Sự có mặt của phóng viên báo chí tác nghiệp tại phiên toà xét xử mang lại nhiều điểm tích cực trong văn hoá pháp đình, mang thông tin nóng hổi, chính xác từ trong phòng xử ra ngoài đời sống một cách nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin đa chiều của người dân.
Khi có phóng viên báo chí tác nghiệp, Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng khác có ý thức hơn hẳn về hình ảnh cá nhân, về phát ngôn và xa hơn là cẩn trọng hơn trong việc đưa ra các phán quyết vì hành vi, quyết định của họ có thể được lưu giữ và có thể được công khai để làm chứng cứ chống lại chính những người đã thực hiện tại phiên toà.
Thay vì nghe thông tin phỏng vấn gián tiếp từ các đương sự, từ luật sư của họ, từ Kiểm sát viên, Thẩm phán hay Thư ký phiên toà hay những người tham gia tố tụng khác đã tham phiên toà, sự có mặt trực tiếp tại toà của phóng viên báo chí ngay tại phiên toà sẽ phản ánh được nhanh chóng những thông tin, diễn biến phiên toà một cách chính xác, khách quan và đưa ra nhận định sự việc theo góc nhìn của mình trên cơ sở luật định.
Việc ghi âm, ghi hình khiến nội dung bài viết sinh động hơn với dẫn chứng cụ thể hơn và loại trừ nguy cơ bị khiếu nại, khiếu kiện vì đưa tin thiếu kiểm chứng hoặc sai sự thật, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của người khác và làm phương hại tới chính uy tín, hình ảnh và xa hơn là trách nhiệm dân sự, hành chính, thậm chí là trách nhiệm hình sự của người đưa tin.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận công tâm rằng, sự có mặt của phóng viên báo chí tại phiên toà không phải bao giờ cũng mang lại sự tích cực, nhất là nhìn từ phía những người tổ chức phiên toà.
Thực tiễn, các toà đều có quy định trong nội quy phiên toà về việc tác nghiệp của báo chí nhưng không phải phóng viên, nhà báo nào cũng tuân thủ. Do luật chưa quy định thống nhất việc phóng viên vào dự phiên toà phải xuất trình cả thẻ ngành và giấy giới thiệu nên nhiều người khi vào toà thiếu 1 trong 2 giấy tờ nêu trên nên không được Chủ toạ phiên toà chấp nhận dẫn đến cự cãi, gây mất sự tôn nghiêm của phiên toà.
Bên cạnh đó, nhiều toà nhỏ, không có khu vực tác nghiệp dành cho phóng viên nên nhiều người chạy xung quanh phiên toà để chọn góc chụp tốt khiến Hội đồng xét xử và những người tham dự toà bị phân tâm.
Nếu báo chí không được tác nghiệp trực tiếp tại toà, không được ghi âm, ghi hình thì khó có cơ sở để đảm bảo sự chính xác, chân thực của thông tin mà họ truyền tải tới người dân, đó là điều chắc chắn. Việc ghi chép bằng tay không thể nào so sánh được với các thiết bị công nghệ hỗ trợ.
Cá biệt, có trường hợp phóng viên được các bên đương sự “nhờ” về tác nghiệp theo yêu cầu của mình nên việc “gây hấn” với Hội đồng xét xử là mục đích chính nên những hành vi như mới nêu trên đây là sự cố ý, không phải vô tình – điều này khiến hình ảnh báo chí trong mắt của Hội đồng xét xử bị xem thường, dẫn tới các hành xử chưa thiếu kiềm chế, chưa đúng mực của họ sau đó, đặc biệt là với những thẩm phán trẻ, thiếu kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, trong một số vụ án, các phóng viên chụp hình, đăng tin về hình ảnh các bị cáo một cách tràn lan trong khi bị cáo và các luật sư của họ nhắc nhở, yêu cầu không chụp hình, đăng tin có hình ảnh, điều này là vi phạm quy định về việc sử dụng hình ảnh cá nhân của các bị cáo.
Xin lưu ý rằng, ngay cả khi bị đưa ra xét xử, các bị cáo chỉ bị hạn chế một số quyền công dân (nhất là quyền tự do đi lại), chứ hoàn toàn họ không bị mất đi quyền về hình ảnh của mình nên nếu đăng hình ảnh của họ mà không được sự đồng ý của họ là sự xâm phạm tới quyền cá nhân của họ.
Dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi với hoạt động của báo chí tại toà và tác động đến quyền được tiếp cận thông tin của người dân.
Nếu giữ nguyên quy định như trong dự thảo: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử, thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp” (Khoản 3, Điều 141), cá nhân tôi cho rằng, đây là bước thụt lùi trong quá trình cải cách tư pháp, tác động lớn tới quyền tiếp cận thông tin của người dân.
Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…” (Điều 25).
Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định “Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin” (Điều 3).
