Chợ quê ngày Tết đón năm mới Giáp Thìn 2024 được TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) tổ chức ngay trung tâm thành phố trên đường 30/4, diễn ra từ ngày 3/2 (nhằm 24 tháng Chạp) đến 7/2 (nhằm 28 tháng Chạp). Hoạt động này tập trung xây dựng và trang trí các gian hàng, tái hiện không gian chợ quê ngày Tết. Bên cạnh đó là những tiểu cảnh có ý nghĩa ở nhiều lĩnh vực của thành phố.
Nổi bật nhất tại chợ quê ngày Tết là linh vật rồng được làm từ 130 chiếc lồng đèn. Linh vật rồng có phần đầu dài 1,7m và phần thân dài 82m; lồng đèn tròn làm thân rồng có đường kính 1m.
Ý nghĩa của linh vật rồng này là năm mới Giáp Thìn, TP Bạc Liêu sẽ lên như rồng, mạnh mẽ như rồng và bay cao như rồng. Bạc Liêu là vùng đất có 3 dân tộc Kinh – Hoa – Khmer nên linh vật cũng thể hiện sự đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương phát triển.
Những điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu được vẽ trên thúng, bên trái là khu nhà Công tử Bạc Liêu và bên phải là nhà hát Cao Văn Lầu (còn gọi là nhà hát 3 nón lá).
Mô hình bánh tét, bánh chưng là những loại bánh không thể thiếu mỗi khi Tết đến xuân về.
Cặp cò tượng trưng vườn chim Bạc Liêu, một trong những vườn chim hiếm có ở miền Tây khi ở gần nội ô thành phố.
3 bình hoa biểu tượng cho sự đoàn kết: Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Cặp song long đỡ những trái đào tiên, với ý nghĩa cầu chúc nhân dân sống trường thọ.
Chim công biểu tượng cho sự hồi sinh và phục hưng, với ý nghĩa thành phố sẽ hồi sinh sau đại dịch Covid-19.
Cái thùng đổ vô hồ nước, thể hiện ý nghĩa tiền vô như nước, cầu mong cho thành phố năm mới nền kinh tế phát triển.
Chợ quê ngày Tết dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ có nhiều hoạt động như hội thi trang trí gian hàng tái hiện không gian chợ quê của Nam bộ; hội thi gói bánh tét, làm bánh dân gian; vẽ tranh với chủ đề “Mùa xuân trên thành phố Bạc Liêu”; biểu diễn viết thư pháp, hội họa; liên hoan đờn ca tài tử;…
Văn hóa | Báo Dân trí