Đi xin lửa đêm giao thừa
Làng Động Bồng, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung cách trung tâm thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa) chừng 50km. Bao đời nay, người dân ven dòng sông Hoạt sống chủ yếu bằng nghề nông.
Hiện ở làng Động Bồng có ngôi đình cổ được xây dựng vào thời Vua Gia Long thứ 12 (1812), thờ Thành hoàng làng Tô Hiến Thành – bậc đại thần văn võ song toàn nhà Lý (thế kỷ XII). Đình làng Động Bồng gắn với phong tục hết sức độc đáo, diễn ra vào thời khắc đêm giao thừa, đó là tục đốt đình liệu.
Theo các cụ cao niên trong làng Động Bồng, tục đốt đình liệu không biết có từ bao giờ, nhưng nhiều năm qua, người dân địa phương coi đây là phong tục truyền thống, được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Ông Bùi Văn Lô (78 tuổi), cho biết, ai sinh ra và lớn lên ở làng Động Bồng đều biết đến phong tục đốt đình liệu. Tục đốt đình liệu hay còn gọi là tục đốt lửa, xin lửa để cầu ánh sáng, may mắn.
“Chúng tôi được ông cha kể lại, thời xa xưa, người dân làng Động Bồng sinh sống chủ yếu trong hang động, lấy mái đá làm nhà, địa bàn cư trú là vùng chiêm trũng quanh năm ngập nước.
Vì vậy, lửa đóng vai trò rất quan trọng, không thể thiếu trong cuộc sống của người làng Động Bồng. Từ những tập quán sinh sống đó, người dân hình thành phong tục đốt lửa để cầu xin ánh sáng, may mắn”, ông Lô nói.
Theo ông Lô, đình liệu ở nhiều nơi được làm thành một bó đuốc lớn, nhưng ở làng Động Bồng, đình liệu được người dân làm thành hình nộm con rồng lớn. Cứ đến đêm giao thừa, người dân trong làng lại quây quần tại đình Động Bồng để chuẩn bị cho thời khắc thiêng liêng, chứng kiến ngọn lửa đầu tiên bốc lên từ đình liệu.
Để chuẩn bị cho lễ đốt đình liệu, hàng năm, vào ngày 20 tháng Chạp, người dân trong làng Động Bồng rủ nhau lên núi Tượng Sơn (ngọn núi lớn ở địa phương) để chặt cây lè lè (một loại cây họ tre, trúc, có chất dầu dễ cháy) đem về phơi khô. Ông Lô năm nay 78 tuổi, nhưng vẫn nhớ như in ngày còn là cậu bé đã từng được theo chân bố mẹ lên núi hái cây về làm đình liệu.
Đến ngày 25 tháng Chạp, người dân trong làng tập trung tại đình, mỗi người một việc chuẩn bị cho đêm giao thừa. Các cụ cao niên thì lau chùi đồ đạc trong đình, các chàng trai chưa vợ, khỏe mạnh bó các cây lè lè đã phơi khô, kết thành hình nộm rồng dài khoảng 15m, đặt trong đình làng, không ai được tùy tiện đến gần.
“Theo phong tục địa phương, người tham gia kết hình nộm rồng phải là đàn ông, thanh niên trai tráng khỏe mạnh, phụ nữ và trẻ nhỏ không được tham gia”, ông Lô chia sẻ.
Chiều 30 Tết, hình nộm rồng sẽ được di chuyển ra giữa sân đình. Rồng phải đặt đúng thế đầu vươn cao, thân hạ thấp. Thời khắc giao thừa, 4 thanh niên khỏe mạnh rước kiệu, 6 người cầm đuốc, 4 người cầm cờ và các cụ cao niên đến đền Hạ (ngôi đền thiêng gần đình Động Bồng) để xin lửa.
Sau đó đưa lửa về làm lễ tại đình làng để xin Thành hoàng làng được đốt đình liệu đón năm mới. Nói về lễ tế, ông Lô cho hay, buổi lễ diễn ra theo nghi thức trang nghiêm, đội tế lễ gồm 10 người là những người lớn tuổi (từ 50 tuổi trở lên). Những người này được chọn lọc khá kỹ càng, đảm bảo các yếu tố như gia đình không có tang, con cái trong gia đình thành đạt.
Sau màn tế lễ sẽ đến phần quan trọng nhất được người dân chờ đợi, đó là châm lửa đốt đình liệu. Trong thời khắc này, người dân trong làng từ già trẻ, gái trai, ai cũng háo hức cầm theo ngọn đuốc để ra đình đi xin lửa, đưa về nhà báo cáo với thổ công, gia tiên và nhóm bếp nấu đồ cúng trong năm mới.
Lưu giữ nét văn hóa truyền thống
Ngày nay, trải qua hàng trăm năm, người dân làng Động Bồng vẫn lưu giữ nét văn hóa truyền thống này.
Ông Tống Văn Khuyên – Trưởng thôn Động Bồng, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung – cho biết, tục đốt đình liệu là một lễ hội truyền thống của người dân, tục lệ này như một phần không thể thiếu trong thời khắc giao thừa của dân làng.
Với họ, đốt đình liệu là thời khắc quan trọng nhất trong năm, dù ai đi xa về gần đều háo hức được tham gia. “Có thời gian chiến tranh, tục lệ bị mai một. Với mong muốn gìn giữ văn hóa truyền thống, người dân địa phương đã khôi phục nhằm tỏ lòng thành kính và nhớ ơn cha ông đã có công khai hoang lập ấp”, ông Khuyên cho biết.
Theo ông Khuyên, cả làng Động Bồng có hơn 800 nhân khẩu, những ngày cận Tết, người dân trong làng tập trung về đình để chuẩn bị những bó đuốc ưng ý nhất đi xin lửa trong đêm giao thừa, ai cũng háo hức chờ đợi đến thời khắc đốt đình liệu.
Là một trong những người phụ nữ về làm dâu ở làng Động Bồng, chị Bùi Thị Thanh Tâm chia sẻ, năm đầu tiên khi tham dự lễ đốt đình liệu, chị cảm thấy khá bất ngờ. “Chưa bao giờ thấy không khí đêm giao thừa lại vui đến như vậy. Người dân trong làng gần như thức xuyên đêm, ai cũng háo hức cầm theo đuốc ra đình đi xin lửa. Trong đêm, tiếng hò reo kèm theo những ngọn đuốc rực sáng tạo nên một không khí no ấm, sung túc trong năm mới”, chị Tâm chia sẻ.
Bà Phan Thị Lan, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hà Trung, cho biết, đình Động Bồng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2001. Tục đốt đình liệu mang đặc trưng văn hóa của người Việt cổ. Mặc dù đã trải qua hàng trăm năm, nhưng người dân làng Động Bồng vẫn còn lưu giữ nét đẹp văn hóa này.
“Đây là một phong tục khá quý giá mà người dân lưu giữ được. Tuy nhiên, thực tế đình Động Bồng và tục đốt đình liệu chưa được quan tâm, gìn giữ đúng tầm của một di tích cấp quốc gia. Để gìn giữ và phát huy hơn nữa nét đặc sắc này, tới đây chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các cấp, ngành để tổ chức tục đốt đình liệu theo quy mô lớn hơn, làm điểm nhấn của địa phương”, bà Lan cho biết.
Văn hóa | Báo Dân trí