia tố tụng với tư cách người liên quan. Ông Phương cho hay cổ phần của MHD đã được bị cáo Nguyễn Thanh Tùng – đồng phạm của Hà Thành – bán cho ông.
Lý do, ông Phương từng cho bị cáo Tùng vay tiền nhưng anh ta không trả được nên “gán nợ” bằng cổ phần. Giao dịch này diễn ra năm 2018, trước khi Tùng mang cổ phần đi cầm cố tại ngân hàng Việt Á.
Ông Phương đã tham gia 2 lần đại hội cổ đông của MHD nhưng sau đó lại bị tước quyền cổ đông với lý do cổ phần được thế chấp cho Việt Á. Hiện, ông Phương đã khởi kiện MHD trong một vụ dân sự.
Bị cáo Tùng khai, từng làm ăn chung, cùng Hà Thành mua Công ty MHD nên khi cô ta vay tiền ông Phương, Tùng phải đứng ra “nhận nợ”. Dù cổ phần tại MHD đã được bị cáo thế chấp tại ngân hàng Việt Á nhưng ông Phương vẫn buộc anh ta phải chuyển nhượng.
“Bị cáo bị anh Phương ép phải chuyển cổ phần để trả nợ. Bị cáo nói không được vì em thế chấp cho Việt Á rồi nhưng anh Phương bảo cứ làm đi”, Tùng khai.
Tòa án cũng xét hỏi, làm rõ số cổ phần bị cáo Tùng đang thế chấp tại Việt Á là 20,8% cổ phần của MHD. Đại diện doanh nghiệp này cho hay hợp đồng giữa ông Phương và bị cáo Tùng bị ghi “lùi ngày” so với thực tế còn hợp đồng thế chấp giữa Tùng và Việt Á hiện vẫn có hiệu lực.
Tại tòa, đại diện một doanh nghiệp cho hay họ vẫn giữ nguyện vọng mua lại cổ phần MHD của Nguyễn Thị Hà Thành (hiện đứng tên Tùng) nhưng cho rằng có nhiều việc liên quan cần làm rõ.
Đầu tiên là việc Hà Thành đồng ý bán nhưng doanh nghiệp phải trả “ngoài hợp đồng” 30 tỷ đồng để Thành “giải quyết khó khăn”. Tiếp theo, cổ phần lại đứng tên Tùng nhưng anh ta lại thế chấp ở Việt Á. Đến nay, lại có thêm ông Nguyễn Ngọc Phương cũng nhận cổ phần này là của mình.
Doanh nghiệp do vậy đề nghị tòa xem xét số cổ phần đang thuộc về ai và chứng kiến giúp việc chuyển nhượng? Thẩm phán cho hay theo phạm vi xét xử, tòa không thể chứng kiến việc mua bán giữa các bên nhưng đồng ý cho các bị cáo Thành, Tùng xuống phía dưới, cùng doanh nghiệp thỏa thuận.
Sau 10 phút trao đổi, bị cáo Thành cho hay nhà đầu tư muốn lãnh đạo Công ty MHD, phải có mặt tại tòa, xác nhận việc chuyển nhượng. Đại diện doanh nghiệp cũng trình bày, cần lãnh đạo MHD đến tòa, làm rõ việc mua bán cổ phần để tránh tranh chấp về sau, như “trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Phương”.
Do vậy, việc mua lại cổ phần của MHD, giúp Hà Thành khắc phục hậu quả vẫn chưa ngã ngũ. Chủ tọa thông báo, việc này phải được tiến hành trong 2 ngày xét xử để có căn cứ xác định trách nhiệm của Hà Thành nên tiếp tục cho các bên gặp gỡ, thỏa thuận.
Tin An Ninh Hinh Su