Bảy nhân vật ấy trải rộng từ da trắng đến da màu, từ nhà nghệ thuật đến nhà chính trị, từ cô gái trẻ đến người đàn bà lão niên, từ đồng tính đến lưỡng tính hay chỉ đơn giản là queer (tạm hiểu là những người “lệch chuẩn”).
Không chỉ là tính dục
Diana Nyad (đề cử nữ diễn viên chính cho Annette Bening) từng có giấc mơ bơi qua biển từ Cuba tới Florida.
Năm 28 tuổi, cô từng thất bại, giải nghệ và rồi một ngày kia khi đã ở tuổi 60, Nyad một lần nữa quyết tâm chinh phục mục tiêu không tưởng ấy. Ban đầu, ai cũng nghĩ bà điên, trừ một người bạn gái thân thiết – Bonnie (đề cử nữ phụ cho Jodie Foster).
Nyad, bộ phim thể thao dựa trên câu chuyện có thật, gần như chỉ có tạo hình cùng một hai chi tiết thoáng qua cho chúng ta biết Diana yêu phụ nữ.
Nhưng tuyệt nhiên, bộ phim không khai thác đời sống tình dục đồng tính của bà.
Tình bạn giữa Diana và Bonnie không nhuốm màu sắc dục và chấn thương tình dục bà gánh chịu suốt đời đến từ một người đàn ông – người thầy đã phát hiện khiếu bơi lội của Diana.
Cuộc hành xác trong hàng trăm giờ trên biển, trước sự tấn công của sứa, cá mập, bão táp, hải lưu, muối biển bên ngoài và những ảo giác bên trong mà Diana trải qua có thể là của bất cứ ai, không nhất thiết phải là một người đồng tính.
Sự phá vỡ khuôn mẫu về hình ảnh queer trên màn ảnh là điểm gặp gỡ giữa các vai diễn đại diện cho cộng đồng này trong năm nay.
Trong Anatomy of A Fall, bộ phim với bảy đề cử ở Oscar, trong đó có đề cử nữ chính cho Sandra Hüller vai nữ nhà văn lưỡng tính Sandra Voyter bị tình nghi mưu sát chồng, ham muốn của Voyter với những cô gái trẻ tuy quan trọng nhưng chỉ là một phần nhỏ trong chân dung về bà.
Voyter bị công tố buộc tội không chỉ vì từng ngoại tình với phụ nữ, mà còn vì bà là một nhà văn quá thành công và quá tài năng, và khi quá thành công thì không thể đặt lòng hết vào gia đình, còn khi quá tài năng thì không thể tránh khỏi có lúc viết ra những ý nghĩ quái vật.
Còn trong bộ phim Maestro về nhà soạn nhạc vĩ đại của nước Mỹ thế kỷ 20 Leonard Bernstein, những chuyện tình đồng tính chỉ là cái cớ để tái hiện mối quan hệ đầy mâu thuẫn sâu sắc nhưng cũng gắn bó sâu sắc giữa Bernstein và người vợ Felicia.
Còn cảnh tuyệt vời nhất của Bradley Cooper (đề cử nam chính xuất sắc) trong vai Bernstein hẳn nhiên là khi ông chỉ huy dàn nhạc chơi bản giao hưởng Tái sinh của Gustav Mahler một cách cuồng mê, như vị đại tư tế đang thực hiện một nghi lễ âm nhạc dâng lên Thượng đế.
Có chăng, chỉ có nhân vật Clifford của Sterling K. Brown (đề cử nam phụ) trong American Fiction và vai Bayard Rustin của Colman Domingo (đề cử nam chính) trong tác phẩm tiểu sử chính trị Rustin là vẫn khai thác những cách kể chuyện truyền thống về người đồng tính.
Nếu như Clifford là chàng da đen đồng bóng, phóng đãng thì Rustin, vị quân sư phóng khoáng tự tin đứng sau Martin Luther King, cũng dễ sa ngã vào tình yêu, đôi khi là với cả đàn ông đã có vợ.
Thế nhưng, họ vẫn có những chiều kích khác. Clifford khó ở với người anh trai luôn coi mọi trào lưu chống phân biệt chủng tộc chỉ là trò giả tạo của người da trắng được trí thức da đen hùa vào.
Trong khi đó, Rustin bị tổn thương trước những ngờ vực ông là tình nhân của King. Sau rốt, tâm hồn họ phức tạp hơn nhiều những trải nghiệm tình dục vốn cũng phức tạp của họ.
Tình dục vô định hình
Bella là người mang thân xác phụ nữ trưởng thành và tâm trí của một bào thai. Tựa như một Frankenstein phiên bản nữ, nàng được bác sĩ điên Baxter cứu thoát khi định tự sát, nhưng thay thế bộ óc nàng bằng bộ óc đứa con nàng mang trong bụng.
Bella không hẳn là người đồng tính, song tính hay chuyển giới. Hành vi tình dục của nàng đơn giản là không thể xếp vào một nhãn dán nào. Nàng lệch ra khỏi mọi nhóm người. Rất khó để bất cứ ai liên hệ với những cảm thức tình dục quái đản của Bella. Nàng là một queer.
Sự “lệch chuẩn” ấy không chỉ đến từ việc Bella thích thú trở thành gái mại dâm để thỏa mãn ham muốn của mình. Dù sao cũng đã có những tác phẩm nói về những phụ nữ chủ động bán dâm, như kiệt tác Belle de Jour của Luis Buñuel chẳng hạn.
Sự “lệch chuẩn” của Bella nằm ở chỗ nàng còn chưa biết mình là ai, một tâm thức bào thai còn chưa định hình tính giới hay thiên hướng.
Và phân cảnh được nhắc tới nhiều nhất không phải phân cảnh quan hệ của Bella với đối tượng khác, mà là cảnh Bella lần đầu biết đến khoái cảm nhờ một trái táo, gợi nhớ đến trái trí tuệ mà Eva ăn phải.
Không phải ai cũng chịu được cách xây dựng nhân vật queer quái đản trong Poor Things.
Nhưng nếu nhớ đến câu chuyện trong American Fiction, bộ phim giễu nhại giành tới năm đề cử Oscar năm nay, khi một nhà văn da đen phải chứng kiến cuốn tiểu thuyết đạo đức giả mình viết với mục đích thỏa mãn cơn “yêu” bi kịch chủng tộc lại nhận được sự tán thưởng của công chúng, thì sự tồn tại của những tác phẩm nằm ngoài hình dung thông thường của chúng ta về queer nên là thế nào như Poor Things quả là sự chân thật ít ỏi trong thời kỳ mọi thứ đều cần phải đạo.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed