Ngày 5/3 tới đây, TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố các tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tại kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) nêu rõ: “Bà Trương Mỹ Lan đã nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng, biến SCB trở thành công cụ tài chính để tổ chức huy động tiền gửi, chỉ đạo toàn bộ lãnh đạo chủ chốt nhà băng này”.
SCB huy động tiền gửi của người dân, sau đó rót tiền cho “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát”. Dư luận đều nhìn thấy rõ ràng dòng tiền từ SCB đến Vạn Thịnh Phát đã bị thao túng và sai khiến.
Vụ Vạn Thịnh Phát – SCB, dòng tiền bị thao túng và sai khiến
Vạn Thịnh Phát – SCB là minh chứng tiêu biểu về vi phạm trong sở hữu chéo, thao túng cho vay sân sau của ngân hàng. Nhìn vào bản chất, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB có quan hệ “huyết thống” bởi bà chủ chung của 2 tổ chức này cùng là một người, chính là bà Trương Mỹ Lan. Điều đáng nói, các thủ đoạn, chiêu trò “hợp thức hóa sai phạm” về sở hữu và cho vay sân sau ngày càng phức tạp, ngày càng tinh vi.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện hành, một cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 5%, một tổ chức không sở hữu vượt quá 15% và một nhóm cổ đông liên quan không sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD. Giới hạn cấp tín dụng cho một và một nhóm khách hàng cũng đã được quy định ở mức 15% (với một khách hàng) và 25% (với một nhóm khách hàng liên quan) vốn tự có của TCTD.
Tuy nhiên, bà Trương Mỹ Lan đã “làm xiếc” sở hữu bằng cách nhờ nhiều người thân tín đứng tên sở hữu cổ phần. Vì vậy, dù không vượt quá tỷ lệ 5% sở hữu (sổ sách – PV), nhưng thực tế từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan (trực tiếp và gián tiếp – PV) luôn nắm giữ cổ phần chi phối tại SCB từ 85% đến 91,5% tổng số cổ phần của SCB. Nhờ đó, bà trở thành người có “quyền lực” tuyệt đối tại SCB và toàn bộ hoạt động của SCB bị bà Lan thao túng, lũng đoạn.
Để cho vay nhóm doanh nghiệp sân sau, bà Lan sử dụng nhiều chiêu thức, thủ đoạn khác nhau để “lách” quy định về cấp tín dụng như: Lập đơn vị có chức năng cho vay riêng đối với các khoản vay của Trương Mỹ Lan để tránh sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước; Tạo lập các công ty “ma”, khách hàng vay vốn khống, thuê nhờ người đứng tên tài sản, che dấu, đối phó cơ quan thanh kiểm tra; thao túng công ty thẩm định giá, nâng khống tài sản, đưa tài sản không đủ pháp lý vào thế chấp; thiết lập “ma trận” các pháp nhân, chuyển tiền lòng vòng, rút tiền mặt, cắt đứt dòng tiền để che giấu sai phạm;…
Với những thủ đoạn phức tạp, tinh vi này, từ năm 2012 đến 2022, SCB cho vay, giải ngân cho nhóm của bà Lan hơn 2.500 khoản vay tại SCB với tổng số tiền giải ngân hơn 1,066 triệu tỷ đồng.
Từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng và tổng cộng số tiền bà Lan gây thiệt hại cho SCB là hơn 415.000 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân căn bản, cốt yếu dẫn đến SCB đã hoàn toàn mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.769 tỷ đồng.
Điều đáng nói, suốt 10 năm thao túng SCB, có thể tổ chức huy động vốn, giải ngân hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm đoạt hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng những sai phạm của bà Trương Mỹ Lan lại được “bưng bít” khi có sự buông lỏng kiểm tra, giám sát, thậm chí là tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong cơ quan thanh tra, giám sát của ngành ngân hàng. Đây cũng là lỗ hổng lớn trong quản lý, giám sát hoạt động của các ngân hàng.
Chặn thao túng, lũng đoạn ngân hàng
Không chỉ Vạn Thịnh Phát – SCB, sở hữu chéo, thao túng ngân hàng là vấn đề nan giải tồn tại hàng chục năm qua của hệ thống các tổ chức tín dụng. Dù đã giảm, song hành vi sở hữu chéo, cho vay sân sau ngày càng trở nên tinh vi và khó đối phó hơn.
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (năm 2024) được thông qua và có hiệu lực từ 1/7 tới đây đưa ra các quy định về quản trị, điều hành, kiểm soát rủi ro… Các quy định này được ví như “chốt chặn” ngăn thao túng ngân hàng của cổ đông lớn và nhóm cổ đông lớn như trường hợp của Vạn Thịnh Phát và SCB. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Trong đó, quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông và một nhóm cổ đông liên quan tại một TCTD được thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, một tổ chức không sở hữu vượt quá 10% (giảm so với tỷ lệ 15%) và một nhóm cổ đông liên quan không sở hữu vượt quá 15% (quy định hiện hành là 20%) vốn điều lệ của một TCTD. Cùng với đó, quy định về người có liên quan cũng được làm rõ và rộng hơn đáng kể so với quy định hiện nay, đặc biệt với bên có liên quan là cá nhân.
Theo đánh giá của TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, quy định này góp phần hạn chế khả năng một nhóm cổ đông sở hữu đa số cổ phần, từ đó góp phần giảm sở hữu chéo, thao túng hoạt động của TCTD như trường hợp tại SCB vừa qua.
Cùng với đó, giới hạn cấp tín dụng cho một và một nhóm khách hàng được điều chỉnh giảm dần, từ mức 15% (với một khách hàng) và 25% (với một nhóm khách hàng liên quan) vốn tự có của TCTD hiện nay xuống còn 10% và 15% theo lộ trình đến đầu năm 2029. Thay đổi này có thể giúp giảm rủi ro tập trung tín dụng cho các TCTD.
Luật Các tổ chức tín dụng mới bổ sung các quy định nâng cao chuẩn quản trị điều hành cũng như hạn chế việc tham gia quản trị điều hành của những người có liên quan tại tổ chức tín dụng. Ngoài ra, danh sách các cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của TCTD sẽ được công bố công khai. Điều này được kỳ vọng làm tăng tính minh bạch và giám sát đại chúng đối với các TCTD (kể cả các TCTD chưa niêm yết), góp phần làm giảm tình trạng sở hữu chéo, thao túng TCTD. Tuy nhiên, ông Lực đánh giá, tính hiệu lực, hiệu quả của quy định này còn phụ thuộc nhiều vào khâu thực thi sau này, nhất là việc tuân thủ công bố thông tin một cách thực chất, minh bạch và kịp thời.
Chia sẻ với PV, TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế thì cho rằng, Luật Các TCTD (sửa đổi) là bước tiến mạnh mẽ trong việc nỗ lực xử lý các “lỗ hổng” trong hoạt động của TCTD. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một trong những yếu tố chính dẫn tới tình trạng thao túng ngân hàng như trường hợp của SCB – Vạn Thịnh Phát là hành vi lách luật. Do đó, ông Hiếu cho rằng, các quy định trên không phải là biện pháp trọng yếu để ngăn lũng đoạn ngân hàng, nếu tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng vẫn bị “làm xiếc” bằng cách nay hay cách khác.
Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long cũng chỉ ra các điểm “tiến bộ” trong Luật Các TCTD (sửa đổi) lần này như: Mở rộng các đối tượng liên quan để đưa vào kiểm soát; Các cơ quan giám sát, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước sẽ nhìn vào bản chất của vấn đề để đưa ra câu chuyện xử lý một cách thực chất hơn; Công bố thông tin và kiểm soát thông tin chặt chẽ hơn;…
Ông Long cũng thẳng thắn nhìn nhận, quy định hiện tại đã chặt chẽ hơn song các cá nhân, tổ chức vẫn luôn tìm nhiều cách để “lách” được các quy định. Song theo vị này, luật ban hành để sàng lọc sạn. Chính vì vậy, càng sàng được nhiều sạn càng tốt và vẫn có thể lọt.
“Khi chúng ta có một luật rõ ràng, cụ thể, đặt ra các giới hạn cao hơn và một nền tảng pháp lý tốt hơn thì có thể chỉ lọt 1 viên sạn thay vì 3,4 viên. Hơn nữa, quy mô viên sạn cũng nhỏ hơn”, ông nói.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, bên cạnh việc “quản” theo con số giới hạn thấp như quy định tại Luật thì phải tạo cơ chế mạnh để xử lý như cho phép cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước có quyền điều tra (thì mới có cơ sở pháp lý nắm được con số thật về tỷ lệ sở hữu cổ phần) và tịch thu số vốn vượt quá hoặc phạt gấp 10 lần số tiền vượt quá tỷ lệ luật định nếu bị phát hiện.
TS Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế thì cho rằng, mấu chốt ở đây là làm thế nào hạn chế được việc thành lập công ty vô tội vạ, những công ty được thành lập với mục đích rút tiền ngân hàng, chứ không phải để kinh doanh. Ông cho rằng, điều này là nằm ngoài tầm tay của Ngân hàng Nhà nước.
Giải pháp, theo TS Nghĩa cần sự phối hợp liên ngành giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các bộ chủ quản. Ví dụ, tại nhiều quốc gia trên thế giới, khi thành lập công ty, ngoài việc đăng ký, công bố thông tin, Bộ Tài chính kiểm soát cả câu chuyện kiểm toán, giám sát doanh thu, chi phí để thu thuế. Nếu gian lận sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí “sạt nghiệp”. Năm nay, doanh nghiệp trốn được thuế nhưng năm sau chưa chắc đã trốn được, bởi điều quan trọng là xử phạt thuế được quyền hồi tố. Trên thế giới, kỷ luật thuế là một trong những biện pháp quan trọng nhất để khống chế tình trạng thành lập công ty vô tội vạ, rút ruột ngân hàng. Nhưng ở Việt Nam, kỷ luật thuế, kiểm toán còn khá lỏng lẻo, dẫn đến doanh nghiệp lợi dụng được yếu điểm này của Nhà nước.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận thẳng thắn, nếu chờ một quy định xử lý triệt để thì sẽ không bao giờ có quy định nào để xử lý triệt để được. Mà các quy định cần phải hướng đến không chỉ trong luật các tổ chức tín dụng mà trong các văn bản pháp luật khác, các lĩnh vực khác có các quy định để làm sao mà hoạt động của doanh nghiệp và người dân ngày càng minh bạch.
Ngoài ra, vấn đề thực thi luật cũng quan trọng. “Quy định như vậy nhưng rõ ràng doanh nghiệp và người dân phải tuân thủ”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Tin An Ninh Hinh Su