Y Phụng từng được mệnh danh là “nữ hoàng ảnh lịch” thập niên 90, ghi dấu ấn bởi vẻ đẹp gợi cảm, phong cách thời trang táo bạo.
Rời Việt Nam sang Mỹ định cư từ 2005, Y Phụng hoạt động với vai trò ca sĩ, theo đuổi dòng nhạc trữ tình. Cô hiện có cuộc sống hạnh phúc bên chồng và con gái 7 tuổi.
Nhân dịp Tết Giáp Thìn, Y Phụng chia sẻ với phóng viên Dân trí cảm xúc nhớ quê hương, quá trình đón năm mới nơi xứ người.
Nhiều năm ăn Tết xa quê hương, cảm xúc của Y Phụng ra sao mỗi dịp Tết đến xuân về?
– Buồn lắm. Nếu không nhận show đi hát thì Tết Việt Nam ở xứ người buồn vô cùng. Nhưng tôi nghĩ điều đó cũng không có gì lạ, bởi được đón Tết ở chính quê hương mình thì mới trọn vẹn mùi vị, không khí. Vậy mới có câu, dù đi đâu cũng phải trở về nguồn cội.
Thời gian đầu định cư nước ngoài, nhiều người nhớ nhà, tủi thân, đặc biệt là trong dịp Tết đến. Còn chị thì sao?
– Đó là tâm lý chung của mọi người. Ở Việt Nam sướng lắm, tôi đi hát là có tài xế chở đi, muốn ăn món gì thì chạy xe máy ra quán, sáng ngủ nướng đến trưa rồi hẹn bạn bè uống cà phê tán dóc. Khi qua Mỹ, làm quen cuộc sống mới, không người thân, bạn bè, tôi phải mất một thời gian mới thích nghi được.
Nhớ lại 6 tháng đầu định cư ở Mỹ, tôi khóc rất nhiều vì buồn, nhớ nhà. Khi ấy tôi chưa có bằng lái xe, cũng chưa đi diễn, hầu như chỉ nằm ở nhà, muốn đi đâu cũng phải chờ chồng đưa đi. Tôi liên tục đòi về Việt Nam vì bị stress, cảm giác đó kinh khủng lắm!
Y Phụng vượt qua thời gian đó bằng cách nào?
– Sau 1 năm sang Mỹ, tôi thi đậu bằng lái xe. Tôi cũng hợp tác với một trung tâm ca nhạc, có công việc, được đi diễn nên không còn cảm giác tù túng như ban đầu. Nhưng nói thật với bạn, không nơi đâu hạnh phúc bằng quê hương Việt Nam của mình!
Cộng đồng kiều bào chia sẻ nỗi nhớ quê hương cùng chị ra sao?
– Lúc chưa sinh con, tôi bay đi diễn ở nhiều nơi. Mùa Tết lại càng bận rộn, đón Tết ở xa là chuyện bình thường. Những tiểu bang nơi tôi đến hát, hoặc ngay tại California nơi tôi sinh sống, cộng đồng người Việt trang trí phố xá, nhà cửa, tổ chức ăn Tết Nguyên đán rất long trọng. Tôi thấy ấm áp khi có nhiều dịp ăn Tết cùng khán giả.
Một kỷ niệm đón giao thừa đặc biệt mà Y Phụng không thể quên?
– Với tôi, giao thừa năm nào cũng là kỷ niệm đáng nhớ. Tôi thích nhất đêm giao thừa và rạng sáng Mùng 1 Tết. Sau khi làm mâm cúng, tôi đi chùa. Thói quen này tôi vẫn giữ nhiều năm.
Tôi thích ngửi mùi thơm của xác pháo, cảm nhận hương vị Tết trong gió trời hòa quyện cùng hương thơm nhang đèn, tiếng chuông chùa khi chuyển giao năm mới.
Năm nay, chị chuẩn bị ra sao về khâu trang trí nhà cửa, mua sắm, nấu ăn… để có cái Tết Giáp Thìn trọn vẹn, tươm tất?
– Gần 20 năm ở xứ người, mỗi lần đến Tết Nguyên đán, tôi đều ra chợ thật sớm để mua hoa về chưng cho nhà cửa có không khí. Những món ăn truyền thống như thịt kho hột vịt, bánh chưng, bánh tét, mâm cỗ cúng giao thừa tôi đều chuẩn bị đầy đủ như lúc còn ở Việt Nam.
Y Phụng hướng dẫn con gái như thế nào để bé hiểu về truyền thống Việt Nam?
– Nhìn tôi, có lẽ nhiều người không tin tôi là mẫu phụ nữ truyền thống. Đừng thấy tôi ăn diện hiện đại mà lầm, tôi là kiểu người truyền thống 100% (cười).
Tôi sống thực tế nhưng luôn hướng về những giá trị cội nguồn. Tôi dạy cho bé Paris (con gái Y Phụng – PV) giữ gìn nếp văn hóa của Việt Nam, chẳng hạn như cho bé mặc áo dài đi chợ Tết, dạy bé hiểu Tết quê hương là phải có hoa mai, bánh chưng, bánh tét, hộp bánh mứt 5 ngăn, dạy bé lì xì là như thế nào.
Trước Tết 1 tháng, tôi mua bức tranh vải vẽ hình Tết xưa treo trên tường phòng khách, để con gái nhìn là hiểu Tết Việt Nam đang đến rồi.
Một phong tục ngày Tết mà Y Phụng thích nhất?
– Đến giờ tôi vẫn thích được lì xì, vì tôi mê tiền từ xưa đến nay (cười). Có một số người suy nghĩ tiền không phải là tất cả, điều đó đúng một phần. Nhưng không có tiền thì chúng ta sẽ chẳng làm được gì cả.
Hiện tại, niềm vui trong cuộc sống của chị đến từ đâu?
– Tôi vẫn đam mê nghề ca hát và rất trân trọng công việc của mình. 4 năm nay, tôi chăm lo cho con gái nên tạm nghỉ ngơi, hy sinh sự nghiệp và đánh mất nhiều cơ hội lớn.
Bây giờ con gái tôi đã chững chạc, tôi có thể an tâm quay trở lại nghệ thuật. Tôi thích ánh đèn sân khấu – nơi đã cho gia đình tôi chén cơm, manh áo.
Cảm xúc của Y Phụng khi khán giả Việt Nam vẫn yêu mến, dõi theo chị dù chị đã qua thời đỉnh cao?
– Đó là điều may mắn với tôi. Dù có nhiều thế hệ trẻ tiếp nối nhưng khán giả vẫn dành tình yêu thương cho tôi. Sự ủng hộ của khán giả là động lực để tôi tiếp tục với nghề.
Tôi giống ba, yêu nghề, tâm niệm rằng “ca hát đến khi chết”. Tôi thường nghĩ mình sẽ chết trên sân khấu trong một vai diễn cải lương, như một lời tri ân với tổ nghiệp, với khán giả.
Y Phụng tên thật là Nguyễn Mỹ Thể, sinh năm 1979 tại TPHCM. Cô là con gái của cặp nghệ sĩ cải lương Minh Phụng – Kiều Tiên.
Sau khi nổi tiếng từ phim Những cánh hoa hoang dại (1995), Y Phụng tham gia nhiều phim khác như Riêng chỉ có anh, Đời vũ nữ, Bên dòng sông Trẹm…
Năm 2005, Y Phụng kết hôn, theo chồng sang Mỹ định cư. Sau 7 năm, người đẹp ly hôn và khá kín tiếng về người chồng đầu tiên.
Y Phụng kết hôn lần 2 vào năm 2016. Vợ chồng cô đón con đầu lòng vào cuối năm 2017.
Trong 19 năm sang Mỹ, cô vẫn hoạt động với vai trò ca sĩ, theo đuổi dòng nhạc trữ tình.
Văn hóa | Báo Dân trí