Theo đó, bà Ninh Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở vừa có các văn bản gửi một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ yêu cầu giám sát chặt chẽ những lễ hội tập trung đông người trên địa bàn.
Cục Văn hóa cơ sở đề nghị tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội, nhằm thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan.
Cục lưu ý việc bảo đảm hoạt động lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống và các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.
Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép.
Cục cũng yêu cầu không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.
Các Sở VH-TT&DL chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lễ hội tập trung đông người như: Hội Phết (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông); Lễ hội Cầu trâu (xã Hương Nha và xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông); Lễ hội Đúc Bụt (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương); Lễ hội Cướp Phết (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch); Lễ hội Chọi trâu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô); Lễ hội Khai Ấn Đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định), Lễ hội Phủ Dày (huyện Vụ Bản); Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn (quận Đồ Sơn); Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức); Lễ hội Đền Sóc (huyện Sóc Sơn).
Văn hóa | Báo Dân trí