Ngày mai (5/3), TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm bị Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao truy tố các tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thâu tóm SCB, biến ngân hàng trở thành ATM của riêng mình
Theo cáo trạng, Trương Mỹ Lan là Chủ tịch của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với một hệ sinh thái bao gồm hơn 1.000 công ty con, công ty liên kết. Để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ thống công ty trên, cũng như việc liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, Trương Mỹ Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của Ngân hàng SCB, trong đó có hoạt động cho vay.
Bằng nhiều hình thức, trong đó có việc mua và nhờ cá nhân đứng tên, bà Trương Mỹ Lna đã sở hữu cổ phần tại SCB lên đến hơn 91%. Riêng Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên sở hữu 75.888.800 cổ phần, chiếm 4,982% vốn điều lệ.
Với quyền hạn của mình, Trương Mỹ Lan đã tuyển chọn, đưa các cá nhân thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của mình vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB.
Trương Mỹ Lan cũng trả mức lương rất cao, từ 200 – 500 triệu đồng/tháng; tặng, thưởng tiền, cổ phần SCB để thông qua các cá nhân này điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, trong đó có hoạt động cho vay.
Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần, chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng thông qua các đối tượng chủ chốt, Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân.
Để rút được tiền từ Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan đã điều hành, chỉ đạo các cá nhân thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để chỉ đạo các đối tượng tại SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tổ chức thành lập nhiều bộ phận, đơn vị, công ty, thuê và sử dụng hàng nghìn cá nhân, câu kết chặt chẽ với nhau, thông đồng với các công ty thẩm định giá, triển khai rút tiền từ SCB.
Do hoạt động của các chi nhánh chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP.HCM, nên từ năm 2020, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT, Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, Nguyễn Phương Hồng, Phó Tổng giám đốc SCB thành lập 3 đơn vị cho vay chỉ để phục vụ cho các khoản vay của Trương Mỹ Lan.
Cả 3 đơn vị này có chức năng cho vay như các chi nhánh của SCB, nhưng trực thuộc quản lý điều hành của Hội sở SCB, không có bộ phận kho quỹ và con dấu riêng mà sử dụng con dấu của đơn vị khác khi hoạt động và chỉ lập hồ sơ cho vay đối với các khoản vay của Trương Mỹ Lan.
Cơ quan điều tra xác định, từ ngày 3/6/2020 đến ngày 24/6/2022, 3 đơn vị cho vay trên đã lập hồ sơ, giải ngân cho 396 khoản vay/tổng dư nợ là 212.725 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 185.183 tỷ đồng, nợ lãi phí là 27.542 tỷ đồng, chiếm 38,27% dư nợ gốc các khoản vay của Trương Mỹ Lan.
Bà Trương Mỹ Lan cũng chỉ đạo thành lập các công ty “ma”; chỉ đạo thực hiện việc đặt tên, tìm địa chỉ trụ sở, thuê người đứng tên đại diện theo pháp luật, cổ đông, thành viên công ty, chọn ngành nghề kinh doanh… phù hợp. Các công ty “ma” và cá nhân được thuê/nhờ đứng tên ngày càng nhiều thêm để phục vụ cho mục đích rút tiền từ SCB.
Kết quả điều tra xác định, có 875 khách hàng gồm 440 cá nhân, 435 pháp nhân đứng tên 1.284 khoản vay, được Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập, thuê hoặc nhờ người đứng tên.
Ngoài ra, Trương Mỹ Lan cũng câu kết với các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật các công ty có liên quan để tạo lập khoản vay, cùng sử dụng, chiếm đoạt tiền của SCB.
Tạo lập hồ sơ vay vốn khống để hợp thức việc rút tiền của Ngân hàng SCB
Cáo trạng nêu rõ, mỗi khi cần rút tiền của SCB, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung (Ngân hàng SCB) phối hợp, câu kết với một số người khác tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống để hợp thức; đưa các cá nhân được thuê/nhờ đứng tên khoản vay, đứng tên tài sản, đại diện công ty “ma” đến ký vào hồ sơ vay vốn khống, hồ sơ thế chấp…
Hầu hết những người này đều ký vào các tờ giấy trắng đã được đánh dấu sẵn vị trí cần ký. Các đại diện pháp nhân, cá nhân đứng tên khoản vay đều không được thụ hưởng và sử dụng tiền, không biết mình vay và nợ SCB số tiền đặc biệt lớn; những người đứng tên tài sản đều xác nhận không phải tài sản của họ.
Đáng nói, hầu hết các khoản vay của Trương Mỹ Lan – Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đều được giải ngân trước và thực hiện hợp thức sau. Trên hồ sơ các khoản vay thể hiện thời điểm giải ngân cùng thời điểm ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, nhưng thực tế việc rút tiền tại SCB đã được thực hiện trước khi hợp đồng tín dụng, thủ tục thế chấp tài sản được hoàn thiện, hợp thức.
Trong 1.284 khoản vay thuộc trách nhiệm của Trương Mỹ Lan còn dư nợ, có 684 khoản vay/dư nợ 382.876 tỷ đồng (gồm: 261.588 tỷ đồng nợ gốc, 121.287 tỷ đồng nợ lãi) chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân, số còn lại tài sản bảo đảm chủ yếu là cổ phần, quyền tài sản; có 201 khoản vay/dư nợ 11.686.649.546.345 đồng (gồm 9.923 tỷ đồng nợ gốc, 1.763 tỷ đồng nợ lãi), hồ sơ vay vốn không có phê duyệt của cấp có thẩm quyền tại SCB.
Thông đồng, câu kết với công ty thẩm định giá
Để rút tiền từ SCB thông qua thủ đoạn lập hồ sơ vay vốn khống, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cán bộ SCB thông đồng, câu kết với nhiều đối tượng tại các công ty thẩm định giá, phát hành các chứng thư thẩm định giá hợp thức các hồ sơ vay vốn của Trương Mỹ Lan.
Trong đó, lãnh đạo SCB gồm Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc; Trương Khánh Hoàng, Quyền Tổng giám đốc; Nguyễn Phương Hồng, Trần Thị Mỹ Dung, Phó Tổng giám đốc chỉ đạo cấp dưới gồm Lê Văn Chánh, Lê Anh Phương, Bùi Ngọc Sơn trực tiếp hoặc qua trung gian để liên hệ với các công ty thẩm định giá; thông đồng, nâng giá tài sản lên nhiều lần, ghi ngày, tháng phát hành các chứng thư theo yêu cầu của SCB để hợp thức thủ tục vay vốn.
Theo kết quả điều tra, SCB thuê 19 công ty thẩm định giá, trong đó có 46 đối tượng là giám đốc, phó giám đốc, thẩm định viên, nhân viên thực hiện phát hành tham gia phát hành 378 chứng thư có liên quan đến các khoản vay còn dư nợ của nhóm Trương Mỹ Lan.
Đến nay, đã xác định có 5 công ty thẩm định giá với 7 cá nhân là piám 12 đốc, phó giám đốc, thẩm định viên, cá nhân môi giới phát hành 23 chứng thư thẩm định giá hợp thức cho các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan.
Để hợp thức hồ sơ, rút được tiền tại SCB, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm đã dùng nhiều tài sản chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá để đưa vào làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay.
Đối với 1.284 khoản vay còn dư nợ thuộc trách nhiệm của Trương Mỹ Lan, có 1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách SCB ghi nhận, phân bổ là 1.265.504 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty thẩm định giá chỉ định giá được 726/1.166 mã tài sản, còn lại 440/1.166 mã tài sản không định giá, vì lý do các tài sản là cổ phần cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản…
Khi cần rút các tài sản có pháp lý, có giá trị để bán hoặc sử dụng cho các mục đích khác, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các đồng phạm thực hiện việc hoán đổi, rút các tài sản đảm bảo có giá trị ra khỏi SCB, thay thế bằng các tài sản khác, hầu hết có giá trị thấp hơn tài sản đã rút ra.
Để dễ dàng hoán đổi tài sản bảo đảm, Trương Mỹ Lan và các đồng phạm tại SCB không thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định hoặc biến tướng thành “Quyền tài sản” để tránh việc đăng ký giao dịch bảo đảm. Trong số 1.284 khoản vay thuộc trách nhiệm của Trương Mỹ Lan, có 240 tài sản bảo đảm giá có tổng trị giá trên sổ sách là 487.451.526.350.000 đồng, bị hoán đổi thành 278 tài sản bảo đảm, giá trị trên sổ sách là 351.948.265.970.604 đồng.
Công ty thẩm định giá chỉ định giá được 260/278 tài sản với tổng trị giá 108.109.794.111.760 đồng.
Rút tiền, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân
Để hợp thức việc rút tiền đã được SCB giải ngân theo phương án khống, cắt đứt, che giấu dòng tiền, tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng, Trương Mỹ Lan chỉ đạo đồng phạm lập phương án thực hiện “giải quỹ” bằng việc lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, để có thể sử dụng tiền mà không bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý; đồng thời né tránh việc phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Trương Mỹ Lan cũng phối hợp với nhiều động phạm, nhân viên SCB cho các cá nhân được thuê đứng tên người thụ hưởng khoản vay, đứng tên cổ phần,… đến ngân hàng ký chứng từ rút, nộp tiền.
Khi các khoản vay khống quá hạn, phải hạch toán nợ xấu nhóm 5, trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị hạn chế theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, Trương Mỹ Lan không trả nợ mà còn chỉ đạo đồng phạm thực hiện thủ đoạn bán nợ xấu cho VAMC và bán nợ trả chậm cho chính các công ty “ma” do nhóm Vạn Thịnh Phát thành lập, để che giấu một phần số nợ xấu, không phải hạch toán lãi, giảm dư nợ tín dụng nhằm tiếp tục chiếm đoạt tiền của SCB.
Kết quả điều tra xác định, trong gian đoạn từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chỉ đạo các đối tượng tại SCB bán nợ xấu cho VAMC, bán nợ các khoản cấp tín dụng trả chậm, cấn trừ nợ 269 khoản vay/216 khách hàng, số tiền gốc giải ngân 133.335.961.717.876 đồng. Đến ngày 17/10/2022, còn tổng dư nợ 200.452.191.939.634 đồng (gồm 130.809.782.637.562 đồng nợ gốc, chiếm 27% tổng dư nợ gốc của nhóm Trương Mỹ Lan và 69.642.409.302.072 nợ lãi).
Trong đó, bán nợ xấu cho VAMC: 69 khoản vay/39 khách hàng, số tiền gốc giải ngân 51.397.168.717.876 đồng, tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 84.231.142.035.181 đồng (gồm: 51.284.704.200.964 đồng nợ gốc và 32.946.437.834.217 đồng nợ lãi);
Bán nợ trả chậm: 148 khoản vay/132 khách hàng, số tiền gốc giải ngân 58.803.513 tỷ đồng, tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 87.502.917.469.207 đồng (gồm: 56.842.479.669.475 đồng nợ gốc và 30.660.437.799.732 đồng nợ lãi).
Cấn trừ nợ: 52 khoản vay/45 khách hàng, số tiền gốc giải ngân 23.135,28 tỷ đồng, đến ngày 17/10/2022 tổng dư nợ là 28.718.132.435.247 đồng (gồm: 22.682.598.767.123 đồng nợ gốc và 6.035.533.668.124 đồng nợ lãi).
Tin An Ninh Hinh Su