Chiều 24/1, Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn 2024 chính thức mở cửa đón khách đến vui chơi, check-in tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM. Không gian lễ hội ở đây được kéo dài tới 14/2 (tức mùng 5 Tết).
Lễ hội Tết Việt là chương trình được tổ chức thường niên hàng năm, thu hút rất đông người dân, du khách tới vui chơi, tham quan bởi nơi đây được trang trí nhiều không gian, tiểu cảnh đặc trưng của Tết xưa, mang đậm nét văn hóa của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về.
Sau khi chương trình được khai mạc, khu vực không gian đường hoa mai, các tiểu cảnh, gian hàng Tết được mở cửa cho người dân vào tham quan, vui chơi.
Năm nay, dấu ấn chính của Lễ hội Tết Việt vẫn là đường mai vàng, mai năm nay cũng có nhiều nét mới, chỉnh chu hơn, cách sắp đặt cũng mới lạ. Đây là khu vực được nhiều người ưa thích vì dễ dàng có những bức ảnh đẹp.
Bên trong khuôn viên chính của Nhà Văn hóa Thanh Niên tái hiện lại những hình ảnh Tết xưa, với cổng nhà ba gian, làng nghề gốm, làng hoa, bếp củi,…
Nhiều bạn trẻ tìm đến để check-in ngay trong chiều mở cửa. Lễ hội Tết Việt sẽ là điểm đến được nhiều bạn trẻ tìm đến trong thời gian tới vì không gian trang trí đẹp mắt, nhiều góc để “sống ảo”. Tại đây còn cho thuê áo dài, dịch vụ trang điểm để phục vụ cho người dân tới thuê đồ chụp ảnh.
Người lớn, trẻ nhỏ đến từ sớm để chờ vào check-in, vui chơi tại lễ hội.
Nhiều nghệ sĩ Việt cũng xúng xính áo dài xuống phố để chụp hình cùng nhau tại phố ông Đồ, đường mai trong ngày khai trương Lễ hội Tết Việt.
“Cứ đến hẹn lại lên, dịp cuối năm các anh chị em nghệ sĩ cùng nhau tới đây để tham gia Lễ hội Tết Việt, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống Tết Việt. Cũng nhân dịp này mọi người cũng sẽ mang những bộ trang phục truyền thống như áo dài, nhật bình để có những tấm hình đẹp nhất cho năm mới”, ca sĩ Đoan Trường chia sẻ.
Bạn Thanh Thùy (quận Phú Nhuận), cho biết năm nay có nhiều không gian hơn mọi năm. Thùy có mặt từ 13h để chuẩn bị và không quên chọn một bộ trang phục nhật bình để tôn vinh thêm giá trị văn hóa Việt.
Nhiều gian hàng bán các loại đồ lưu niệm, đồ ăn, đồ chơi dân gian. Đây cũng là khu vực được nhiều em nhỏ và các gia đình yêu thích.
Các gian hàng thư pháp cũng đón những vị khách đầu tiên tới xin chữ cầu bình an, cầu lộc cho năm mới.
Được biết, năm nay số lượng ông Đồ, bà Đồ lên tới gần 50 người, những năm trước chỉ khoảng 30 người.
Vật liệu được sử dụng làm các tiểu cảnh ở Lễ hội Tết Việt là sản phẩm của làng nghề truyền thống như nón lá, mái ngói, gốm nung, củi gỗ, chiếu cói, chum vại… Dù ở miền nào trên đất nước, mọi người sẽ thấy phảng phất hình bóng quê hương của mình tại không gian lễ hội.
Đây sẽ là điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều bạn trẻ tới vui chơi, check-in trong những ngày tới tại TPHCM.
Văn hóa | Báo Dân trí