Áp lực khi được gọi là mỹ nhân, nữ hoàng ảnh lịch
Một ngày cuối năm, NSND Thu Hà đến cuộc hẹn với nhóm phóng viên Dân trí trên chiếc xe đạp nhỏ. Chị bảo, bây giờ ít người đi xe đạp, nhưng chị vẫn giữ thói quen này để đến Nhà hát Kịch Hà Nội, đi dạo phố và rèn luyện sức khỏe.
Ngoài đời, chị là một người trẻ trung gần gũi, khác hẳn hình ảnh ghê gớm của bà Bạch Cúc phim Hướng dương ngược nắng hay tiểu thư đài các trong Lá ngọc cành vàng.
Trong cuộc trò chuyện thân tình, chị đã chia sẻ về cuộc sống và công việc của mình. Ở tuổi hơn 50, chị hài lòng với những gì mình đang có…
Nhiều người nói, về làm việc ở Nhà hát Kịch Hà Nội rất khó, còn chị thì sao?
– Thời đó, tôi nộp đơn xin việc cho 3 đơn vị: Đoàn kịch Công an nhân dân, Hãng phim truyện Việt Nam và Nhà hát Kịch Hà Nội. Hai đơn vị kia thì đã đồng ý nhận tôi rồi nhưng Nhà hát thì chưa, vì tôi không có hộ khẩu Hà Nội.
Hôm đó, bỗng nhiên tôi nhận được một cuộc điện thoại nói “Hà ơi, đoàn kịch Hà Nội mời em về làm nhé”, thế là tôi được ban lãnh đạo làm các thủ tục để vào làm việc.
Tôi nhớ, mình có nói với chú Hoàng Quân Tạo – Giám đốc Nhà hát lúc bấy giờ – là “Nhà hát kịch toàn các nghệ sĩ nổi tiếng, cháu sợ lắm”.
Tôi về Nhà hát, được chú Hoàng Quân Tạo đưa đi giới thiệu từng phòng ban nên xúc động lắm. Đó là ân tình tôi không bao giờ quên nên sau này, có rất nhiều lời mời làm việc ở các đơn vị khác, tôi cũng chỉ chung thủy với Nhà hát Kịch Hà Nội.
Nhiều khán giả thường xuyên đến Nhà hát Kịch Hà Nội xem vì có Thu Hà diễn. Ở tuổi hơn 50, chị vẫn là gương mặt “bán vé” nhỉ?
– Ở mỗi giai đoạn, Nhà hát Kịch Hà Nội đều có những gương mặt khác nhau như: Trần Hạnh, Hoàng Cúc, Lê Mai, Thanh Tú, Trần Vân, Hoàng Dũng… tôi tự hào vì được làm việc ở đây. Tôi may mắn khi được khán giả luôn yêu quý, có con đường nghệ thuật thuận lợi.
Bây giờ, Nhà hát cũng có nhiều nghệ sĩ trẻ, là các gương mặt hot của truyền hình như: Thanh Hương, Chí Nhân, Tiến Lộc, Ngọc Quỳnh, Huyền Thạch… Các Nhà hát khác chỉ có vài “ngôi sao” nhưng chúng tôi có nhiều bạn trẻ tài năng.
Nhắc đến Thu Hà, người ta thường gọi chị là người đẹp ảnh lịch, mỹ nhân “lá ngọc cành vàng”, chị có thấy vui không?
– Thú thực là tôi rất áp lực, hồi đóng các phim như: Lá ngọc cành vàng, Đêm hội Long Trì… nhìn tôi rất quê và gầy, tôi cảm giác không tự tin vào chính mình. Nhưng khi vào vai điện ảnh quận chúa, tiểu thư cổ trang lại thấy… không xấu lắm.
Đôi khi tôi sợ khi “bị” gọi như vậy nhưng khán giả an ủi mình “Thu Hà vẫn xinh lắm”. Khi bắt đầu trưởng thành về nghề nghiệp, tuổi tác, tôi cũng nghĩ đơn giản hơn: Đó chỉ là một cái tên trong phim. Còn ngoài cuộc sống, tôi lại rất… đời.
Khán giả vẫn thấy tôi đi khắp phố phường với chiếc xe đẹp hay ngồi nói chuyện với các bác bán hàng rong… tôi ý thức được mình càng gần gũi với cuộc sống bao nhiêu thì có thiện cảm hơn là mắc bệnh “sao”, ăn mặc diêm dúa, xa cách với khán giả, mọi người.
Nghe nói, chị cũng có một tuổi thơ khá… dữ dội?
Ngày nhỏ, tôi cùng mẹ sống ở Tuyên Quang. Bố tôi mất sớm, khi tôi mới 2 tuổi. Nhà chỉ có hai mẹ con.
Mẹ tôi làm việc ở một trường dân tộc nội trú, tuổi thơ của tôi là những năm tháng sống ở đây.
Ngày đó, mẹ tôi có một vườn chè nhỏ nhỏ, hàng ngày bà vẫn giao cho tôi đi hái chè hay nấu cơm… đó là những việc nhẹ nhàng mà trẻ con thời đó vẫn làm. Ngày đó, tôi cũng là một đứa trẻ con ngoan nên mẹ không phiền lòng về tôi bao giờ.
Mua được nhà ở Hà Nội sau khi đóng 2 bộ phim
Khi quyết định xuống Hà Nội lập nghiệp, chị có phải đắn đo nhiều không?
– Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều. Tôi không phải học quá giỏi để trở thành một giáo viên như mẹ mơ ước. Tôi nghĩ, đằng nào mình cũng đi xa nên quyết định xuống Hà Nội để có một cái nghề nuôi sống bản thân nên đi làm văn công.
Hồi đó, tôi không có khái niệm làm nghệ sĩ để giàu, để nổi tiếng mà tự lập như vậy để mẹ đỡ lo hơn cho mình.
Vừa lớn lên, tôi đã xuống Hà Nội học tập và làm việc nhưng trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ, mình vẫn là một người nhà quê nên mình cứ chân chất, chân thành với mọi người.
Sau đó, mẹ chị cũng xuống Hà Nội cùng con gái đúng không?
– Những năm đó, cứ thi thoảng tôi đi từ Hà Nội về Tuyên Quang, đi xe khách đường dài thấy mệt quá, tôi quyết định mua nhà ở Hà Nội. Sau 2 bộ phim đóng ở TPHCM thì tôi mua được nhà và đón mẹ xuống ở, thế là mẹ thành người Hà Nội (cười).
Tôi may mắn là nghệ sĩ sống được với nghề. Tôi không giàu có nhưng thấy đủ. Tôi nhận thấy mình là người của thế hệ trước, nếu mình có một người quản lý tốt như giới trẻ bây giờ thì mình sẽ sướng hơn, giàu hơn.
Cuối năm chị có bận không?
– Tôi cũng có nhiều dự án. Nếu không bận, tôi cũng thường đến Nhà hát xem các em, các cháu tập vở. Tôi bây giờ có tuổi rồi nên nhường cho các bạn trẻ tỏa sáng, ngồi dưới đóng góp ý kiến cho các bạn ấy.
Thi thoảng có các liên hoan, hội diễn, tôi vẫn có mặt và tham gia, vì nếu không lên sân khấu nữa, phản xạ với nghề sẽ bị mất, bản lĩnh sân khấu không được nhanh nhẹn như xưa.
Ngồi nhìn các bạn diễn, tôi cũng học hỏi được nhiều. Sân khấu, truyền hình bây giờ phá cách, phóng khoáng hơn nhiều nên mình nhìn để diễn tốt hơn.
Ngày Tết của chị thường diễn ra như thế nào?
– Ngày Tết nhà tôi rất truyền thống, 3 ngày Tết là ở nhà chuẩn bị cơm nước để thắp hương các cụ. Mâm cơm ở nhà cũng là tôi làm, bây giờ mọi thứ sẵn tiện nên việc tổ chức, sắp xếp mâm cơm mới quan trọng.
