Trong phần xét hỏi vụ án Vạn Thịnh Phát chiều 7/3, Hội đồng xét xử nhận đơn từ luật sư của bị cáo Chu Lập Cơ (người Hồng Kông, chồng bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát), đề nghị ủy quyền cho con gái là Chu Duyệt Phấn đi đòi những người nợ tiền ông để giúp khắc phục hậu quả.
Chủ tọa khẳng định không riêng gì bị cáo Trương Mỹ Lan, HĐXX tạo điều kiện tối đa cho tất cả các bị cáo khắc phục hậu quả, thu hồi nợ từ những đơn vị, cá nhân nên chấp nhận đề nghị của bị cáo Chu Lập Cơ.
Tuy nhiên, chủ tọa cho rằng nên có danh sách cụ thể để HĐXX giúp xử lý, không nên “chỉ ủy quyền chung chung cho con gái”.
Bị cáo Chu Lập Cơ quốc tịch Hồng Kông, phải có người phiên dịch tiếng Anh khi hầu tòa.
Trước đó, bị cáo Dương Tấn Trước được chủ tọa gọi lên bục khai báo để trình bày về những người vay tiền của ông ta cũng như tiến độ trả nợ. Bị cáo khai cho 5 người vay 105 tỷ đồng, đến nay đòi nợ được một phần, trong đó người vay nhiều nhất là 50 tỷ đồng mới trả được 10 tỷ đồng. Những người này đều trả nợ cho vợ ông Trước nên tòa án cho hay sẽ làm việc với bà về việc khắc phục hậu quả.
Bị cáo Trước nói thêm, chính bị cáo Trương Mỹ Lan đang nợ ông ta 1.000 tỷ đồng. Dương Tấn Trước hiện bị cáo buộc dùng pháp nhân Công ty Tường Việt của mình, lập hồ sơ vay vốn SCB, giúp bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 4.752 tỷ đồng của nhà băng này.
Buổi sáng, Trương Mỹ Lan cũng có đơn, trình bày đang bị tạm giam nhưng có một số cá nhân vẫn “thiếu tiền” của bà nên xin HĐXX cho phép con gái Chu Duyệt Phấn cùng cháu trai tên Hưng đi gặp gỡ họ để thu hồi tài sản, góp phần khắc phục hậu quả vụ án.
Về việc này, HĐXX khẳng định: “Chưa có quyết định cấm bị cáo và người nhà đi thu hồi những người thiếu tiền. Hội đồng xét xử tạo điều kiện cao nhất để Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác khắc phục hậu quả vụ án”.
Các luật sư sẽ hỗ trợ bị cáo trong quá trình thu hồi và cần lưu ý, nhiều bị cáo còn bị xử lý ở giai đoạn 2 vụ án, hiện đang được điều tra. Do vậy, kết quả thu hồi tài sản phải được báo lại cho cả Hội đồng xét xử và cơ quan điều tra để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Chủ tọa cũng cho rằng, nếu bị cáo Trương Mỹ Lan có danh sách chi tiết sẽ được “giúp thu hồi” nhưng ở đây chỉ “ghi rất chung chung”. Ngoài ra, con gái bị cáo là bà Chu Duyệt Phấn dù được triệu tập nhưng lại có đơn xin vắng mặt.
Cũng trong phần xét hỏi chiều 7/3, chủ tọa tiến hành thẩm vấn hàng chục lãnh đạo, nhân viên SCB về hành vi vi phạm quy định cho vay gây hậu quả nghiêm trọng. Họ bị cáo buộc làm theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, hợp thức các hồ sơ để bà Lan rút hàng trăm nghìn tỷ của ngân hàng. Hồ sơ vụ án thể hiện, nhóm lãnh đạo SCB được nhận mức lương cao, hàng trăm triệu đồng/tháng.
Tại tòa, nhóm này thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu nhưng khẳng định chỉ “làm công ăn lương”, không hưởng lợi gì thêm từ việc làm theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan và mong tòa xem xét giảm nhẹ.
Như bị cáo Hoàng Minh Hoàn khai từng làm quyền Tổng giám đốc SCB trong hơn 2 tháng vào năm 2020 nhưng thấy khối lượng công việc quá lớn, nhiều việc không kiểm soát được nên đã xin rời chức vụ và sau đó nghỉ việc tại SCB vào đầu năm 2021.
Ông Hoàn trình bày, từng làm lĩnh vực khác nên khi được bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc vẫn phải dựa vào bộ máy của Tổng giám đốc cũ và: “Thấy đúng thì ký, lúc đó không thấy bất thường. Sau này, làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết hồ sơ đó hợp thức hết nhóm liên quan hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát”.
Tin An Ninh Hinh Su