Kẻ giết người mang lệnh truy nã sa lưới
Ngày 16/3, Công an huyện Cần Đước, tỉnh Long An, đã bàn giao Trương Thành Thảo (28 tuổi, ngụ địa phương) cho Công an TP.Đà Nẵng để điều tra về hành vi Giết người.
Trước đó, Thảo sống tại TP.Đà Nẵng và xảy ra mâu thuẫn với một nam thanh niên khác dẫn đến xô xát. Thảo đánh người này tử vong sau đó bỏ trốn.
Công an TP.Đà Nẵng đã vào cuộc điều tra và truy nã Thảo về hành vi Giết người.
Sau thời gian bỏ trốn, ngày 6/3, Thảo bị công an bắt giữ khi xuất hiện tại xã Long Hòa, huyện Cần Đước.
Mất tích “sau khi uống rượu với một số người bạn”, phát hiện thi thể trên sông
Như Dân Việt đã đưa tin: Khoảng 11h30 ngày 16/3, Công an xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội) nhận tin phản ánh của người dân, phát hiện một thi thể trên sông Tô Lịch, đoạn chảy ra khu vực đường Kim Giang.
Sau khi nhận thông tin, Công an xã Thanh Liệt đã phối hợp các lực lượng đưa thi thể nạn nhân lên bờ. Đồng thời, Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Thanh Trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP.Hà Nội tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.
Qua rà soát, cán bộ Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Thanh Trì xác định nạn nhân là anh Lê Minh V (SN 2000, ở tại quận Hoàng Mai).
Thông tin ban đầu người nhà cho biết, ngày 13/3, sau khi uống rượu với một số người bạn ở khu vực Hoàng Mai, nạn nhân đi bộ trên đường rồi mất tích. Sau đó, gia đình anh V đã tổ chức tìm kiếm anh V nhưng không có kết quả… Đến trưa 16/3, gia đình có thông tin về việc phát hiện xác của người đàn ông trên sông Tô Lịch đã đến để nhận dạng, xác định nạn nhân là anh V.
Hiện vụ việc đang được Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Thanh Trì tiếp tục điều tra, làm rõ.
Sập bẫy “khoá tu mùa hè”, người phụ nữ bị chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 16/3, thông tin từ Công an TP.Hà Nội, một nạn nhân tên H đã sập bẫy khoá tu mùa hè và bị chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng.
Cụ thể, khi nghiên cứu các khóa tu mùa hè cho con, chị H (trú tại Hà Nội) có kết nối với tài khoản Facebook “Tu Sinh Mùa Hè” để đăng ký cho con. Sau đó, một người xưng là “”Trưởng ban Tu sinh” gọi cho chị H, giới thiệu và cung cấp số và ảnh căn cước công dân của “Trưởng ban” để tạo niềm tin.
Đối tượng đưa chị H vào nhóm trên mạng xã hội Telegram và yêu cầu mua vật phẩm phong thủy nhằm tăng tương tác cho công ty vật phẩm phong thủy, vì họ là nhà tài trợ chính cho khóa tu.
Khi mua vật phẩm, sau 3 – 5 phút công ty sẽ hoàn lại tiền phụ huynh sẽ mua. Sau nhiều lần mua và được hoàn lại tiền vật phẩm, chị H được yêu cầu chuyển số tiền lớn hơn với lý do: sai thao tác, không chụp ảnh vật phẩm, phải hoàn thành thao tác, hoàn thành điểm tín nhiệm. Chỉ trong vòng 2 ngày, chị H đã bị các đối tượng chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng.
Chị H đã bị chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng khi nghiên cứu các khoá tu mùa hè cho con. Công an TP.Hà Nội cảnh báo tới người dân biết thủ đoạn này. Ảnh: CAHN
Trước chiêu trò lừa đảo thông qua các khóa tu mùa hè đang rộ lên trên mạng xã hội, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP.Hà Nội khuyến cáo người dân cần cẩn trọng khi tìm hiểu các thông tin về các khóa học trên các trang mạng xã hội để tránh bị lừa đảo.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin tội phạm để phòng ngừa, tuyên truyền cho người thân. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định.
Ở một diễn biến khác, cũng liên quan đến việc chiếm đoạt tài sản của người dân qua mạng, cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều người dân bị lừa cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo” để các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, anh D (trú tại Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, anh có nhận được cuộc gọi của số điện thoại tự xưng là cán bộ Công an quận Long Biên hỗ trợ xử lý Căn cước công dân bị lỗi hệ thống, yêu cầu anh đến phường để khắc phục.
Do anh D bận và ở xa nên hẹn hôm sau mới lên. Lúc này đối tượng thông báo do cần hoàn thiện gấp hồ sơ nên yêu cầu anh tải phần mềm theo đường dẫn của đối tượng cung cấp để hỗ trợ xử lý từ xa.
Do phần mềm có giao diện gần giống với giao diện Dịch vụ công trực tuyến nên anh D hoàn toàn tin tưởng và thực hiện các thao tác. Sau đó, các tài khoản ngân hàng của anh bị đối tượng thực hiện các giao dịch chuyển tiền và bị chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng.
Để tránh sập bẫy chiêu lừa đảo giả mạo cán bộ Công an, yêu cầu hỗ trợ cài đặt Dịch vụ công chứa mã độc chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP.Hà Nội khuyến cáo người dân:
1. Cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn lạ, đặc biệt là liên quan tới cán bộ của các cơ quan Nhà nước. Không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại. Đồng thời, liên hệ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền để xác minh về người gọi điện.
2. Cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm. Tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk.
3. Không nên lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại.
4. Thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền cho người thân, mọi người xung quanh phòng ngừa.
Nhóm thanh niên cầm phóng lợn chặn xe, cướp tài sản giữa đường ở Hà Nội bị bắt
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 16/3, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.Hà Nội) phối hợp với Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã bắt giữ 6 người có độ tuổi từ 16 đến 20 tuổi (đều trú ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Nhóm đối tượng này có liên quan đến vụ chặn đầu xe máy của người đi đường rồi cướp tài sản ở Hà Đông.
Nhóm đối tượng đi 2 xe máy, cầm 2 phóng lợn gắn tuýp sắt chặn đường, đe doạ để cướp tài sản của người đi đường (khoanh tròn đỏ). Ảnh chụp màn hình
Cụ thể, ngày 16/3, trên nhiều trang mạng chia sẻ clip một người đang lái xe máy trên đường (thuộc địa bàn quận Hà Đông) thì bất ngờ bị nhóm đối tượng cầm phóng lợn chặn xe.
Nhóm đối tượng cầm phóng lợn rồi chặn xe, cướp tài sản của người đi đường. Clip: Linh Khánh/MXH
Nhóm này có 4 người, đi trên 2 xe máy, tay cầm tuýp sắt dài (ở đầu gắn vật nhọn), yêu cầu nữ nạn nhân đưa tiền. Các thanh nhiên thậm chí đã dùng hung khí đập vào xe của nạn nhân để đe doạ.
Qua hình ảnh từ camera an ninh gần hiện trường, vụ việc xảy ra vào lúc 0 giờ 47 phút ngày 15/3 trên phố Lê Lợi, thuộc phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông.
Bước đầu xác định, nhóm này hoạt động hết sức manh động khi dùng tuýp sắt hàn dao phóng lợn đi trên các tuyến phố vắng người tìm “con mồi” nhằm mục đích cướp tài sản.
Với phương thức này, nhóm đối tượng đã thực hiện 4 vụ cướp tài sản của người đi đường vào ban đêm trên địa bàn Hà Nội, tại các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và Hà Đông.
Thông tin mới vụ cháy hơn 200 xe máy tại trụ sở công an ở Bình Thuận
Như Dân Việt đã đưa tin: Ngày 16/3, đại tá Huỳnh Ngọc Liêm, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể gây ra vụ cháy hơn 200 xe máy tại bãi tạm giữ xe máy Công an huyện Tánh Linh (Bình Thuận).
Qua xác minh sơ bộ ban đầu, nguyên nhân gây ra vụ cháy là do một chiến sĩ nghĩa vụ sơ suất vứt tàn thuốc ở khu vực bãi xe, sau đó gió cuốn tàn thuốc vào đúng vị trí hút xăng gây cháy.
Theo đại tá Liêm, cơ quan chức năng sẽ thành lập hội đồng giám định, giá trị thiệt hại tài sản. Dựa vào giấy tờ xe, biên bản vi phạm, hội đồng giám định, đánh giá lại giá trị chính xác của từng loại xe của người dân theo đúng quy định pháp luật.
“Trước mắt, pháp nhân bồi thường thiệt hại của người dân là Công an huyện Tánh Linh. Còn hướng xử lý tiếp theo của cá nhân, tập thể liên quan sẽ được cơ quan chức năng điều tra, kết luận”, ông Liêm nói.
Người dân có thiệt hại về xe máy bị tạm giữ sẽ được Công an huyện Tánh Linh hướng dẫn các thủ tục theo quy định pháp luật để làm hồ sơ nhận đền bù.
Liên quan vụ cháy này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu Công an tỉnh xử lý nghiêm trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan. Đồng thời, mở đợt tổng rà soát việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại trụ sở công an cấp huyện, nhất là các nhà tạm giữ tang vật phương tiện để có biện pháp chấn chỉnh, đảm bảo an toàn, không để xảy ra vụ việc tương tự.
Qua đánh giá sơ bộ, vụ cháy gây thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng (chỉ tính riêng xe máy), chưa kể một loạt công trình phụ cận, đường dây điện truyền tải thông tin hư hại.
Theo luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận nguyên nhân gây cháy do sự kiện bất khả kháng, nơi ra quyết định tạm giữ, tịch thu phương tiện xe nêu trên không phải chịu trách nhiệm bồi thường theo khoản 2, Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015. Còn nếu xác định việc gây cháy không phải do sự kiện bất khả kháng, có hành vi phá hoại hoặc bất cẩn của cá nhân nào đó, cơ quan ra quyết định tạm giữ vẫn phải bồi thường cho các chủ phương tiện, sau đó mới khởi kiện cá nhân gây cháy để yêu cầu đền bù thiệt hại. Trường hợp có căn cứ cho thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Trên thực tế khi công an tạm giữ xe vi phạm thường không ghi vào biên bản tình trạng xe cũ hay mới, hư hỏng ra sao. Vì thế, theo ông Nghĩa để định giá mỗi chiếc xe trước khi bị cháy có giá trị bao nhiêu để làm căn cứ bồi thường là cả một vấn đề. Mặt khác, nếu bãi giữ xe được mua bảo hiểm, cơ quan bảo hiểm sẽ là đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường cho các chủ sở hữu xe.
Tin An Ninh Hinh Su