Riêng trong năm 2024, hai dự án phim lớn chuyển thể từ văn Nguyễn Nhật Ánh được thực hiện: phim Ngày xưa có một chuyện tình và Kính vạn hoa.
Dù bạn đọc còn thắc mắc “Bộ truyện Kính vạn hoa dài 54 tập làm sao để đưa lên phim điện ảnh?”, nhưng việc chuyển thể cả một bộ truyện dài thành phim điện ảnh vốn không mới với điện ảnh thế giới.
Vì mục đích nghệ thuật và thương mại, những tác phẩm văn học ăn khách – mang tính “quốc dân” – sẽ luôn được chuyển thể cho độc giả yêu sách và cho cả khán giả mê phim.
Nguyễn Nhật Ánh – thương hiệu quốc dân
Nguyễn Nhật Ánh đúng là một thương hiệu văn chương mang tính quốc dân ở Việt Nam. Đến nay, những hàng dài độc giả đứng chờ ông ký tặng mỗi năm khi ra một cuốn sách mới vẫn chưa ngắn lại.
Độ tuổi độc giả đa dạng từ cụ già đến em thiếu nhi, từ ông bà cha mẹ đến con cái truyền nhau tình yêu đối với truyện Nguyễn Nhật Ánh.
Không hiếm người vẫn còn thuộc làu làu nhiều tình tiết trong Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang Biang, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi là Bêtô, Còn chút gì để nhớ hay những phim chuyển thể như Cô gái đến từ hôm qua, Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh…
Có những tác phẩm, độc giả thân thuộc đến mức coi các nhân vật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh là bạn bè, là một phần ký ức tuổi thơ hay thời niên thiếu của họ.
Có những tác phẩm khi nhắc lại, nỗi buồn khó quên của những tình tiết bi kịch hay cái kết đầy tiếc nuối vẫn còn khiến độc giả day dứt, nửa muốn đọc lại, nửa sợ vấn vương buồn.
Với các nhà làm phim, văn Nguyễn Nhật Ánh có thể ví như “một mỏ vàng” để khai thác, không chỉ là về khả năng sinh lời của các dự án phim ảnh mà còn vì danh tiếng của nhà văn, sự thân thuộc của tác phẩm, tính phù hợp để chuyển thể điện ảnh trong các tác phẩm của ông.
Nếu một dự án phim hoàn toàn mới sẽ phải truyền thông mọi thứ từ đầu, thu hút sự quan tâm và tình cảm của khán giả bằng nội dung tự có thì một dự án phim chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh có lợi thế là có sẵn nhóm khán giả (độc giả) quan tâm từ giai đoạn khởi đầu.
Nguyễn Nhật Ánh cũng giỏi kể một cách nhẹ nhàng, day dứt về những câu chuyện đầy kịch tính, những nhân vật dù hầu như ngây thơ, hồn nhiên nhưng cũng có nét “toan tính, tội lỗi và trừng phạt, lòng cao thượng và sự trả giá” (như lời nhà thơ Hữu Việt).
Ông cũng rất giỏi xây dựng các hình tượng đáng nhớ, từ đôi mắt biếc của Hà Lan, sắc hoa vàng cỏ xanh của miền quê nghèo miền Trung, cụm từ “vé đi tuổi thơ” mà ai nghe cũng đồng cảm ngay lập tức, “hạ đỏ” – chỉ hai chữ khiến người đọc hình dung ngay được một mùa hè tuổi thơ đẹp đẽ khôn cùng nhưng cũng đầy dự cảm chia ly…
Một đặc điểm khác quan trọng không kém là Nguyễn Nhật Ánh có biệt tài đặt tên sách, tên vừa thơ, vừa hoài niệm, vừa bắt tai và gây tò mò.
Hầu như các bộ phim chuyển thể không bao giờ đổi tên, một phần là muốn tận dụng độ nổi tiếng của nó, nhưng một phần là vì cái tên đó thực sự hay.
Khi độc giả sách kỳ vọng quá lớn
Với nhiều tác giả “quốc dân” ở những nền văn học khác, việc chuyển thể tác phẩm của họ thành phim thường đứng giữa nhiều luồng dư luận, nhìn chung đều đối mặt với sự kỳ vọng rất lớn và cả tranh cãi.
Điều này xuất phát từ tình cảm sâu nặng mà độc giả nhiều thế hệ đã đặt vào tác phẩm, vào các nhân vật đến mức khó nhà làm phim nào chiều lòng hết được.
Chẳng hạn, đến tận bây giờ, Mắt biếc của Victor Vũ vẫn là bản chuyển thể chia rẽ dư luận dù xét về mặt thương mại, phim rất thành công – vừa thu hơn 180 tỉ đồng vừa “viral” khắp mạng xã hội vào năm 2019 – 2020.
Trong khi nhiều khán giả coi đây là một trong những bộ phim đẹp và lãng mạn nhất mà họ coi ở rạp Việt, thì với một bộ phận khác, trong đó có không ít độc giả trung thành của sách, cho rằng phim không thể hiện được tinh thần của tác phẩm gốc qua một số chi tiết cải biên và quan trọng nhất là cái kết.
Bao nhiêu tình yêu, bấy nhiêu áp lực. Việc một tác phẩm gốc và tác giả quá nổi tiếng cũng là áp lực cho các nhà làm phim. Việc chọn lọc các đạo diễn làm phim chuyển thể Nguyễn Nhật Ánh cũng được tiến hành rất kỹ lưỡng, nâng lên đặt xuống và thậm chí có thể thay người.
Điều này thể hiện sự đầu tư, kỳ vọng của các nhà sản xuất lên các phim chuyển thể Nguyễn Nhật Ánh – vốn thường được coi là sự kiện lớn của điện ảnh Việt trong năm đó.
Dù viết những cuốn truyện được đánh giá là rất phù hợp làm thành phim, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng bày tỏ suy nghĩ về việc chuyển thể:
“Tôi nghĩ chắc nhà văn nào cũng vậy, khi ngồi vào bàn đều cố làm sao viết cho được một cuốn sách thật hay chứ không nghĩ đến chuyện cuốn sách của mình khi chuyển thể điện ảnh thì nó sẽ như thế nào. Những suy nghĩ ngoài lề như thế dễ khiến người viết bị phân tâm”.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed