Lê Hoàng có công lớn mở ra nền điện ảnh thị trường Việt Nam với Gái nhảy vào năm 2003. Với 12 tỉ đồng doanh thu, phim là hiện tượng thời đó khi người người nhà nhà rủ nhau ra rạp xem phim.
Nhưng nỗi buồn là sự xa vắng dần đều của ông trong nền điện ảnh những năm qua, và đỉnh điểm là phim Trà.
Công và tội của Lê Hoàng với điện ảnh Việt
Nói với Tin Tức Online về “công và tội với điện ảnh Việt Nam”, Lê Hoàng tuyên bố:
“Công bằng mà nói tội của tôi so với công là ít hơn. Mọi người cứ mang Gái nhảy ra, nhưng đừng quên rằng trước Gái nhảy tôi có một loạt những phim rất tử tế và đến giờ phút này vẫn được nhắc đến như Ai xuôi vạn lý, Lưỡi dao, Chiếc chìa khóa vàng, Lương tâm bé bỏng…
Những bộ phim đó không có doanh thu cao thôi chứ đàng hoàng.
Mọi người cứ nói Lê Hoàng Gái nhảy, điên à, đâu phải chỉ có cái đó không đâu.
Bạn tưởng người ta nghiên cứu điện ảnh kỹ lắm à? Người ta cũng hời hợt thôi. Biết bao nhiêu phim chưa xem. Bạn xem Lương tâm bé bỏng chưa? Ai xuôi vạn lý chưa? Chiếc chìa khóa vàng chưa?”.
Chữ “tội” của Lê Hoàng là khi người ta nhắc đến những phim về sau của ông, có phim được xếp vào hàng thảm họa.
Ông nói: “Cũng chả có gì là tội. Tội là thế nào? Tôi chỉ có tội khi làm phim dùng tiền nhà nước mà không ai xem thì mới có tội với xã hội.
Còn tôi làm phim với tư nhân, tôi chỉ có tội với họ thôi chứ không có tội với xã hội.
Tôi không có tội với khán giả vì họ không xem thì làm sao có tội”.
Khi được phản biện là nếu một đạo diễn làm phim dở, có thể chỉ có ít khán giả đi xem nhưng họ vẫn mất niềm tin vào phim Việt và rêu rao “đừng xem phim Việt”. Đó vẫn là một “tội gián tiếp” đối với điện ảnh Việt.
Lê Hoàng công nhận: “Thế thì gián tiếp có tội nhưng nếu xử tôi cái đó thì giờ phút này chẳng có mấy nhà làm phim còn sống”.
Phỏng vấn hay trò chuyện với Lê Hoàng luôn là một trải nghiệm thú vị, sôi nổi vì phong thái, cách nói chuyện của ông rất trẻ trung so với độ tuổi 68.
Lê Hoàng cũng cởi mở, ông không chỉ trả lời các câu hỏi mà còn gợi mở thêm và đưa ra nhiều thông tin, kể ra những câu chuyện mà người ta không hỏi đến, qua đó thấy ông có sự quan sát, chiêm nghiệm lâu năm với đời sống điện ảnh.
Đây chính là một con người khác bên trong Lê Hoàng, bên cạnh con người đạo diễn.
Ông là Lê Thị Liên Hoan – người viết những bài viết chân dung bằng giọng văn trào phúng, với những tình huống, trải nghiệm, cách ví von không ai có được.
Khi phỏng vấn nghệ sĩ khác, nhiều khi phải loay hoay tìm nội dung hấp dẫn để đăng. Còn với Lê Hoàng, người nghe “xây xẩm mặt mày” vì có quá nhiều nội dung, không biết nên chọn cái nào.
Đại lộ hoàng hôn của nghệ sĩ
Phim Trà lấy chủ đề ngoại tình, nhân vật chính từng là gái nhảy trước khi là nhân tình của một người đàn ông. Có những cảnh khi cô làm nghề gợi nhớ đến Gái nhảy hay Lọ Lem hè phố của hơn 20 năm trước.
Nhưng Đoàn Trinh lại không phải là Mỹ Duyên, và nền điện ảnh cũng đã thay đổi quá nhiều kể từ ngày ấy.
“Điện ảnh cả trăm năm rồi nên nhưng mô típ lặp đi lặp lại, người ta không cách gì tìm được sự đổi mới trong kết luận, mà chỉ tìm được sự đổi mới trong thể hiện thôi” – ông nói.
“Thường khi thì các bạn ngồi xuống ghế thì các bạn cũng đoán được một phim tiểu tam như thế nào rồi. Nhưng phim này mà giống như thế thì tôi chặt cái đầu đi” – vẫn là khẩu khí Lê Hoàng khi đứng trước báo chí.
Ông nói phim của ông khó đoán nhưng không có nghĩa là nó hay, “cũng có thể dở đấy”.
Dày dặn kinh nghiệm viết kịch bản sân khấu, Lê Hoàng tự nhận thoại điện ảnh của mình hay, vừa đời thường vừa văn học và có tính biểu tượng.
“Ai không thích thì chịu, cái gì mình hay mình phải tự công nhận chứ chờ chúng nó công nhận có mà chết à” – ông nói.
Cũng đúng, vì với phim Trà thì hầu như chưa ai công nhận cả.
Lê Hoàng là người sẵn sàng nói thẳng về chủ đề nghệ sĩ bị lãng quên. Nhưng ông nói điều đó kinh khủng hơn với diễn viên thay vì với đạo diễn. “Đời tôi đã thấy những cảnh đó rồi, sợ lắm các bạn ơi” – ông kể.
“Từng có cô diễn viên đến liên hoan phim được báo chí săn đón rầm rập. Vài năm sau, cũng cô diễn viên đó, ngồi im một góc trong khi báo chí săn đón rầm rập cô bên cạnh. Họ đau, họ buồn lắm chứ, không đi thì càng bị lãng quên, mà đi thì thấy người ta tung hô người khác”.
Ông hào hứng ca ngợi Đại lộ hoàng hôn (Sunset Boulevard), tác phẩm điện ảnh Mỹ về cô diễn viên mơ về hào quang quá vãng. Với ông, nhân vật “tội nghiệp không thể tưởng tượng được, xem mà đau lòng”.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed