Trong lịch sử văn học Việt Nam, Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ cực kỳ đặc biệt. Bà không chỉ để lại cho cuộc đời một di sản thơ Nôm đồ sộ và độc đáo mà còn cất tiếng nói cho nữ quyền, cho sự bình đẳng của người phụ nữ dưới thời phong kiến.
Thơ của bà không chỉ bảo vệ phụ nữ, chống lại những ngăn cản sự tiến bộ của con người mà còn ca ngợi ứng xử tốt đẹp, văn minh. Vì lẽ đó, ngày 23/11/2021, Đại hội đồng UNESCO đã chính thức vinh danh bà là “danh nhân văn hóa tầm nhìn nhân loại”.
Trên sân khấu, Hồ Xuân Hương từng được nhiều nhà hát dựng vở. Tuy nhiên, tiêu biểu hơn cả là vở chèo Hồ Xuân Hương được Nhà hát Chèo Việt Nam dựng năm 1987, do NSND Bùi Đắc Sừ đạo diễn, Thùy Linh – Bùi Đức Hạnh viết kịch bản.
Sau 37 năm, Đoàn Chèo Hải Phòng tiếp tục cho ra mắt vở chèo Xuân Hương nữ sĩ do NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dàn dựng, tác giả Nguyễn Đức Minh viết kịch bản, NSND Đạt Tăng thiết kế mỹ thuật, NSND Minh Thu chuyển làn điệu chèo.
Vở chèo lấy mốc Hồ Xuân Hương năm 29 tuổi để tái hiện lại những thăng trầm, vinh nhục, trần ai trong cuộc đời của nữ sĩ họ Hồ. Đây là thời điểm Hồ Xuân Hương làm chủ quán thơ Cổ Nguyệt đường vang tiếng ở đất Thăng Long. Tài thơ của bà đã vang khắp gần xa, được nhiều tao nhân, mặc khách mến mộ.
Từ quán thơ này, bà có dịp được giao lưu với rất nhiều tầng lớp và thành phần… trong đó có bạn thơ Chiêu Hổ. Chiêu Hổ và Hồ Xuân Hương sau nhiều lần đối đáp thơ phú đã phải lòng nhau.
Tuy nhiên, do Chiêu Hổ không dám ngỏ lời nên cuối cùng Hồ Xuân Hương nên duyên với Tổng Cóc (Chánh tổng Nguyễn Bình Kình). Tổng Cóc là người rất yêu quý, mến mộ và trân trọng tài năng thơ ca của Hồ Xuân Hương. Nhưng cuộc hôn nhân chưa kịp “đơm hoa kết trái” thì Tổng Cóc buộc phải để Hồ Xuân Hương rời đi vì không đành lòng nhìn bà bị vùi dập, áp bức và chịu nhiều oan ức…
NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ, lúc đầu Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đặt hàng bà dựng lại vở chèo Hồ Xuân Hương năm 1987 theo kịch bản của Nhà hát Chèo Việt Nam. Tuy nhiên, khi nghiên cứu tài liệu, tìm đọc các sử sách viết về nữ sĩ Hồ Xuân Hương, bà nhận thấy không thể dựng lại vở này dựa theo kịch bản cũ.
Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, di sản thơ của bà Hồ Xuân Hương để lại cho đời rất đồ sộ nhưng không phải cái gì cũng đưa được vào vở diễn. Việc tìm ra những bài thơ phù hợp với tình huống và kết nối với nhau nhằm tái hiện rõ nét chân dung của “Bà chúa thơ Nôm” quả không dễ.
Nhưng tác giả Nguyễn Đức Minh rất tài năng khi làm được việc đó. Tất cả các bài thơ được đưa vào vở diễn không thừa, không thiếu, không lệch, không sai… Bên cạnh đó, chèo đòi hỏi phải sử dụng nhiều lối văn biền ngẫu và tác giả kịch bản lại am hiểu về lối văn này nên vở diễn mềm mại, linh hoạt.
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, vở chèo Xuân Hương nữ sĩ được dựng trong một thời gian kỷ lục, chỉ vỏn vẹn 2 tuần.
“Các diễn viên Đoàn Chèo Hải Phòng là những người vô cùng tài năng và tâm huyết, tập luyện ngày đêm với thái độ hết sức nghiêm túc, lao động miệt mài. Chịu nhiều áp lực về mặt thời gian nhưng ai cũng hết mình, không hề kêu ca một lời nào”, NSND Thúy Mùi thổ lộ.
Trong vở chèo Xuân Hương nữ sĩ, vai chính Hồ Xuân Hương được giao cho diễn viên Thùy Dương – gương mặt tài năng của Đoàn Chèo Hải Phòng. Để hoàn thành vai diễn này, Thùy Dương phải vượt qua rất nhiều “cửa ải” khó chưa từng thấy.
Theo Thùy Dương, điều vui nhất là chị không chỉ thể hiện được tròn vai mà còn thoát được khỏi cái bóng quá lớn của hình tượng Hồ Xuân Hương trên sân khấu chèo trước đây, do NSND Vân Quyền thể hiện. Chị đã thể hiện được một Hồ Xuân Hương mới, mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng cũng tiệm cận rất gần với ngôn ngữ biểu hiện của thời đại mới.
“May mắn là tôi được làm việc với một ê-kíp sáng tạo rất hùng hậu, có nghề và chuyên nghiệp. Đạo diễn Trịnh Thúy Mùi đã chỉ cho chúng tôi từng li từng tí một. Từ ánh mắt, nét diễn, đài từ… đến cách đi đứng.
Cứ sau mỗi buổi tập, tôi lại về gọi điện trao đổi thêm với đạo diễn để tìm ra được lối diễn đắt giá nhất. Ngoài ra, các đồng nghiệp đóng cùng trong vở diễn đều là những người đã đóng chung nhiều vở nên chúng tôi phối hợp rất ăn ý”, Thùy Dương tâm sự.
Văn hóa | Báo Dân trí