Luật Báo chí năm 2016 cũng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân…
Như tôi phân tích trên đây, nếu báo chí không được tác nghiệp trực tiếp tại toà, không được ghi âm, ghi hình thì khó có cơ sở để đảm bảo sự chính xác, chân thực của thông tin mà họ truyền tải tới người dân, đó là điều chắc chắn. Việc ghi chép bằng tay không thể nào so sánh được với các thiết bị công nghệ hỗ trợ.
Ngay cả giới luật sư chúng tôi, khi hành nghề, không ít đồng nghiệp cũng bị nhắc nhở về việc ghi âm ghi hình khi “không xin phép thì vi phạm mà xin phép thì Chủ toạ không cho phép mà không đưa ra lý do chính đáng”. Thành ra, có người chấp nhận sự vi phạm trong im lặng để có cơ sở bảo vệ thân chủ sau này hoặc có người phải để thân chủ làm vật thế thân khi để họ tự âm thầm ghi âm, tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình – đó là một thực tế.
Tôi có đọc về phản biện của Chánh án TAND Tối cao về lý do của quy định này như một cách để Hội đồng xét xử, luật sư toàn tâm toàn ý cho vụ án, không bị phân tâm…. Bên cạnh đó, “Toà án sẽ ghi âm, ghi hình để phục vụ công tác nghiệp vụ, lưu trong hồ sơ vụ án”. Tuy nhiên tôi chỉ đồng tình một phần, liên quan tới sự “toàn tâm, toàn ý”, phần còn lại, tôi cho rằng, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.
Báo chí có tính thời sự. Nhà báo đưa tin chậm thì không ai đọc. Đưa tin nhanh mà sai sự thật thì đối diện nguy cơ bị xử lý trách nhiệm. Nếu chờ xin nhận được ghi âm, ghi hình do toà cung cấp cho báo chí (trong trường hợp xin được) thì tính thời sự của báo chí mất đi rồi, phần này chỉ dành cho luật sư là chính.
Thay vì tìm các biện pháp mang tính “cấm cửa” hay chí ít là “hạn chế”, nên chăng tìm cách “dung hoà” – đó là cách làm vừa đúng pháp luật, thể hiện đúng tinh thần công khai, công bằng trong hoạt động xét xử và tính minh bạch, khách quan trong hoạt động báo chí.
Báo chí, truyền thông là kênh nhanh và hữu ích nhất đưa thông tin chính thống tới người dân. Để báo chí được xem trọng và giữ vai trò lớn hơn, đáng tin cậy hơn, cần tạo chỗ đứng vững chắc của họ để họ có được nguồn tiếp cận thông tin nhanh, đúng đắn, chính xác, cạnh tranh mạng xã hội – kênh thông tin thiếu kiểm chứng nhưng được nhiều người sử dụng.
Việc tác nghiệp của báo chí tại phiên toà có gây ra một số phiền hà cho phiên toà ở một hoặc một số cơ sở nào đó nhưng là thiểu số và không gây hệ luỵ lớn cho hoạt động xét xử và đặc biệt là không tác động tới sự làm việc khách quan, vô tư của Hội đồng xét xử tại phiên toà.
Tôi cho rằng, tuỳ cấp độ toà, tuỳ tình hình điều kiện cơ sở vật chất của địa phương mà có những cách xử lý cho phù hợp, cụ thể: Nếu Phòng xét xử lớn, cần bố trí vị trí tác nghiệp phù hợp cho báo chí; nếu không có vị trí trong phòng xét xử thì bố trí phòng riêng có đầy đủ màn hình, âm thanh giúp phóng viên dễ dàng tác nghiệp.
Về lâu dài, Hội Nhà báo có thể kiến nghị đưa vị trí tác nghiệp các Nhà báo như là một phần của những người tham gia tố tụng đương nhiên, có chỗ ngồi rõ ràng.
Trong trường hợp phóng viên không được tác nghiệp tại phòng xử mà phải qua phòng ghi âm, ghi hình thì Toà cần trang bị ổ cứng để phóng viên có thể sao chép dữ liệu phục vụ việc tác nghiệp của mình.
Theo tôi, chỉ cần phóng viên xuất trình đủ hồ sơ nhân thân, giấy giới thiệu (nếu có) và ký cam kết sử dụng dữ liệu đúng mục đích (nếu cần thiết) là có thể đủ điều kiện để được sao lưu dữ liệu này mà không cần phải chờ đợi.
Thay vì tìm các biện pháp mang tính “cấm cửa” hay chí ít là “hạn chế”, nên chăng hãy tìm cách “dung hoà” – đó là cách làm vừa đúng pháp luật, thể hiện đúng tinh thần công khai, công bằng trong hoạt động xét xử và tính minh bạch, khách quan trong hoạt động báo chí.
Tin An Ninh Hinh Su