Ở nơi xa lạ, mâm cơm Tết truyền thống Việt Nam với bánh chưng, củ kiệu, canh măng, nem rán, thịt gà luộc, thịt kho tàu… được đồng bào người Việt ở Ukraine chuẩn bị tươm tất. Nghệ sĩ cùng kiều bào quây quần bên nhau, chia sẻ thân tình như người một nhà.
Những người xa quê lâu năm được dịp lắng lòng trong tiếng tiếng đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc… Còn đối với những nghệ nhân như Đinh Nhật Minh nói riêng và những nghệ sĩ khác nói chung, lưu diễn ngày Tết là sứ mệnh thiêng liêng. Họ tự hào vì góp phần đưa âm nhạc cổ truyền – một phần hồn vía dân tộc – đến với những người con xa xứ.
Nhân dịp Tết 2024, phóng viên Dân trí có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Đinh Nhật Minh.
Cầm cây sáo trúc trên tay, chàng trai 9X trải lòng từ những áp lực khi là “con nhà nòi”, cho đến những vấp ngã, thất bại, cách đưa âm nhạc dân tộc đến gần khán giả trẻ và niềm tự hào trong những chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới.
“Tôi từng nghĩ mình cũng phải là “số 1″ giống ông nội”
Xin chào Đinh Nhật Minh! Năm 2023 với bạn có gì đặc biệt?
– Đầu năm, tôi nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM 2022 do Thành đoàn TPHCM trao tặng. Là nghệ sĩ thuộc Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, tôi được các cấp lãnh đạo TPHCM, Sở Văn hóa & Thể thao, Sở du lịch cử đi lưu diễn nhiều quốc gia.
Năm nay tôi cũng được vinh danh là Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc. Đó là động lực lớn với tôi.
Là thế hệ thứ 3 trong gia đình giàu truyền thống âm nhạc dân tộc, Đinh Nhật Minh được bố mẹ, ông bà dẫn dắt ra sao?
– Ban đầu ba mẹ không hướng tôi theo nghệ thuật. Năm 9 tuổi, tình cờ thấy cây sáo trúc của ba để trên bàn, tôi tò mò cầm lên và nói “ba hướng dẫn giúp con”.
Từ đó, tôi bỏ hết những thú vui khác của một cậu nhóc để tập luyện sáo trúc. Ba vẫn thường nói đùa rằng thực ra hồi đó ba “dụ” tôi chơi sáo trúc để tôi bỏ chơi điện tử (cười).
Là cháu nội của NSƯT Đinh Thìn và là con trai của NSƯT Đinh Linh – đều những những nghệ sĩ sáo trúc nổi tiếng – bạn nghĩ sao về danh xưng “con nhà nòi”?
– Tôi từng áp lực khủng khiếp khi ông nội và ba mẹ đều là những nghệ sĩ tài hoa.
Thời trẻ con, tôi suy nghĩ hơn thua. Tôi nghĩ ông nội là số một, thì tôi cũng phải là số một. Khi trưởng thành, tôi nhận ra điều đó không quan trọng. Điều cần làm là thể hiện cái mình thích, theo đuổi thứ mình thấy phù hợp với cá tính của mình.
Tôi từng nhuộm tóc, đeo khuyên tai, ăn mặc bụi bặm. Ngay trên sân khấu, tôi cũng không ngại đổi mới. Tôi muốn chơi sáo trúc truyền thống theo cách hiện đại, kết hợp sáo trúc với âm nhạc điện tử để khán giả trẻ tiếp cận nhiều hơn.
18 năm theo nghề, cú ngã nào khiến bạn thấy “đau” nhất?
– Năm 2012, khi đoạt HCV tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, tôi nghe được lời góp ý khiến mình thức tỉnh.
Thời điểm đó, tôi vẫn là sinh viên Học viện Nghệ thuật Quảng Tây (Trung Quốc). Về nước đi thi và đoạt giải, tôi tự hào lắm. Nhưng trong hội đồng Ban giám khảo, NSND Hà Thế Dũng nói tôi làm chưa tốt.
Bác nói trân trọng thành tựu gia đình tôi đóng góp cho văn hóa, bác đánh giá cao việc tôi tiếp nối truyền thống gia đình, nhưng về chuyên môn của tôi, bác không thích. Bác Dũng nhận xét cách trình diễn của tôi bị ảnh hưởng nhiều bởi phong cách nước bạn, chưa thực sự thuần Việt. Đó cũng là một “cú tát” giúp tôi nhìn nhận lại.
Và đó cũng là lý do sau khi du học, bạn quyết định về Việt Nam?
– Năm 2014, tôi gặp biến cố khá lớn. Mẹ tôi ốm nặng, đứng giữa ranh giới sống chết. Tôi cũng phân vân giữa 2 con đường, hoặc ở lại Trung Quốc, hoặc về nước. Tôi nghĩ 2 thế hệ gia đình mình đều làm nghệ thuật tại Việt Nam, tại sao tôi phải sang nước ngoài? Do đó, tôi quyết định về nước. Tôi muốn ở gần mẹ, muốn gây dựng sự nghiệp tại quê nhà.
“Nghệ sĩ hy sinh “mùa xuân” của mình là điều bình thường”
Thời điểm mới về nước, bạn gặp khó khăn gì?
