Tết là đoàn viên. Tết là sum vầy. Tết thiếu ai thì nhà cũng vắng. Huống hồ bố mẹ thiếu cả hai đứa. Ngoài kia, hẳn nhiều cha mẹ cũng như bố mẹ, Tết này con không về!
Học đủ trong sự thiếu
Tết không con nhà vắng lắm! Đó là một sự thật vật lý rõ ràng. Bố mẹ ở trên thành phố có thể sẽ đỡ buồn hơn nhưng nhiều cha mẹ dưới quê hẳn sẽ buồn hơn nữa. Vì dưới quê, những phong tục còn nặng nề định kiến về việc đoàn viên, sum vầy. Bố mẹ cũng chưa đủ già để ngóng trông con cái nhiều như những cha mẹ 70, 80 tuổi.
Nói vậy chẳng phải để an ủi mình về một cái Tết vắng hai con. Mà chỉ để bố mẹ học cách chấp nhận sự thật vật lý này.
Cha mẹ nào cũng vậy cả thôi, 18 cái Tết quen việc có con, quen với những giao thừa cả nhà quây quần bên nhau, bố mẹ mừng tuổi hai đứa và nhận về những lời chúc của hai đứa. Những cái Tết đủ đầy luôn là điều tuyệt vời nhất mà chúng ta ai cũng muốn có.
Sự thật vật lý là nhà vắng con. Nhưng lòng của cha mẹ thì chẳng bao giờ vắng con. Dẫu Tết này các con không ở đây, trong ngôi nhà của chúng ta. Nhưng giao thừa bố mẹ vẫn nhận được lời chúc mừng năm mới từ các con. Thời của công nghệ cao, điện thoại có cả hình ảnh các con chứ không chỉ là lời nói. Là cả nhà vẫn nhìn thấy nhau đủ đầy.
Như trong lòng của cha mẹ, các con vẫn luôn ở trong, ấm áp và ngọt lịm. Dẫu các con có ở đâu, Phần Lan lạnh giá hay những người con đang phải xa quê khác. Có thể là những đứa con du học xa nhà. Có thể là những đứa con đi làm công nhân hay công việc khác mà chẳng thể về quê đón Tết cùng cha mẹ.
Cuộc sống này là vậy, con số khoảng cách tính bằng km chỉ là con số vật lý, thứ quyết định sự gần xa vốn được đo bằng sự quan thiết mà chúng ta dành cho nhau.
Khoảng cách địa lý dù chỉ một gang tay mà cũng thành xa một vòng trái đất nếu lòng người chẳng dành cho nhau sự quan tâm vậy. Nên lòng cha mẹ luôn có con và lòng con luôn có cha mẹ là đủ.
Học đủ trong từng cái thiếu là sự học cả đời. Như những ngày xưa, khi gia đình mình còn thiếu thốn bao nhiêu, chúng ta vẫn cứ thấy đủ đầy bởi cả nhà bên nhau.
Và như hôm nay, khi cha mẹ trải qua cái Tết thiếu các con thì sự quan tâm của các con dành cho cha mẹ sẽ lấp đầy khoảng trống vắng đó. Bởi có thể Tết này con không về thì chúng ta vẫn còn nhiều Tết khác. Miễn là trong lòng cha mẹ, các con chính là Tết. Thì cho dẫu giữa mùa hè, các con về, lòng cha mẹ lại rộn ràng vui như Tết.
Tết là con và Tết là cha mẹ
Ngày xưa, khi Tết còn là cây nêu, Tết còn là tiếng pháo giao thừa, Tết phải màu đỏ rực, Tết phải… Tết phải… Thì nay, Tết đã khác rồi.
Cây nêu năm nọ dựng lên để xua đuổi ma quỷ đã thay bằng ánh sáng của tri thức. Pháo đã bị cấm vì những tai nạn nó đã gây ra. Màu đỏ cũng chẳng phải là màu duy nhất của Tết nữa khi những phong bao lì xì đã có muôn ngàn màu sắc.
Thế giới này vận động và thay đổi. Những tiêu chuẩn cũ đã dần không phù hợp với thời đại mới. Con người cũng đã chinh phục mặt trăng, bay rất xa khỏi trái đất. Chúng ta không thể cứ khư khư giữ lại trong mình những định kiến cũ kỹ.
Như chuyện hóa vàng mã, giờ chỉ là câu chuyện của những mê muội xa xưa. Bản sắc không phải là những vật chết, cố định. Bản sắc là những giá trị sống được truyền từ đời này sang đời kia bằng sự phù hợp với thời đại.
Tết cũng vậy. Ý nghĩa của Tết giá trị hơn những tiêu chuẩn của Tết. Tết là lòng ta chứ Tết không phải là sự bày vẽ ra bên ngoài. Như những phong bao lì xì chứa Tết trong đó không đo bằng mệnh giá đồng tiền trong đó. Mà là lòng ta, là lời cầu chúc nhau ta đã gửi gắm trong đó.
Nên Tết là các con dù các con không ở đây. Nên Tết là cha mẹ dù các con không về. Ta có nhau là ta có Tết. Các con ở Phần Lan, các con Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế hay ở bất cứ nơi nào trên thế giới này đi nữa, miễn là lòng các con còn cha mẹ thì Tết vẫn còn.
Và cha mẹ cũng vậy, trong tim này, các con cũng là Tết của cha mẹ vậy. Thì ta vẫn ăn Tết cùng nhau. Dẫu Phần Lan cách Việt Nam bao nhiêu giờ thì giao thừa vẫn là khi tiếng điện thoại reo vang, chúng ta nhìn thấy nhau vậy.
Tết không nhau nhưng Tết vẫn trong nhau
Bố nhớ ngày bố buông tay con ra lần đầu tiên, đó là ngày con có thể bước đi không cần vịn tay bố. Đó là ngày bố mẹ bắt đầu phải học làm quen với cái thắt lòng mỗi khi con ngã. Rồi những lần buông tay kế tiếp khi các con vào lớp 1, lên cấp 2 rồi trở thành những nam sinh, nữ sinh lớp 10. Bao phen lòng đầy bão táp mà miệng vẫn phải mỉm cười để con có thể vững chắc hơn sau mỗi lần vấp ngã.
Hay ngày con tập đi xe, trên chân con vẫn còn vết sẹo của đôi lần ngã xe vậy. Các con bắt đầu tự vẽ bản đồ riêng cho mình không còn ngồi sau xe bố nữa. Và ngày các con rời quê nhà để tới những thành phố xa lạ với các con, thậm chí xa lạ cả với bố mẹ.
Mỗi lần buông tay là một lần tim hẫng đôi ba nhịp. Bởi những lo âu. Bởi lòng cha mẹ nào chẳng đầy rẫy những hoảng hốt, bất an khi phải rời tay con. Nhưng lẽ đời là vậy, chỉ có buông tay các con ra thì các con mới có thể lớn khôn được. Chỉ có lùi về phía sau thì các con mới có thể bước tới để xây một thế giới riêng mình được.
Là bố mẹ đã bảo vệ thế giới của các con đủ rồi, giờ phải bàn giao thế giới đó cho các con quán xuyến và sử dụng nó.
Và Tết này cũng vậy. Tết là của con. Hãy Tết theo cách mà các con muốn. Như xây dựng một thế giới cho riêng mình. Bố mẹ ở đây, ngay phía sau lưng các con thôi. Sẽ như người giúp việc tận tụy, sẵn sàng hỗ trợ các con chứ không quyết định thay các con được.
Thế giới đó có thể tốt lên hay xấu xí đi vốn là từ chính các con lựa chọn. Đừng xây dựng nó theo cái nhíu mày của bố mẹ hay bất cứ ai khác. Là các con thôi. Bằng các con thôi.
Chỉ mong các con đừng quên Tết. Đừng quên rằng Tết là cội nguồn. Cho dẫu chẳng thể về với bố mẹ thì đừng bỏ Tết ra khỏi thế giới của các con. Hãy giữ Tết trong tim mình, theo cách của mình. Tết chính là cha mẹ. Không phải hình ảnh cha mẹ ngóng con về mà là vòng tay ấm luôn ôm lấy các con.
Giữa thành phố xa lạ kia, miễn là lòng con còn cha mẹ thì Tết vẫn cứ đến trong con. Bố mẹ cũng thế, khi lòng cha mẹ vẫn ắp đầy hình ảnh con thì Tết vẫn rực rỡ nhường nào, vẫn vui như Tết.
Chúng ta sẽ cùng nhau đón khoảnh khắc của giao thừa dù chỉ qua màn hình chiếc điện thoại. Nhưng đôi mắt của chúng ta vẫn lấp lánh xiết bao bởi còn nhau trong đôi mắt ấy.
Chúng ta sẽ cùng nhau ăn Tết. Là nhâm nhi cùng nhau cảm xúc của việc còn nhau trong cuộc đời này. Và chúng ta sẽ lại sớm về bên nhau để lại vui như Tết cho dẫu hôm đó là ngày nào đi chăng nữa, phải không con yêu?
Tác giả: Nhà văn – nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh “anh Chánh Văn” trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Văn hóa | Báo Dân trí