20 năm nay, tôi thường về quê chồng để đón Tết. Tôi cảm thấy Tết ở quê ấm cúng và có không khí Tết hơn. Tết trên phố chỉ đến nhà người thân rồi đi chùa chứ không có nhiều hoạt động làng, xã.
Ở mỗi vùng lại có đặc trưng Tết riêng, nhiều năm đón Tết ở quê chồng, chị thấy thế nào?
Năm đầu về quê chồng thì buồn lắm, vì tôi ở Hà Nội đã lâu, đã quen với lối sống ở thành phố, ảnh hưởng các thói quen ở Hà Nội nên cũng phải có thời gian để làm quen với quê chồng.
Từ ngày về quê chồng tôi đã phát hiện có món bánh chưng lạ hơn những nơi khác. Đó là bánh chưng nhân đường với gừng. Thú thật, năm đầu tôi không quen nên hơi khó ăn.
Sau đó cảm thấy lạ lạ, rồi đến giờ thì đó là món đặc biệt và có phần tự hào. Năm nào không có bánh chưng nhân đường cũng thấy nhớ, ăn nhiều cũng bắt đầu thấy ngon. Thậm chí có năm tôi còn đem tặng bạn bè khiến họ trầm trồ.
Về quê, chị có tham gia nấu nướng với người thân không?
– Ban đầu khi về, chưa biết gì tôi cũng ngồi… nhìn, sau đó quen dần thì cũng bắt tay vào hỗ trợ mọi người. Ở quê chồng, ai cũng nấu ăn rất ngon, bà nội các cháu rèn nên các cô em chồng rất đảm đang, tôi về chỉ “le ve” rửa bát, quét nhà thôi.
Ngày Tết, các cô về nhà của mình, không có ai làm thì tôi vẫn vào bếp, nhưng vẫn nói với mọi người “em làm được hết đấy, đừng chê em, vì có thể do khẩu vị vùng miền nên sẽ hơi khác tí”. Nhưng nói chung là ngày Tết nhà tôi cũng rất đầm ấm, vui vẻ.
Nhiều nghệ sĩ thích đi du lịch dịp Tết, còn chị thì sao?
– Các gia đình trẻ thì hiện nay có xu hướng đi du lịch dịp Tết. Con trai út của tôi chia sẻ, sau này lớn con sẽ đi du lịch vào Tết tây còn Tết ta con sẽ ở nhà. Không biết sau này cậu ấy thực hiện như nào nhưng tôi rất thích quan điểm của con.
Còn tôi thì vẫn thích Tết là ở nhà. Bên nhau, quây quần cùng nhau giây phút giao thừa là cảm giác thiêng liêng nhất trong một năm của tôi.
Xin cảm ơn chị vì những chia sẻ!
NSND Thu Hà, tên đầy đủ là Đồng Thu Hà, sinh năm 1969. Chị nổi tiếng với nhan sắc “khuôn vàng thước ngọc” nên thường được mời vào những vai có thân thế cao sang. Khởi nghiệp là một diễn viên kịch nhưng sau đó Thu Hà lại nổi tiếng nhờ các vai diễn trên màn ảnh.
Vai Quận chúa Quỳnh Hoa trong “Đêm hội Long Trì” (1989) hay cô Nga (con gái quan tri phủ) trong “Lá ngọc cành vàng” (1989)… là những vai diễn đưa tên tuổi Thu Hà đến gần với công chúng.
Thu Hà là minh tinh màn bạc được người hâm mộ yêu mến cuồng nhiệt những năm 90, cùng với những tên tuổi như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Y Phụng,… Cô cũng được mệnh danh là “Nữ hoàng ảnh lịch”.
Năm 2019, Thu Hà là một trong những nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND.
Ảnh: Thành Đông
Văn hóa | Báo Dân trí