– 7 năm du học, tôi rèn tính tự lập, không muốn dựa dẫm gia đình nên tự tìm cách bước đi trên đôi chân của mình.
Thời mới về nước, tôi rất nản lòng vì đi diễn sự kiện, thổi sáo 3-4 tiếng đồng hồ mà cát-xê chỉ hơn 100.000 đồng. Tôi chạnh lòng vì vị thế của âm nhạc dân tộc trước các loại hình âm nhạc phương Tây, hoang mang không biết mình sẽ phải làm thế nào để đủ sống với nghề.
Không chỉ chúng tôi, thời ba mẹ cũng thế. Rất nhiều nghệ sĩ âm nhạc dân tộc chật vật để sống được với đồng lương ít ỏi.
Bạn làm thế nào để đưa tiếng sáo đến khán giả trẻ?
– Có lẽ tôi là một trong những nghệ sĩ âm nhạc dân tộc phá cách nhất (cười). Đôi lúc tôi biểu diễn với áo thun, quần jeans. Tôi muốn gần gũi, thân thiện nhất có thể. Tôi nghĩ chơi sáo trúc không nhất thiết phải đứng yên, có thể nhảy nhót, biểu diễn sinh động hơn.
Năm 2017, tôi dùng tiền tích góp mua máy ảnh, đến những địa điểm nổi tiếng ở TPHCM để biểu diễn những ca khúc hit được giới trẻ yêu thích và ghi hình lại, phát lên YouTube. Từ đó, tôi được khán giả chú ý, có cơ hội xuất hiện nhiều hơn trên truyền hình. Đó là bước ngoặt giúp tôi tiếp tục giữ “lửa” làm nghề.
Những năm gần đây, góc nhìn của công chúng dành cho âm nhạc dân tộc đã thay đổi như ra sao?
– Khán giả đón nhận tích cực hơn. Các cơ quan quản lý văn hóa, lãnh đạo các cấp cũng quan tâm, hỗ trợ cho nghệ sĩ âm nhạc cổ truyền. Ca sĩ, nhạc sĩ trẻ lan tỏa văn hóa dân tộc bằng nhiều hình thức, ví dụ như kết hợp nhạc cụ truyền thống, khai thác chất liệu mang âm hưởng dân gian…
Bạn có lời khuyên nào cho những học sinh, sinh viên theo ngành âm nhạc dân tộc?
– Nghệ thuật vốn lắm chông gai nên luôn phải kiên trì rèn luyện. Ngày nay âm nhạc dân tộc đã được quan tâm nhiều hơn. Quan trọng là các bạn trẻ có đủ bản lĩnh, kiên trì để theo nghề hay không.
Tôi hy vọng nghệ sĩ sáo trúc nói riêng, nghệ nhân âm nhạc truyền thống nói chung ai cũng có thể sống được với nghề. Đó là động lực để thế hệ sau tiếp tục giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc.
Những chuyến lưu diễn ngày Tết, phục vụ kiều bào xa xứ có ý nghĩa thế nào với bạn?
– Với những người nghệ sĩ chơi nhạc truyền thống như chúng tôi, việc phải “hy sinh” mùa xuân của riêng mình là chuyện hết sức bình thường.
Đến nay, tôi đã có 4 lần lưu diễn xa nhà dịp Tết. Mỗi chuyến đi đều có những cảm xúc đặc biệt, giúp tôi thêm yêu quê hương, con người Việt Nam hơn. Tôi cũng tự hào khi góp sức trong các show diễn âm nhạc cổ truyền, cho bà con xa xứ thêm hương vị mùa xuân quê nhà.
Một kỷ niệm đáng nhớ với Đinh Nhật Minh?
– Tết năm 2020, tôi và một số nghệ sĩ sang Thái Lan biểu diễn, đó cũn là lúc dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên thế giới. Chúng tôi không tránh khỏi sự lo lắng, bất an. Nhưng tình cảm nồng nhiệt của kiều bào, người dân tại tỉnh Udon Thani đã khiến chúng tôi quên hết lo toan về dịch bệnh.
Tết cũng là lúc chúng ta đặt ra mục tiêu cho năm mới?
– Năm 2024, tôi muốn tiếp tục dạy học, quảng bá nhạc dân tộc, lan tỏa điều tích cực đến mọi người. Tôi cũng ấp ủ làm album kỷ niệm các tác phẩm đã trình diễn, lưu lại tiếng sáo của mình.
Tôi hy vọng nghệ nhân âm nhạc truyền thống đều có thể sống được với nghề. Đó là động lực để thế hệ sau tiếp tục giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc.
Cảm ơn Đinh Nhật Minh vì cuộc trò chuyện!
Đinh Nhật Minh sinh năm 1996 trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, ông nội là cố NSƯT Đinh Thìn, cha là NSƯT Đinh Linh, mẹ là NSƯT Tuyết Mai.
Năm 2012, Đinh Nhật Minh đoạt Huy chương Vàng độc tấu sáo trúc đầu tiên tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc khi mới 16 tuổi. Đến nay, chàng trai 9X đã sở hữu hơn 10 giải thưởng uy tín trong và ngoài nước.
Năm 2022, Đinh Nhật Minh là một trong 12 gương mặt được vinh danh “Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM” do Thành đoàn TPHCM trao tặng.
Văn hóa | Báo Dân trí