Một tuần chờ tuyên án trong hồi hộp và lo lắng
Hôm nay (5/4), phiên toà xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát và SCB tạm dừng để Hội đồng xét xử (HĐXX) tiến hành nghị án. Sau khi kết thúc phần lời nói sau cùng của 79 bị cáo có mặt tại toà, chủ tọa phiên tòa thông báo ngày tuyên án các bị cáo dự kiến sẽ diễn ra vào sáng 11/4.
Bên cạnh đó, chủ toạ cũng thông báo các luật sư, bị cáo và những người có liên quan có thể bổ sung thêm tài liệu hoặc những tình tiết mới thông qua thư ký phiên toà. Qua đó, HĐXX sẽ có thêm những xem xét, đánh giá trong phần nghị án. Như vậy, các bị cáo sẽ chờ đợi HĐXX tuyên án trong 1 tuần. Đây là khoảng thời gian các bị cáo sẽ hồi hộp và lo lắng cho mức án mà toà tuyên cho bản thân mình với những vi phạm đã gây ra.
Trước đó, đại diện VKS đề nghị áp dụng hình phạt mới, giảm nhẹ đối với 22 bị cáo ăn năn hối cải, nộp tiền khắc phục kể từ sau phiên luận tội đề nghị án trước đó của Viện kiểm sát (VKS).
Trong đó, có bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư Times Square) đề nghị giảm từ 11-12 năm tù xuống còn 10-11 năm tù; Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đề nghị giảm từ 19-20 năm xuống còn 17-18 năm tù; Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch Tập đoàn Capella) đề nghị giảm từ 10-11 năm xuống còn 9-10 năm tù; Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng) đề nghị giảm từ 14-15 năm xuống mức 11-12 năm tù. Đáng chú ý, trong số các bị cáo được VKS đề nghị giảm án, không có tên bị cáo Trương Mỹ Lan và Đỗ Thị Nhàn.
Trong phiên luận tội, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ, 19-20 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tử hình về tội Tham ô tài sản: tổng hình phạt chung là tử hình.
Các bị cáo ăn năn, viện hoàn cảnh xin giảm hình phạt
Ở phần lời nói sau cùng của các bị cáo trước khi HĐXX nghị án, tất cả bị cáo đều cảm thấy hối tiếc, ân hận về hành vi mình thực hiện, đó là lời cảnh tỉnh, là bài học cho không chỉ các bị cáo có mặt tại phiên tòa mà còn cho rất nhiều người rằng hãy thượng tôn pháp luật dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù có muộn. Với mong muốn được HĐXX xem xét để có những bản án khoan hồng để các bị cáo sớm được trở về với gia đình và xã hội, các bị cáo đều đưa ra những hoàn cảnh cá nhân đặc biệt của mình nhằm mong nhận được sự cảm thông của HĐXX.
Đối với những bị cáo chủ chốt của vụ án như Trương Mỹ Lan, Chu Lập Cơ, Trương Huệ Vân, Đỗ Thị Nhàn, Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Cao Trí… đều đưa ra những lý lẽ biện hộ cho bản thân trong phần phát biểu lời nói sau cùng.
Với bị cáo Trương Mỹ Lan, trong lời nói sau cùng, bị cáo nói trong nước mắt suốt 45 phút. Nữ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát liên tục bật khóc và cho rằng bản thân “luôn day dứt tự hỏi vì sao lại lâm vào hoàn cảnh bi đát như thế này?”. Bị cáo nói rất hối hận khi tham gia vào lĩnh vực ngân hàng mới dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay.
Bị cáo Lan bày tỏ mong HĐXX xem xét lại bà không phải là người gây ra hậu quả của vụ án và không thể quy chụp một mình bà phải chịu trách nhiệm trong việc tái cơ cấu SCB không thành công.
Theo trình bày của bị cáo Trương Mỹ Lan, khi tái cơ cấu SCB, với tư cách là cổ đông lớn, bà đã lèo lái SCB thành ngân hàng lớn (chỉ sau 4 ngân hàng của Nhà nước) mà không có sự hỗ trợ nào từ Ngân hàng Nhà nước. Bị cáo đã dốc hết tiền bạc, tâm sức cho SCB, việc tái cơ cấu SCB không thành công không phải là do bị cáo làm dở.
Được nói lời sau cùng, bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Vạn Thịnh Phát, cháu gái bà Trương Mỹ Lan) nói, suốt 18 tháng qua, bị cáo đã học được vô số bài học quý giá và nhận thức sâu sắc về những giá trị trong cuộc sống, nhất là tinh thần thượng tôn pháp luật. Bị cáo mong HĐXX mở lòng khoan dung để xem xét tất cả những hành vi, bối cảnh, phẩm chất của tất cả các bị cáo; đặc biệt là những người phụ thuộc, nghe theo lệnh của cấp trên.
Bình tĩnh khi nói lời sau cùng, nhưng có lúc, giọng bị cáo Chu Lập Cơ ngắt quãng khi nói về vợ mình là bị cáo Trương Mỹ Lan. Bị cáo Chu Lập Cơ mong HĐXX xem xét mức án đối với ông.
“Bị cáo nói dù rất bình tĩnh nhưng cũng không thể tưởng tượng những hậu quả đã xảy ra đối với gia đình bị cáo. Cảm giác xót xa khiến bị cáo khó tha thứ cho mình. Nếu ngày đó sát cánh cùng vợ, hiểu sâu những rủi ro thì bị cáo đã can ngăn vợ không tham gia lĩnh vực ngân hàng”, ông Chu nói.
Còn với cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra, giám sát Đỗ Thị Nhàn, bị cáo này vô cùng ân hận và xấu hổ về hành vi của mình, sau sự việc này, bị cáo nhận ra một điều là hãy thượng tôn pháp luật dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Bị cáo xấu hổ với sự hy sinh xương máu của gia đình bị cáo, gia đình chồng bị cáo với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Bị cáo gửi lời cảm ơn đến Chính phủ, lãnh đạo ngân hàng đã tặng thưởng huân chương, bằng khen cho bị cáo trong suốt thời gian cống hiến cho ngành ngân hàng.
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra, phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước) xúc động cảm ơn đại diện VKS và HĐXX đã thấu hiểu, khoan dung độ lượng cho bị cáo. Bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình, bị cáo xin gửi lời xin lỗi đến Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Thanh tra giám sát, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, bị cáo đã thấy được sai phạm của mình khi là người ra quyết định thanh tra, những sai phạm của bị cáo đã làm ảnh hưởng đến các cơ quan.
Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Cao Trí cho biết, đứng ở phiên tòa và nói lời sau cùng ngay lúc này với tâm trạng nặng nề do hành vi sai phạm của mình gây ra, không có ngôn từ nào diễn tả hết được sự day dứt của của bị cáo. Bị cáo muốn gửi lời xin lỗi sâu sắc đến gia đình, người thân và anh chị em cộng sự…
Khi nói lời cuối cùng, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn cũng đã nhận thức sâu sắc về nguyên tắc thượng tôn pháp luật, cũng như những hậu quả mà mình đã phải trả giá bằng sự tự do của bản thân, phải xa gia đình, xa con nhỏ mới 15 tháng tuổi chưa được gặp mặt, bị cáo gửi lời cảnh tỉnh đến tất cả những người đang làm ăn kinh doanh lấy trường hợp của bị cáo là bài học.
Tin An Ninh Hinh Su