Năm nay, Ngày trở về 2024 có chủ đề Như hạt phù sa, phát lúc 1h và 18h30 ngày mùng 1 Tết trên VTV4.
Chương trình kể về những người con gốc Việt thành công và có vị thế riêng trong cộng đồng người Việt xa xứ, trong các lĩnh vực văn học, ẩm thực, âm nhạc, thời trang, công nghệ…
Hanbin “yêu Việt Nam lắm”; bún đậu mắm tôm là hiện tượng
Tháng 3 năm ngoái, Hanbin (tên thật: Ngô Ngọc Hưng, quê Yên Bái) chính thức có mặt trong đội hình của nhóm nhạc nam TEMPEST.
Đồng thời là idol nam người Việt đầu tiên hoạt động chuyên nghiệp tại thị trường K-pop.
Hanbin chia sẻ: “Từ lúc làm thực tập sinh tới giờ, lúc nào cũng nhớ Việt Nam, muốn về Việt Nam. Yêu Việt Nam lắm”.
Idol Hanbin luôn muốn chia sẻ với bên ngoài từng góc phố, từng bữa ăn ngon của Việt Nam, làm thế nào để mọi người thấy là “Việt Nam có tất cả những điều tuyệt vời nhất”.
Còn Jerald và Nhung Đào – chủ nhà hàng bún đậu mắm tôm tại New York – không nghĩ món ăn này lại hot như thế.
Dù một suất bún đậu mắm tôm có giá tương đương khoảng 800.000 đồng, cao gấp rưỡi giá một suất ăn trung bình ở Mỹ – nhưng quán lúc nào cũng đông khách.
Chị Nhung Đào cho hay mắm tôm và cốm, vợ chồng chị phải mang từ Việt Nam sang. Rau kinh giới thì nhập từ Florida.
Với món đậu, mua sẵn ở Mỹ thì rất mềm, không có vị dai và béo như đậu phụ Việt Nam nên anh chị phải tự làm.
“6g sáng chúng tôi nghiền hạt đậu, nấu sữa đậu nành. Mất 5-6 tiếng đồng hồ mới làm được 27kg đậu phụ. Sau đó mới làm dồi, sơ chế chả cốm…”, chị Nhung tiết lộ.
Theo chị kể, ngày đầu bán hết. Sang ngày thứ hai thì ế nhưng từ tuần sau trở đi là cứ hết sạch.
Jerald thì nói: “Lúc đầu chúng tôi chỉ nghĩ làm cho vui nhưng không ngờ rằng món bún đậu lại trở thành một hiện tượng bùng nổ tại New York”.
Kể lại chuyện nhà hàng đứng thứ 26 trong top 100 nhà hàng ngon nhất New York, Nhung Đào chia sẻ: “Trời ơi, họ đến đây 2-3 lần bí mật mà mình không biết họ đi hay về lúc nào. Và tự dưng một hôm mình nhận được thông tin lọt top”.
Ngày trở về đầy phù sa
Ngày trở về 2024 còn có sự góp chuyện của nhiều người gốc Việt thú vị khác.
Là nhà thơ, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai, một người “khiến cho các độc giả của mình trở nên yêu mến đất nước Việt Nam và muốn tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của Việt Nam” (theo nhà thơ Mỹ Paul Christiansen).
Là Erin Phương Steinhauer, nhà sáng lập tổ chức Vietnam Society, nơi tổ chức nhiều hoạt động mang đậm văn hóa Việt Nam ngay trong lòng thủ đô Washington của nước Mỹ.
Còn có Marice Durand, một học giả Pháp gốc Việt đã đi khắp phố phường Hà Nội và các tỉnh lân cận để sưu tầm tranh dân gian Việt Nam.
Từ đó ra đời cuốn L’imagerie populaire Vietnamienne – Tranh dân gian Việt Nam gồm 400 tác phẩm hội họa dân gian có nhiều chủ đề từ tôn giáo, lịch sử đến tranh thờ tranh Tết, phản ánh cuộc sống lao động sinh hoạt sinh động và đời sống tinh thần phong phú của người dân Việt Nam…
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed