Cơ quan An ninh điều tra vừa ra kết luận, đề nghị truy tố 17 người trong vụ án “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Hà Nội và một số tỉnh, thành.
Theo kết luận, ngày 18/9/2023, Công an tỉnh Hòa Bình bắt Nguyễn Hoài Sơn (ở Đồng Tháp) về hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Các đối tượng cùng nhóm với Sơn biết việc này liền lẩn trốn, đồng thời trao đổi, tìm cách cho anh ta được tại ngoại. Các vi phạm liên tiếp sau đó gồm góp tiền đưa hối lộ và lừa đảo.
Đầu tiên là việc góp tiền chạy án, điều tra cho rằng Lê Thanh Phúc (ở TP.HCM) là người trong nhóm của Sơn đã liên hệ với Tưởng Hữu Hạnh (quê Đồng Tháp, mới mất ngày 4/5/2024), nhờ chạy án cho Sơn. Ban đầu, ông Hạnh yêu cầu đưa 700 triệu đồng, nếu đồng ý sẽ chuyển cho một người trung gian.
Phúc huy động người trong nhóm, gom đủ 700 triệu đồng và chuyển cho người của ông Hạnh vào sáng 19/9/2023 – một ngày sau khi Sơn bị bắt. Nhưng trưa cùng ngày, ông Hạnh yêu cầu nhóm Phúc chuyển tổng cộng 5 tỷ đồng để lo cho Sơn tại ngoại.
Nhóm của Phúc tiếp tục “hùn tiền”, được tổng cộng gần 4,9 tỷ đồng rồi chuyển cho Tưởng Hữu Hạnh. Những người liên quan việc này không biết hết nhau; việc bàn bạc, góp tiền chạy án đều qua sim rác, Telegram… Thậm chí, tiền được chuyển – nhận cũng do những “người lạ” thực hiện, theo kết luận điều tra.
Việc tìm “cửa” chạy án được tiến hành song song việc góp tiền, đúng hôm Nguyễn Hoài Sơn bị bắt, bị can Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc điều hành Công ty cà phê Lekofe, nhận điện thoại của một người tự xưng là “Quốc”, nhờ chạy án cho Sơn. Người tên “Quốc” gửi thông tin cá nhân của Sơn và hỏi chi phí lo tại ngoại.
Toàn sau đó nhờ Đỗ Văn Đức, một thám tử tư tại TP.HCM, đi tìm cách chạy án cho Sơn. Đức thông qua các mối quan hệ, nói chuyện được với một cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình nên biết Sơn bị bắt về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.
Kết luận điều tra thể hiện, Đức còn tìm cách “kết nối quan hệ với cơ quan thụ lý điều tra hành vi phạm tội của Nguyễn Hoài Sơn để tìm hiểu thông tin, đặt vấn đề chạy án cho Sơn”.
Thực hiện việc này, chiều 23/9/2023, Đức đi máy bay từ TP.HCM ra Hà Nội và có mặt tại Hòa Bình vào sáng hôm sau. Anh ta được cán bộ công an quen từ trước đưa vào trụ sở Cơ quan An ninh điều tra, gặp Phó phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình để hỏi thông tin về Sơn nhưng bị vị này từ chối, “mời” ra ngoài.
Ngoài ra, bị can Đức còn gặp gỡ, liên lạc nhiều nơi khác để tìm “cửa” chạy án cho Sơn nhưng không thành công.
Về hành vi lừa đảo, kết luận điều tra cho hay Đỗ Văn Đức tìm được đường dây chạy án liên quan Đoàn Thị Bích Liên (ở Hoài Đức, Hà Nội). Khi đó, Liên “báo giá” 2,3 tỷ đồng để Sơn được tại ngoại, hưởng án treo nhưng qua nhiều “cầu”, giá được nâng lên 200.000 USD, khi đó quy đổi được 4,8 tỷ đồng.
Liên không có nghề nghiệp nhưng quen biết Trần Gia Hòa (ở Hà Đông, Hà Nội) và được Hòa giới thiệu là người nhà lãnh đạo Bộ Công an, có khả năng cho Sơn tại ngoại với giá 300 triệu đồng.
Thực tế khi đó, Hòa vừa bị phạt 9 năm tù vì lừa đảo, chuẩn bị đi thi hành án. Liên biết Hòa không có khả năng nhưng vẫn nhận 2,3 tỷ đồng để chạy án cho Sơn rồi chia cho Hòa 300 triệu đồng. Hai người bị cáo buộc phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Thám tử tử Đỗ Văn Đức và một đồng phạm của mình do kết nối, đưa tiền chạy án cho Liên nên bị cáo buộc tội “Môi giới hối lộ”. Nhóm Lê Thanh Phúc, Nguyễn Thanh Toàn gồm 13 người bị cáo buộc tội “Đưa hối lộ”.
Về người tên Quốc, do Toàn liên hệ qua Telegram lại không giữ tin nhắn nên cơ quan điều tra không làm rõ được nhân thân. Ông Tưởng Hữu Hạnh dù liên quan vụ án nhưng đã mất nên cơ quan tố tụng không xem xét trách nhiệm.
Nguyễn Hoài Sơn là trung tâm vụ án nhưng được sau khi bị bắt vì mua bán trái phép hóa đơn, không biết có hàng chục người chạy án cho mình nên anh ta không bị xử lý trong việc này. Bộ Công an đã có văn bản trao đổi với Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình để xử lý theo thẩm quyền hành vi của Sơn và đồng phạm.
Tin An Ninh Hinh Su