Diễn viên Khôi Trần – đảm nhận vai giám đốc Giang trong phim – còn được khán giả khen là: “Ông sếp hiếm hoi trên truyền hình diễn hay, có phong thái”, “Sếp Giang có nét lạnh lùng nhưng ấm áp”.
Soái ca không da trắng, môi đỏ trong Chúng ta của 8 năm sau
Trong Chúng ta của 8 năm sau, giám đốc Giang xuất hiện ở phần 2. Nhân vật làm giám đốc xây dựng nơi Lâm (Mạnh Trường) làm việc và là phụ huynh của cô bé Lan Nhi bướng bỉnh, học trò của cô giáo Nguyệt (Quỳnh Kool).
Trích đoạn giám đốc Giang thả thính với Nguyệt trong Chúng ta của 8 năm sau
Ban đầu, mối quan hệ giáo viên, phụ huynh giữa họ không mấy tốt đẹp. Giám đốc Giang ít quan tâm đến con gái. Cô bé đang tuổi lớn, thường xuyên nổi loạn, đánh nhau với bạn bè.
Để giải quyết, Nguyệt nhắn tin với phụ huynh khiến anh cảm thấy bị phiền phức. Nhưng dần dần, cả hai bắt đầu hiểu nhau sau những lần gặp gỡ. Người bố vốn lạnh lùng, khô khan đã bắt đầu chăm sóc con nhiều hơn.
Trong diễn biến mới nhất ở tập 34, giám đốc Giang bắt đầu thả thính Nguyệt.
“Tôi cũng mong tìm được cho con bé một người mẹ như cô”, Giang trả lời khi Nguyệt bảo: “Anh nói như thế tôi lại tưởng mình là mẹ của cô bé”.
Câu nói đậm chất ngôn tình lại mang yếu tố bất ngờ khiến nhiều người cảm thấy thích.
Và có lẽ khán giả thích còn bởi một nguyên nhân khác nữa. Đó là họ không muốn Nguyệt quay lại với Tùng (B Trần) – người chồng bội bạc.
Cũng bắt đầu từ tập 34, mối quan hệ của giám đốc Giang và Nguyệt được khai thác kỹ, như một chất xúc tác để khán giả xem phim, bên cạnh mối quan hệ giữa Dương và Lâm, Nguyệt và Tùng.
Học nhiều từ vai diễn
Lần đầu tiên ra Bắc đóng phim, Khôi Trần bảo trời lạnh nhưng trong lòng anh lại thấy ấm áp vì những tình cảm của khán giả dành cho vai diễn của mình.
“Tôi không còn trẻ, cũng không có nước da trắng, môi đỏ, má hồng như các soái ca của Hàn Quốc hay Trung Quốc. Ngoại hình cũng bình thường mà được khán giả khen soái ca thì vui quá”, anh cười nói.
Khôi Trần cho biết khi được chọn ra Bắc đóng phim, ban đầu anh cũng hồi hộp: “Tôi gọi điện hỏi diễn viên Lan Hương, Mỹ Uyên để học hỏi kinh nghiệm. Họ bảo tôi cố gắng nhấn nhá thoại cho tốt.
Đạo diễn Bùi Tiến Huy cũng hướng dẫn tôi rất nhiều. Đạo diễn bảo đừng làm cho nhân vật giám đốc Giang tỏ ra nguy hiểm, mà hãy thể hiện được sự lạnh lùng, dứt khoát. Tôi cố gắng diễn đúng tâm lý, thoại tốt và thật may là được khán giả chú ý”.
Riêng với mối quan hệ cha – con trong phim, anh góp ý với đạo diễn rằng cần thêm chi tiết để hiểu được vì sao ban đầu người cha lại có thái độ như vậy. Đạo diễn, biên kịch tiếp thu ý kiến, đưa thêm vài câu thoại để câu chuyện rõ ràng hơn.
Khôi Trần bảo mình học hỏi được nhiều điều trong những ngày làm việc tại miền Bắc cùng với ê kíp đoàn phim. Đó là việc tập trung kỹ và diễn đúng vào tâm lý nhân vật là giúp diễn viên tỏa sáng.
Nhưng yếu tố kịch bản và đạo diễn quan trọng nhất: “Tôi nghĩ Chúng ta của 8 năm sau được khán giả chú ý bởi vì câu chuyện đời. Phim Việt muốn thu hút cần phải chạm được hơi thở cuộc sống hiện nay”, anh nói.
Rồi Khôi Trần cười bật mí khi được hỏi về kết phim: “Chắc chắn sẽ là một kết thúc đẹp lòng đẹp dạ với khán giả”.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed