Chỉ một ẩn dụ với từ hành động “cắt” nhưng nữ ca/nhạc sĩ gen Z đã gói gọn tâm tư đô thị bị đè nặng bởi thông tin, thói quen tiêu thụ và những nỗi âu lo.
Khi gen Z đô thị ghi dấu ấn
Những nghệ sĩ gen Z ghi dấu ấn trong thời gian qua hầu như đều sinh ra ở các TP lớn. Ngoại trừ Phương Mỹ Chi từng có trải nghiệm nông thôn sâu sắc thì tlinh, Wren Evans, MCK, Nân, Mỹ Anh đều sinh ra ở Hà Nội và HIEUTHUHAI đến từ TP.HCM.
Trong âm nhạc, cũng chỉ có Phương Mỹ Chi dù biến hóa dòng nhạc dân gian đến mấy nhưng gốc rễ vẫn là tinh thần “cò bay”. Với những gương mặt còn lại, âm nhạc của họ sinh ra từ vẻ đẹp phồn tạp của đô thị.
Những khía cạnh đời sống sôi nổi nhưng bất an của các đại đô thị là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ này.
Đó là áp lực của đời sống công sở, không thời gian rảnh, không yêu đương, kiếm bao nhiêu cũng không đủ tiền trong Đi họp lớp của HIEUTHUHAI, là ngụ ý về những tụ điểm đêm nơi người ta tìm cách giải sầu ở các bản rap trong album 99% của MCK, là những mối quan hệ tình yêu phức tạp làm kiệt quệ người tình trong Ái của tlinh.
Một sự đối lập khá ngang trái là trong khi âm nhạc lấy chất liệu dân ca và bolero của Phương Mỹ Chi nghe tưởng não nề nhưng nội dung đầy tự tại, thì âm nhạc của những người làm nhạc đô thị có thanh âm rất “chill”, rất thư giãn nhưng nội dung lại tràn ngập sự bức bối với chính mình.
Theo nhiều nghiên cứu, thế hệ Z là thế hệ có nguy cơ mắc chứng rối loạn âu lo cao hơn những thế hệ đi trước, thậm chí đôi khi người ta gọi thế hệ Z là “thế hệ bất an nhất”, mà các khảo sát của McKinsey chỉ ra rằng nguồn cơn đến từ áp lực tài chính, lo ngại về suy thoái kinh tế, viễn cảnh việc làm ảm đạm, sự tràn lan của thông tin tiêu cực và đặc biệt sự áp đảo của công nghệ.
Có thể dễ dàng bắt gặp những yếu tố này trong các ca khúc của gen Z. Chẳng hạn, trong Không phải gu của HIEUTHUHAI, nhân vật chính quen một cô gái trên mạng xã hội và đánh giá cô qua từng bức ảnh cô chụp, từng dòng giới thiệu bản thân trên trang cá nhân.
Nân thậm chí có cả một ca khúc mang tên Bật màn hình – Tắt tâm trí nói về thói quen lướt màn hình điện thoại trong vô tri để tâm trí tạm quên những mệt mỏi tinh thần, nhưng càng lướt lại càng mệt hơn.
Từ chối chuẩn hóa, tạo nên quy tắc của riêng mình
Với những người yêu thích văn chương, đời sống trong âm nhạc gen Z có thể khiến ta liên tưởng tới các tác phẩm của Sally Rooney, nữ nhà văn 9X người Ireland, được thế hệ Z đặc biệt ưa chuộng vì khả năng mô tả một thế giới tưởng đủ đầy nhưng luôn rối rắm, bòn rút sức lực và đầy dự cảm không lành của người trẻ đô thị.
Bên cạnh đó, sự phồn tạp của đời sống đô thị chịu ảnh hưởng từ nhiều luồng chảy văn hóa trong một thế giới phẳng cũng được thể hiện trong cách gen Z bẻ cong những định nghĩa về thể loại truyền thống.
Trên thế giới, những nghệ sĩ thế hệ Z như Billie Eilish hay Lil Nas X, vốn lớn lên với các danh sách ca khúc theo “tâm trạng” thay vì theo dòng nhạc của Spotify, đã tiên phong chấm dứt cách ta thường hiểu về rap hay country để tạo nên những thể loại nhạc đa tạp, chẳng biết phải xếp vào hạng mục nào cả.
Và ở Việt Nam, ta cũng thấy điều đó trong những album “tả pín lù” như Loi Choi của Wren Evans trải từ nhạc điện tử, R&B, drill, Latin, bolero hay XT-TX của Nân kết hợp giữa pop, alternative, kịch nghệ, thậm chí cả thơ đương đại.
Gen Z tạo nên một thế giới âm nhạc và thiết lập những quy tắc của riêng mình, không mời mọc những thế hệ khác khám phá.
Ngược lại, muốn khám phá, ta buộc phải tự tìm cách hiểu họ trước.
Họ từ chối “chuẩn hóa” âm nhạc, thoải mái dùng hệ tiếng lóng hay những câu đùa mà chỉ gen Z mới hiểu, thoải mái dùng tiếng Anh bồi.
Thậm chí có thể nói rằng không phải những nghệ sĩ gen Z đang mô tả đời sống đô thị trong âm nhạc, mà chính âm nhạc của họ là một phần kiến thiết nên đời sống đô thị ấy.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed